Hoàng Việt Hằng: Người đàn bà ưa chuyển dịch

19/08/2012 13:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sau bốn năm “Một mình khâu những lặng im”(*), nhà thơ Hoàng Việt Hằng lặng lẽ in tập thơ thứ sáu - Xóa đi và không xóa (NXB Phụ Nữ, 2012). Gần 60 bài thơ, xấp xỉ số tuổi của nhà thơ, cũng là những con số của chuyến hành trình đời người, đi về có hoặc không điểm đến…

Tập thơ ra đời lặng lẽ là bởi không có thông cáo đến báo chí, đồng nghiệp, cũng chẳng làm ra mắt sách, sự xuất hiện trên truyền thông hầu như chưa thấy. Ai có gặp nhà thơ thì may chăng được tặng một cuốn, và bà thì từ chối trả lời mọi phỏng vấn.

1. Dù nồng nàn yêu đời, yêu người, ấy thế nhưng hiếm khi thấy nhà thơ Hoàng Việt Hằng cười, nếu có, chỉ là chúm chím nơi đầu môi. Với một máy ảnh nhỏ xíu, gặp cảnh, gặp tình, bà sẽ ghi nhớ lại qua từng tấm hình. Rồi thể nào người thân quen sẽ bất ngờ thấy mình trong khung cảnh nào đó đã xa, khi bà đến tận nơi tặng ảnh, nếu không gặp, sẽ để lại trên bàn làm việc của họ, rồi nhẹ lòng về.


Chân dung nhà thơ Hoàng Việt Hằng

Cũng như người, thơ Hoàng Việt Hằng, ít khi là vui, luôn mang sự cô đơn quạnh quẽ lạnh vắng của người quen sống một mình, và bao nhiêu chuyến đi xa, lang thang khắp các vùng miền đất nước, cũng lại một mình.

Mở đầu tập thơ là bài Tôi đi, “Tôi đi/ lên núi nói chuyện với cây/ cây nghe xong rụng lá…/ tôi đi/ lên núi nói chuyện với đá/ đá nghe xong xám lại…/ tôi đi lên núi nói chuyện với thác/ Thác Bờ nghe xong xóa đi…”

Lời thơ của Hoàng Việt Hằng đơn giản như thủ thỉ, thấy gì, cảm gì thì ghi chép lại. Câu thơ không phức tạp chữ nghĩa, không hoa lệ ngôn từ, cứ như một khoảnh tự mình trò chuyện với mình, dọc đường, những lúc nghỉ chân đỡ phần mỏi mệt: “Giống ngôi nhà tiều phu trên núi vắng/ Bên này sông Nậm Khan/ Chị Ngải sống một mình?/ Túp lều gianh và chiếc ấm sành/ Chị đi nhổ cỏ và nuôi vịt/ Khi mò cua bắt tép cũng qua ngày…” (Bên này sông Nậm Khan, T.62)



Bìa tập thơ Xóa đi và không xóa

2. Xóa đi và không xóa, gồm những bài thơ ít vần điệu? hay là những dòng ký ngắn đánh dấu những nơi bà đã đi qua, đã đến, đã ngồi lại ngắm nghía cảnh vật đôi chút, cảm thông với lòng người đôi chút.

Thơ Hoàng Việt Hằng có gì đó tương đồng với tản văn của bà. Cùng là tâm trạng đó, cùng là cách nhìn đó, cùng là cảm nhận đó. Tản văn thì chứa thơ, thơ thì chứa chất tản văn. Tưởng hai thể loại mà là một. Tản văn thì dài hơi hơn, còn thơ thì cô đọng hơn: Một lần đi chợ Đục Khê, Ngược sông Mã, Ra đảo Dấu, Lên Mường Lát, Cỏ lau nở bên bờ sông Mực, Kiểm lâm viên rừng Bến En, Sân sau ngôi chùa Sái, Người mẹ ở Buôn Đôn… Chỉ cần đọc tên bài thơ, có khi cũng lờ mờ hiểu tác giả muốn nói gì. Câu chuyện kể rất nhẹ, thường là tấm lòng người đàn bà nhân hậu dành cho mọi cảnh ngộ đời có thể cảm thông.

Xuyên suốt tập thơ, là tâm sự của người đàn bà ưa chuyển dịch. Có chút tiền gom được từ nhuận bút những bài viết in trên báo, là bà lên đường. Tiền ít thì đi dọc ngang Trung - Nam - Bắc với xe máy, xe khách, xe đạp, xe thồ…, giản đơn nữa là đi bộ. Tiền nhiều thì ra nước ngoài, ngắm nhìn tận hưởng những khung trời lạ của miền đất lạ.

Theo ghi chép hành trình, thì điểm muốn đến của bà, cũng như tâm lý một bà mẹ Đông phương là thích tìm đường đến chùa chiền. Leo núi cao, chồn lưng, gối mỏi, cũng chỉ để nghe tiếng chuông mõ tụng kinh trên một miền hoang sơ heo hút, để vấn đáp với vị sư đáng kính về nỗi đời, nỗi đạo. Tuổi tác, sức khỏe không làm nao núng bước chân đi. Lắm khi ốm ngang hành trình, ăn nằm ngủ nhờ nhà người dân địa phương, dăm ngày thoát cơn bạo bệnh, lại bùi ngùi tạm biệt họ, lúc nào đó tặng lại một bài thơ, rồi lên đường, không biết khi nào qua lại để gặp ơn nhân.

 3. Ít đau đáu, ít hoài nghi, ít tận cùng tâm can khổ sở, mọi điều trong mắt người đàn bà này mang vẻ nhẹ nhàng buồn, lẫn mong manh tự nhiên như hơi thở. Bà chỉ ghi lại những gì nhìn thấy, không có gì phán xét. Tuồng như, tất cả mọi điều đang chuẩn bị dừng lại, yên bình. Rồi đến ngày: “Đôi khi thấy mình yếu đuối/ chẳng buồn đi núi làm gì/ đôi khi thấy mình chẳng nghĩ/ chẳng buồn phiền toái làm chi/…” (Thơ không đặt tên).

Thì là thế, sau sóng gió đời người chông chênh, chỉ còn lại tuổi già, cùng thơ, cùng những lặng lẽ chuyến đi về. Cứ đi về, có hoặc không điểm đến.
--------

(*): Tên một tập thơ của nhà thơ Hoàng Việt Hằng

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm