Hội sách TP.HCM lần 7: Sách vào... mùa hội

19/03/2012 10:12 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Tối nay (19/3), tại Công viên Lê Văn Tám, Hội sách TP.HCM lần thứ 7 chính thức khai mạc và kéo dài đến 25/3. Có thể nói sau 7 lần tổ chức, Hội sách TP.HCM đã trở thành lễ hội văn hóa đọc lớn nhất cả nước. Theo dự tính, mỗi ngày, lễ hội này sẽ đón hơn 100.000 lượt người.

“Hội sách TP.HCM hình thành xuất phát từ nhu cầu giới thiệu, quảng bá sách của các đơn vị làm xuất bản và cũng là nhu cầu có một lễ hội dành riêng cho văn hóa đọc của người dân. Hội sách ngày càng đi vào thực chất, hướng đến tính hiệu quả chứ không hình thức nhằm báo cáo, “lấy điểm” với cấp trên” - ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc FAHASA, đơn vị đồng tổ chức Hội sách TP.HCM lần 7 – chia sẻ.

Thước đo của thị trường sách

Ban tổ chức Hội sách TP.HCM lần 7 cho biết có 200.000 tựa sách và khoảng 20 triệu bản sách phục vụ nhu cầu người đọc trong lễ hội lần này. Theo nhận định của nhiều người trong giới xuất bản, hội sách lần này có tầm quy mô lớn nhất, đi vào chiều sâu nhất từ trước đến nay. Hội sách TP.HCM lần 7 không chỉ dành cho giới làm sách trong cả nước giới thiệu ấn phẩm của mình, mà còn dành cho các đơn vị nước ngoài. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng, tiếng vang xa của Hội sách TP.HCM.

Hiện có 25 NXB nước ngoài, 17 NXB trong nước, 70 doanh nghiệp làm sách tư nhân và 51 đơn vị kinh doanh khác tham gia Hội sách TP.HCM lần 7. Các đơn vị này sử dụng 500 gian hàng để giới thiệu sách và các sản phẩm liên quan đến người đọc. Tuy nhiên, không như kỳ vọng của nhiều người, sách của các NXB trong nước quá ít nếu được in theo kế hoạch A khi so với sách liên kết (kế hoạch B) được thực hiện bởi các đơn vị làm sách tư nhân. Kể cả quy mô các gian hàng của các NXB trong nước cũng khá khiêm tốn khi so với các đơn vị tư nhân. Nhìn chung, các NXB có hoạt động mạnh trong hội sách chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: NXB Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ… Đây cũng là dịp để người đọc kiểm chứng “thương hiệu” của các đơn vị làm sách và các đơn vị làm sách “nhìn lại chính mình”.

Lý giải điều này, ông Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc FAHASA, cho biết: “Các NXB trong nước tham gia hội sách ít hoành tráng, sách kế hoạch A không nhiều, theo tôi là do cung cách làm ăn của nhiều NXB chưa năng động. Trong khi giới làm sách tư nhân họ nắm bắt thị trường rất nhanh, nên hiệu quả hơn. Sách kế hoạch B trong hội sách lần này có số lượng áp đảo, hình thức đẹp mắt cũng là điều dễ hiểu. Điều này chứng tỏ được thước đo của thị trường”.


Rất đông người dân tham quan, mua sắm tại Hội sách TP.HCM

Người dân TP.HCM: "Đồng tác giả hội sách"

Điều gì khiến Hội sách TP.HCM ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm tham gia của giới làm sách trong và ngoài nước? Theo ông Phạm Minh Thuận: “Không chỉ riêng hội sách, các lễ hội khác tại TP.HCM đều rất thành công, như Đường hoa Nguyễn Huệ, luôn tạo được diện mạo đẹp trong mắt nhiều người. Theo tôi, có lẽ là văn minh nơi công cộng của TP.HCM rất cao. Riêng trong các lần hội sách, người dân còn chi dùng rất rộng rãi, họ mua sách như một như cầu cần phải có. Chính những điều này khiến hội sách thành công”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đơn vị đồng tổ chức hội sách lần này, chi tiết hơn: “Trong các lễ hội có hàng chục ngàn người tham dự, việc mà các đơn vị tham gia lo lắng đó là sự thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến doanh thu. Riêng trong Hội sách TP.HCM, sự thất thoát này là không đáng kể. Chẳng hạn với NXB Trẻ trong hội sách TP.HCM lần 6, chúng tôi có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, nhưng số tiền hàng thất thoát chỉ hơn 10 triệu đồng. Ý thức của người dân tham quan, mua sắm tại hội sách rất cao. Có người sau khi mua sách tại gian hàng của NXB Trẻ nhưng quên trả tiền, họ cùng gia đình đi lòng vòng một hồi rồi sực nhớ trở lại trả tiền mua sách cho NXB Trẻ”.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo hội sách lần này, khẳng định: “Sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tham gia hội sách là yếu tố có tính chất quan trọng để làm nên thành công của hội sách. Thế nhưng, yếu tố then chốt, có tính chất quyết định, để làm nên thành công của hội sách lại chính là những người dân. Sự tham gia đông đảo và đầy văn hóa của người dân TP.HCM đã làm nên nét đặc trưng của Hội sách TP.HCM. Với hơn 100 ngàn lượt người mỗi ngày, người dân TP.HCM khá khó khăn trong việc gửi xe, đi lại khi đến với hội sách. Thế nhưng, hình ảnh cả gia đình: cha dắt con, vợ cùng chồng, ông với cháu cùng đi hội sách, cùng lựa chọn những quyển sách cho riêng mình là những hình ảnh đặc sắc, độc đáo, văn hóa phổ biến và chỉ tìm thấy tại Hội sách TP.HCM. Chính người dân TP.HCM là đồng tác giả của hội sách. Chính nét văn hóa của người dân TP.HCM và những người tham gia hội sách quyết định sự thành công và tạo nên nét văn hóa đặc trưng của Hội sách TP.HCM”.

Hoạt động đáng chú ý tại Hội sách TP.HCM lần 7

- Ngày 20/3: Giao lưu với nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn (8h30 - 11h); Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng 200 cuốn Kính vạn hoa phiên bản mới (9h - 11h); Hội thảo “Phát triển kỹ năng đọc cho học sinh tiểu học” (18h - 20h);

- Ngày 21/3: Giới thiệu và giao lưu với các nhà văn 8x: Bích Khoa, Tiểu Quyên, Yến Linh, Ngô Thị Hạnh… (9h – 12h); Giao lưu với nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên, Lưu Quang Minh (19h30 - 21h30); Giao lưu với nữ biệt động Sài Gòn và giới thiệu cuốn sách Những thiên thần đường phố của Mã Thiện Đồng (19h-22h)

- Ngày 22/3: Hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục (8h30-11h30); Công bố Giải thưởng sách hay 2012 (8h30-11h30); Giao lưu với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và quyển ký sự Chuyện đời đại sứ (9h-12h); Giao lưu các diễn giả Nguyễn Thị Từ Huy, Phạm Quốc Lộc (15h-17h); Giao lưu với diễn giả Trần Đăng Khoa về chủ đề “Khát vọng sống” (19h-21h); Ra mắt bộ truyện Những câu chuyện ở thị trấn Lúc Búc dành cho bé 2 - 5 tuổi (18h-19h30); GS Trần Văn Khê nói chuyện về Cú sốc dưỡng dục (19h30-21h30)

- Ngày 23/3: Giao lưu ký tặng Hồi ký Tâm Phan (9h-11h); Giao lưu với TS Nguyễn Xuân Sanh, TS Nguyễn Khánh Trung và giới thiệu cuốn sách Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại (15h-17h); Giao lưu với bé Đỗ Nhật Nam - dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam (19h30-21h)

- Ngày 24/3: Giao lưu với GS-BS Nguyễn Chấn Hùng và BS Đỗ Hồng Ngọc về Mấy bài thuốc quý (9h-12h); Giao lưu và trao giải cuộc thi “Tủ sách gia đình” (9h-11h); Giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về tác phẩm Vong bướm (15h30-17h30); Giao lưu tủ sách Hạt giống tâm hồn với sự tham gia của 50 văn nghệ sĩ (19h-21h);

- Ngày 25/3: Tọa đàm Mang tinh hoa văn học đến với mọi người (9h-10h30); Hội thảo Sách khoa học và giáo dục dành cho thiếu nhi (15h30-17h)

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm