Khải Đơn ra mắt 'Đừng tháo xuống nụ cười': Thèm lẽ phải và nhân tính

17/05/2015 19:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống dạy ta quen với nhiều điều vô lý, đến mức ta không còn buồn phản kháng. Nhưng Khải Đơn không im lặng, nên cô viết để giãi bày trong Đừng tháo xuống nụ cười.

Đọc Đừng tháo xuống nụ cười, người ta thấy: Cuộc đời trong mắt Khải Đơn vừa lem luốc vừa lấp lánh. Khi cô nói về những chuyến đi, cuộc đời rực sáng không gì cản nổi. Khi cô nói về mẹ của mình, là vô tận những hàm ơn tinh tế.

Thế giới trong một cuộc bất hòa

Trong Đừng tháo xuống nụ cười – cuốn sách đầu tay Khải Đơn gửi đến người đọc những câu hỏi, những ngạc nhiên như thể lâu rồi ta quên ngạc nhiên. Như chuyện tại sao ta phải chấp nhận một nền giáo dục nơi “ngôn từ được đánh tráo thành tiền”, nơi những giảng viên lười nhác đến lớp với cuốn giáo án mấy chục năm cũ rích?

Tại sao những sinh viên trẻ trung đầy mơ mộng phải vùi ngày tháng ở cái làng đại học nhếch nhác nơi “tôi đi qua mỗi ngày hàng trăm quán nhậu”, còn thư viện thì kín cổng xa xôi?

Tại sao những đứa trẻ phải chịu “cõng ước mơ ba mẹ trên vai”, một kiểu tâm hồn bị nhốt kín từ thuở ấu thơ? Sao chúng ta có thể sống quá bất an khi đời sống vô minh đến nỗi người ta dễ dàng cầm thanh sắt đập người lạ ngoài đường chỉ vì ngứa mắt?


Tác giả Khải Đơn

Thực ra những chuyện này, thiên hạ đã nói nhiều. Nhưng chuyện cũ qua góc nhìn Khải Đơn, chúng sống dậy, trở nên xanh nhức. Bởi cô nói bằng những trải nghiệm cá nhân da diết, bằng thứ ngôn từ bạo liệt, con chữ đập thình thịch trên trang giấy… Cô nhìn từ chỗ đứng của một người trẻ lắm mộng mơ, thèm lẽ phải và nhân tính.  Như nhiều người trẻ tuổi đầy bất hòa với cuộc đời cũng chỉ vì cô thèm sống đàng hoàng giữa quá nhiều hỗn độn.

Năng lượng phản tỉnh là thứ có rất mạnh trong những gì Khải Đơn viết. Có người bảo, nó làm hỏng những ảo tưởng bình yên về tuổi trẻ… Dĩ nhiên, cuộc đời đầy những lỗi lầm và chẳng có cái gì tuyệt đối. Nhưng đọc Khải Đơn, ít nhất những gì cô viết còn khiến người ta biết băn khoăn. Thật đáng sợ khi người trẻ lặng im và dìm tiếng nói của mình xuống vì sự lười suy nghĩ hay sự yên tâm về những thứ được an bài…

Những mẩu chuyện về tình thương

Khải Đơn khiến người đọc xúc động, khi đọc những dòng này về những người trẻ Sài Gòn: “Nếu một lúc nào đó đêm nay, bạn ra phố và thấy người ta hôn nhau, xin đừng cười rúc rích, hãy lặng lẽ rời gót ra xa, bởi đó là phút giây bình an hiếm hoi mà thế giới đô thị này còn lại…”. Có lẽ nhiều người say mê theo dõi Khải Đơn trên Facebook, không chỉ vì cô biết tức giận trước cái xấu, mà cô còn rất dễ yêu thương, như thế.


Bìa cuốn “Đừng tháo xuống nụ cười”

Khải Đơn tên thật Phạm Lan Phương, sinh năm 1987, từng học báo chí, thích đi và viết. Bạn bè còn nhớ chuyện cô gái này, năm nhất đại học, xách một chiếc xe đạp cà tàng, treo lên đó bếp gas, nồi niêu đạp xe xuyên Việt đi chơi, cùng một cậu bạn. Đi chơi chứ không cần đi vì môi trường hay vì điều ghê gớm gì. Thời sinh viên, cô một mình làm nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhất cấp Bộ về chuyện tác nghiệp của phóng viên quốc tế tại Việt Nam. Khi đi làm, cô hứng thú tỉ mỉ với từng con người mình gặp, một nhà khoa học về nước, một ông bác sĩ chuyên làm từ thiện, cho đến cậu bé giữ xe vỉa hè… Cô trò chuyện với họ nghiêm chỉnh, chân thành, say sưa.

Điều thú vị là bạn bè gần gũi với Khải Đơn thường cảm thấy, trái lại với cái vẻ ngoài hơi nam tính của mình, cô ân cần và dịu dàng quá mức với mọi người. Cô sống với nhiều tình thương và sự lo lắng canh cánh cho mọi sự xung quanh: căn bệnh mãn tính của mẹ ở nhà, đứa em lớp dưới đi làm xa thiếu tiền… Thực ra, đó mới chính là điều làm người đọc yêu Khải Đơn hơn cả. Ít ra, phải sống như thế đã, rồi mới viết đàng hoàng được.

Khải Đơn viết về mình:“Tháng năm của tôi, đẫy đà sự kiện, ngập tràn những cuộc gặp gỡ!”. Vâng, Khải Đơn đang có “một cuộc đời hăm hở” và hy vọng Đừng tháo xuống nụ cười cũng truyền đến người đọc cảm hứng “hăm hở” ấy!

Ba Xuyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm