Lời sám hối của người mẹ bán con

10/03/2013 08:21 GMT+7 | Pháp luật


Ngoài giờ cải tạo theo quy định cùng những phạm nhân khác, lúc ngơi tay, chị lại ngơ ngẩn buồn như người mất hồn. Buồn vì là người chẳng có ai thăm nom, buồn hơn là vì chị đang rất đau khổ và ân hận vì đã bán con ở xứ người. Phạm nhân ấy là Ngô Thị Nguyền, quê ở xã Tân Bình, huyện Chợ Mới (An Giang).

Phận đàn bà 12 bến nước


Ngô Thị Nguyền hiện đang phải cải tạo ở Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương). Dù đây là một môi trường tốt, đã giúp chị có “chốn nương tựa” sau những tháng năm sống bấp bênh. Và cũng là nơi để chị bình tâm lại suy nghĩ về những gì mình đã làm. Hơn lúc nào hết, chị chỉ mong biết được tin con vẫn sống an toàn, chứ chẳng dám nghĩ tới chuyện được con tha thứ và đến thăm nom.

Ngô Thị Nguyền tâm sự rằng, phận đàn bà mười hai bến nước, nhưng đời chị có đến 13 bến. Ở Trại giam Hoàng Tiến, coi như là bến đỗ thứ 14, không biết rồi chị sẽ trôi đến một khúc sông nào sau khi mãn hạn 15 năm tù giam vì tội buôn bán phụ nữ và trẻ em. Qua những gì chị nói thì đời chị chẳng khác nào một cuốn phim có  nhiều nước mắt. Nước mắt và khó khăn cứ quấn lấy chị, khiến chị phải làm liều và bàn tay nhuốm chàm, đến lúc tỉnh ngộ thì chẳng thể nào cứu vãn nổi. Giờ chị không còn người thân nào ở bên, và chịu cảnh “ăn cơm tù”.

Nhà Nguyền đông anh chị em, khi mới 17 tuổi, bố mẹ đã ép gả Nguyền cho người đàn ông 40 tuổi, nghe nói là giàu có. Lúc đó, nhà quá nghèo, bố mẹ chỉ mong con gái được gả vào một gia đình giàu sang để khỏi lo đói. Nguyền không thích điều đó nhưng phải nuốt nước mắt nghe theo. Cuối ngày tổ chức lễ cưới, cô em họ nói sẽ giúp Nguyền đi trốn. Và, cùng với người chị ruột giúp sức, đúng đêm tân hôn Nguyền đã trốn ra Sài Gòn rồi hai chị cùng ở lại đó. Người chị ruột đã học và làm nghề cắt tóc gội đầu từ năm 14 tuổi ở Quận 1, Nguyền cũng bằng lòng học nghề hai chị em lấy đó làm kế sinh nhai.

Một lần, Nguyền biết chuyện cô em gái buôn bán ma túy, khi vừa ra Sài Gòn tụ họp cùng hai chị gái. Khuyên em nhiều lần không được, Nguyền liền đi báo công an phường để giúp em gái chừa việc buôn bán. Cô em gái bị công an bắt, và chuyện Nguyền báo công an khiến gia đình nổi giận và hắt hủi, khinh ghét vì đã hại em gái phải vào tù. Nguyền tủi thân nói: “Tôi vẫn nghĩ mình đã làm đúng. Nhưng là đã hại em để phải chuốc lấy cuộc đời buồn tủi. Tôi cứ long đong ở Sài Gòn, rồi ra Cần Thơ, rồi lại về Sài Gòn…”.

Nguyền có ý định tìm đường sang Canada, bởi ở đó có một người chị đang làm công nhân. Chị cũng mơ được xuất ngoại để làm giàu. Nghe những “đồng nghiệp” bán vé số của chị nói rằng, muốn sang đó phải “đi đường tắt”, tức là vượt biên sang Campuchia rồi qua Thái Lan để tìm cách đi. Thế là chị tìm cách sang Campuchia và đã quen với một người đàn ông gốc Việt tên Tiều. Từ quen đến yêu, Tiều nói sẽ đưa Nguyền sang nước đó để làm ăn và khiến chị tin vào tương lai xa. Hai người đã sống với nhau như vợ chồng và có con. Nguyền lúc nào cũng thúc giục Tiều tìm cách sang Thái Lan, nhưng gã lại chưa đủ khả năng thực hiện điều đã hứa. Sau cùng, chị phải bắt Tiều đưa hai mẹ con về Việt Nam.

Chỉ mới về đến An Giang thì Nguyền nhận tin mẹ mất. Chị liền bỏ Tiều, một mình đưa con vào Sài Gòn tìm những mối quen cũ, làm nghề bán vé số. Một thân một mình nuôi con ở chốn không người thân, chỉ có hai mẹ con sớm tối bao bọc cho nhau. Khỏi phải nói Nguyền đã vất vả đến thế nào trong suốt những năm tháng đó.

Vết trượt dài

Vào năm 2003, chị đã được gặp một người phụ nữ tên Hoa. Người này đã “làm quen” chị bằng cách mua cho Nguyền cả một tập vé số. “Chị ta nói rằng, con gái đã lớn cần phải có một cuộc sống ổn định hơn, không thể lang thang cả đời. Chính người đó đã đánh thức khát vọng làm giàu của tôi bằng những lời vô cùng ngọt tai”, Nguyền tâm sự.

Nguyền đã nghe những lời dụ dỗ và đồng ý đi sang Trung Quốc cùng Hoa. Nguyền kể lại: “Tôi theo Hoa bắt xe ra Bắc để ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đến cửa khẩu Móng Cái, có người kéo Hoa đi để giải quyết công việc. Hai mẹ con tôi chờ mãi không thấy chị ta quay lại. Đúng lúc mệt mỏi đó thì có một phụ nữ tự giới thiệu tên là Thìn, người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc đến hỏi han rồi tự nguyện đưa hai mẹ con sang Quảng Đông, Trung Quốc. Ở Quảng Đông, tôi giúp Thìn bán hàng cơm”.

Qua công việc Thìn quen nhiều đàn ông không vợ, những chủ quán kinh doanh dịch vụ mại dâm. Cũng nhờ sự dắt díu của Thìn, Nguyền đã “gả” cô con gái ruột của mình cho một người đàn ông Trung Quốc mà thực chất là bán với giá 4.000 Nhân dân tệ. Nghe lời Thìn, Ngô Thị Nguyền lại tiếp tục về quê để “cẩu” đứa cháu của mình sang “làm việc”, với lời dụ dỗ là công việc đó kiếm tiền rất nhanh. Chuyến đó, Nguyền gặp cả bạn của cháu mình nên đã “ẵm” cả hai cùng sang Trung Quốc. Hai cô gái có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế nên đã nghe theo Nguyền đi về “miền đất hứa”. Ngày 2-6-2004, Nguyền đưa hai cô gái đến khu vực phường Ninh Dương - thành phố Móng Cái) và gọi điện cho Thìn ra đón. Trong lúc chờ đợi, có hai người phụ nữ ra gạ gẫm Nguyền bán hai cô gái này với với giá 10.000 Nhân dân tệ. Trong lúc chần chừ chưa kịp bán thì phía “đối tác” đổi ý, liền đi báo công an. Nguyền bị bắt ngay sau đó.

Nỗi đau khôn nguôi

Nguyền bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh kết án 15 năm tù giam về tội buôn bán phụ nữ. Lúc nghe tòa phán quyết, chị mới ngớ người ngộ ra việc làm của mình là nghiêm trọng, mắc tội nặng. Chị khóc ngất, rồi từ đó sống thu mình trong tâm trạng day dứt. “Tôi bị như vậy là đích đáng lắm, nhưng quả thật, bị tù đày không khổ bằng bị người nhà bỏ rơi. Từ đó đến nay, chưa có ai vào thăm nom. Có thể nói ở đây, tôi là phạm nhân duy nhất chưa từng có người nhà đến thăm. Nhìn mọi người có người thân thăm nuôi động viên an ủi, tôi càng thấm thía nỗi cô đơn tủi cực và càng giận mình. Tôi hận là mình đã từng trải ngoài xã hội nhiều mà còn dại dột. Có lẽ, đồng tiền làm mờ mắt tôi. Cuộc sống khổ cực xui khiến cái chân, cái đầu tôi. Có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng chết đi thì chẳng còn cơ hội đi tìm con gái nữa…”.

Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp người phụ nữ bán con, kể cả những người từng bán con vào “động quỷ”, cũng không phải lần đầu nghe phạm nhân kể khổ. Nhưng những lời người đàn bà phạm tội trước mặt, với giọng của vùng quê mình, rất xúc động, lòng tôi cũng muốn run lên. (Nhưng xét cho cùng thì đó là cái giá mà chị phải trả cho những hành động của mình). Nỗi ân hận của chị, sự đau đớn giằng xé của chị là bài học cho mỗi ai đang và sẽ nghĩ dại, làm liều.

Theo Diên Khánh
An ninh thủ đô

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm