Lý thú như chuyện... ghe xuồng

10/08/2014 16:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn tên cuốn sách Ghe bầu Nam Trung bộ và ghe xuồng Nam bộ (NXB Văn hóa thông tin, quý 2/2014) của Nguyễn Thanh Lợi thấy khó thu hút, vì nó nói chuyện nghe có vẻ “xa vời”, khô khan. Thế nhưng khi đi vào nội dung từng bài, theo các cắt nghĩa nhiều phát hiện của tác giả thì khá lý thú, vì nó cho ta biết nhiều điều về một phương tiện đi lại đã rất quen thuộc của người Việt.

“Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở hoặc đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại, sỏng xuồng liên tiếp”, theo bản dịch trong Gia Định thành thông chí.

Bìa sách Ghe bầu Nam Trung bộ và ghe xuồng Nam bộ

Cũng chính vì vậy mà Nguyễn Thanh Lợi bắt đầu công cuộc nghiên cứu của mình bằng một lời khẳng quyết: “Ghe xuồng ở Nam bộ có vị trí rất quan trọng trong việc giao thông đường thủy, ở một địa bàn mà mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại, vận chuyển đã trở thành nét độc đáo trong đời sống của cư dân vùng này. Có thể nói, cư dân miệt sông nước ra đến ngõ là gần như phải đi xuồng. Ngay từ thuở đi khai hoang của cha ông ta, việc đi lại bằng đường thủy vẫn tiện lợi và an toàn nhất”.

Ghe xuồng Nam bộ với Nguyễn Thanh Lợi không chỉ là phương tiện di chuyển thân thuộc, mà còn là cái hồn vùng đất, mang đậm sắc thái riêng. Trong chương về các loại ghe xuồng ở Nam bộ, tác giả lần giở từ nghề đóng ghe xuồng, tên gọi và chức năng, cho đến cội nguồn lịch sử, lễ hội, tập tục, triết lý...

Còn trong chương về ghe bầu miền Trung, không chỉ đi từ nguồn gốc đến chức năng, mà tác giả còn phân loại ghe bầu ở xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phan Thiết… Tác giả đặc biệt chú ý đến loại hình vận tải cận duyên hải hết sức độc đáo này, vốn ghi đậm dấu ấn trong lịch sử hàng hải của Việt Nam thuở trước, thể hiện tâm thế gắn biển, nhất là qua vè các lái - một dạng cẩm nang đi biển, kho tàng tri thức dân gian về biển hết sức phong phú.

“Một khía cạnh văn hóa liên quan đến ghe xuồng đó là tín ngưỡng xung quanh loại phương tiện giao thông thủy đặc biệt này. Người đóng ghe thì có lễ cúng ghim lô, cúng khai nhãn, cúng hạ thủy, đại khái cầu cho mọi việc được hanh thông. Người sử dụng ghe thì cúng ở đầu mũi ghe cầu cho mua may bán đắt (dân thương hồ), đánh bắt được nhiều cá tôm (nghề hạ bạc), chở khách được an toàn (dân tàu đò)...”, Nguyễn Thanh Lợi phân tích.

Cho nên, nhìn rộng ra, với người Việt ghe xuồng là người bạn đồng hành trên con đường chinh phục, khai thác những vùng đất mới và thể hiện sự thích nghi trong những điều kiện sinh thái. Đó là biểu tượng chuyển tải được các giá trị sinh tồn, văn hóa và cả các triết lý, tâm linh.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm