Hội thảo Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số: Không phải giàu hơn là giỏi hơn

05/11/2012 06:03 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - “Giàu nghèo không phải là vấn đề chính tạo nên sự chênh lệch về chất lượng giáo dục” - ông Paul Mathias, thanh tra cao cấp về giáo dục người Pháp khẳng định tại hội thảo Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội vừa qua.

Thanh tra giáo dục người Pháp Paul Mathias trong buổi nói chuyện Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số tại Trung tâm văn hóa Pháp. Ảnh: Hạ Huyền

Phát biểu của ông Paul Mathias có thể diễn nôm ra là “không phải giàu hơn là học giỏi hơn”, điều này có lẽ không cần phải chứng minh nữa.

"Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số” hiểu nôm na là ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại trong giảng dạy và học tập, đối với phần lớn người Việt Nam, vẫn là một đề tài khó bàn. Khó bởi chúng ta vẫn loay hoay, đã làm nhưng thiếu định hướng và chưa hiệu quả.

Vấn đề không nằm ở chiếc iPad mà ở người thầy

“Giàu nghèo” ở đây không chỉ nói về sự chênh lệch về kinh tế giữa các nước (chẳng hạn, Pháp và Việt Nam) mà còn giữa các vùng trong cùng một nước, như các đô thị lớn và các địa phương miền núi của Việt Nam.

Phát biểu trên được ông Mathias đưa ra khi một đại biểu tại hội thảo phản bác rằng sự phát triển về công nghệ kỹ thuật có thể không mang lại sự bình đẳng trong giáo dục như ông nói, mà ngược lại, khiến hố sâu ngăn cách giữa các nước, các vùng còn trầm trọng hơn, vì người nghèo khó có điều kiện tiếp cận công nghệ.

Ông Mathias cho rằng: “Hiện nay, người Việt Nam ở các thành phố lớn như Hà Nội đã truy cập mạng Internet rất dễ dàng và sẽ chỉ mất 5 năm, 10 năm thì điều đó cũng diễn ra ở các vùng miền khác”, khả năng cập nhật công nghệ chỉ là vấn đề thời gian. “Sự chênh lệch về tri thức quan trọng hơn sự chênh lệch giàu nghèo hay công nghệ kỹ thuật” - ông  nhấn mạnh.

Nhà giáo dục người Pháp lấy một ví dụ từ thực tế. Ở Pháp, một nước giàu, nhiều trường học có khả năng cung cấp iPad miễn phí cho học sinh lớp 9. Nhưng thực tế sau đó là, giáo viên các trường đó đã đem cất toàn bộ iPad vào tủ khóa lại, cấm học sinh sử dụng vì lo ngại các em mải chơi mà sao nhãng học tập.

Đó là vì giáo viên nhận ra học sinh chưa có khả năng làm chủ công nghệ và nếu cho các em sử dụng iPad thì các em sẽ trở thành “nô lệ” của chiếc máy tính bảng, cũng như rất nhiều người khác đã trở thành “nô lệ” của các thiết bị công nghệ khác. Từ đó, người Pháp nhận ra rằng, vấn đề không nằm ở chỗ cung cấp thiết bị kỹ thuật số cho học sinh mà là đào tạo được đội ngũ giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị đó hiệu quả.

Không nên lạm dụng công nghệ

Chắc chắn rằng, nếu ở Việt Nam, chúng ta có đủ điều kiện để làm tương tự thì cũng sẽ vấp phải lo ngại tương tự. Chẳng hạn, chương trình thiện nguyện giáo dục “20 triệu máy tính bảng cho trẻ em Việt Nam”, tiến sĩ Alan Phan - một doanh nhân gốc Việt, Chủ tịch một quỹ đầu tư tại Hong Kong và Thượng Hải. Mục đích là cung cấp máy tính bảng có các bản sách giáo khoa số hóa và cả một kho tri thức trên mạng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ miền núi.



Giờ học tin học của học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh có tính chất minh họa

Nhưng, khi bắt đầu chương trình này, ông Alan cũng phải đối mặt với chất vấn “Trẻ em sẽ dùng máy tính để học hay chơi?”. Đáp lại, ông viết bài "20 triệu máy tính bảng" trên trang cá nhân ví von: “Nhiều người sẽ tranh luận về thì giờ mê mệt với game hay chat của các em, còn tôi lo lắng nhiều hơn về lãng phí và bệnh tật từ thì giờ đi nhậu nhẹt của người lớn”.

Đây là một chương trình thiện nguyện đáng chú ý của Việt Nam hiện nay, bên cạnh “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn và “Mặc ấm” của ca sĩ Thái Thùy Linh. Ba chương trình, một là ăn, một là mặc, và một là công nghệ - chiếc chìa khóa để tiếp cận tri thức. Mặc dù vậy, “20 triệu máy tính bảng” không cấp thiết bằng hai chương trình kia và đòi hỏi kế hoạch dài hơi hơn.

Nhưng thực ra, ý kiến lo ngại: sự phát triển về công nghệ kỹ thuật có thể không mang lại sự bình đẳng trong giáo dục, là cách nhìn phổ biến của nhiều người trước việc ứng dụng kỹ thuật số vào giáo dục và họ có lý. Nhà tâm lý Nguyễn Đức Thạc, cũng là một nhà giáo, cho biết ông nhiều lần dự giờ giảng theo kiểu trình chiếu slide của các giáo viên trẻ và cảm thấy đó là “những bài giảng vô hồn”, hiệu quả truyền đạt không cao. Ông cảnh báo về việc “lạm dụng kỹ thuật số trong giảng dạy”.

Chính người Pháp cũng phải đối mặt với vấn đề này. Và, không chỉ người Pháp, theo ông Mathias: “Đây là một vấn đề toàn cầu”. Trong trường hợp cụ thể, như ông Thạc ví dụ, thì cách giải quyết là làm thế nào để cả giảng viên và sinh viên đều không quá phụ thuộc vào slide bài giảng. Sinh viên có thể xem trước nội dung bài giảng ở nhà rồi đến lớp trao đổi với giảng viên. Điều quan trọng là chúng ta đừng biến slide trở thành nhân vật chính của buổi học, để rồi chỉ cần máy móc trục trặc là buổi học có nguy cơ thất bại. Hãy làm sao để công nghệ phục vụ người dạy và người học chứ không phải ngược lại.

Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm