Hành trình dài

14/05/2009 17:49 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Thanh Hoá – Hà Nội 154 km.

4h30 phút sáng ngày 20 tháng 4 năm 2006. 

Xe cấp cứu 115 lắc điên đảo, hú còi suốt một đoạn đường dài bất tận. Chưa bao giờ cả gia đình tôi ngồi bên nhau đầy đủ trên một chuyến xe. Mẹ tôi không khóc được nữa. Mẹ tôi cố thở thật khẽ để tôi không phải choàng với qua vai. Bố tôi quay hẳn người lại trên ghế phụ đằng trước. Anh trai tôi nôn hồng hộc sau mấy ngày dài thức đêm và liên tục trên những chuyến xe. Xe cấp cứu có một chỗ nằm duy nhất và bàn chân em gái tôi đang lạnh ngắt trong tay tôi. Chị dâu phải cố gắng lắm mới giữ được đầu cô bé cho thăng bằng. Hình như cô bé phải huy động những hơi thở cuối cùng nâng hẳn phần trên người để nôn khan toàn ra nước.

Tiếng còi xe tiếp tục hú, xé bóng đêm hun hút đầy sương và gió trên những km đường ong ong tiếng bác sỹ điều trị “trên đường đi nếu xảy ra bất trắc gia đình tự chịu trách nhiệm. Chuẩn đoán lâm sàng bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối”. Chỉ tôi, bố và anh trai biết. Cô bé nghĩ rằng mình có một chuyến đi Hà Nội vài ngày trước khi thi đại học để về kể cho bạn bè nghe  thủ đô thế nào

Viện Huyết học truyền máu TW, 7h sáng.

Xe cấp cứu 115 hự lên tiếng kêu khi nó bò lên dốc chân cầu thang của Viện Huyết. Có lẽ nó đã cũ, hoặc có thể đó cũng là lần đầu nó đưa người vào viện Huyết. Mẹ tôi lao khỏi cửa xe nôn. Có lẽ mẹ đã “cố nhịn” từ tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Anh trai tôi cõng em vào nghỉ tạm chân cầu thang chờ người y tá đi theo xe làm thủ tục. Hai bạn gái thân của tôi xách túi co ro quây tròn dưới cầu thang cùng cô bé. Cơn mưa buổi sáng hằn rõ những đoạn rêu mốc lấm tấm xanh và đưa đẩy đám lá run rẩy. Chân cầu thang năm phút sau bốc mùi thơm phức của chào hành, cháo sườn, xôi buổi sáng.

Thỉnh thoảng chúng ta đi lạc vào một thế giới khác.

Nếu có một ngày bạn gặp lại cái gì quen quen, ở trong một không khí quen quen, nhìn thấy một gương mặt quen quen…và tự hỏi có phải mình đang gặp một cái gì rất quen?. Bạn sẽ rất khó trả lời. Vì hình như cái quen của bạn là một cái gì đó rất lạ của ký ức nhưng đồng thời lại là vị khách có mặt một đôi lần của cảm xúc. Nhưng đó phải là những chuyện ít nhất bạn có một lần trải qua hoặc tương tự.

Tôi đã đi lạc vào một thế giới chưa biết bao giờ, thậm chí không nghe nói. Vì tôi vô tâm, vì tôi bận rộn, hoặc vì nó nằm trong vô số những thứ không có trong danh sách tôi phải quan tâm. Tôi quan tâm đến em gái tôi, đến số phận và cuộc đời của một cô bé mười chín tuổi, là học sinh lớp mười hai và mắc bệnh ung thư máu dòng bạch cầu cấp giai đoạn cuối. Tôi quen mùi thuốc khử trùng trong bệnh viện, những bệnh nhân nói ngọng (mới đầu em tôi nằm trong một phòng toàn những người nói ngọng do hoá chất phá – tôi ngây thơ tự cho rằng có lẽ họ bị chứng nói ngọng từ nhỏ). Tôi quen với những mảng da thiếu tiểu cầu tím ngắt to như bàn tay táp thẳng vào mặt, mắt, đầu gối, toàn thân người (tôi cứ nghĩ bị ngã). Tôi không dám bước chân lại gần chỗ ngoặt hành lang nơi có những bệnh nhân tôi quen cố rướn người, miệng há to và hơi thở mạnh, dồn dập như một cái bơm đẩy không khí. Tôi nhìn thấy máu, ở miệng, ở mắt, ở mũi, ở nước tiểu, ở phân…Tôi nghe những tiếng điên loạn, mê sảng ngày đêm….Có rất nhiều thứ tiếng trong một bệnh viện mà bạn có thể nghe. Đó là một dàn âm thanh lớn và phức tạp nhất, đau khổ và nghị lực.

Bạn đã bao giờ thử lắng nghe một dàn âm thanh?.

Nếu bạn thử áp tai vào một chiếc loa thùng đang mở vừa phải công suất trong một bản nhạc sôi động. Trí nào bạn sẽ ghi nhớ ngay lập tức những nốt nhạc ầm ào nhưng trái tim bạn lại ghi nhận những nốt trầm của nó. Tôi nhớ những ngày ở trong viện, nhớ những khuôn mặt mà tôi muốn quên đi, đuổi đánh vào mỗi tối. Vì tôi biết có quá nhiều người giống tôi. Luôn luôn che dấu tình cảm thực sự, suy nghĩ thực sự và niềm tin thực sự. Cho một điều thật sự có ý nghĩa, thậm chí phải hy sinh cái gì đó của bản thân, cái gì đó thuộc về nước mắt và niềm cảm thông. Không một người nhà nào nói với nhau rằng “tôi rất buồn”, không một người nhà nào khóc trước mặt bệnh nhân. Không một ai nói với bệnh nhân về tình trạng hiện tại. Câu hay dùng nhất trong bệnh viện là bác sỹ bảo ổn, mọi chỉ số đều lên.

Đã bao giờ bạn nằm và phân tích  tiếng bước chân?.

Nếu bạn là một nhà văn, xin hãy lắng nghe tiếng bước chân của những người đi qua bạn. Có thể số phận cuộc đời họ ẩn chứa trong đó. Và nếu có cơ hội ghi lại, rất có thể bạn có vô vàn câu chuyện hay. Tôi nghe tiếng dép của bác sỹ và anh y tá vào 2h30 phút sáng. Có một câu chuyện không lành với họ. Một bệnh nhân đã ra đi sau ca cấp cứu. Năm sáu người lặng lẽ đẩy cáng theo sau. Họ bước nhẹ tênh trên nền gạch. Những người nhà bệnh nhân khác lặng lẽ gấp giường hoặc giúp khênh bệnh nhân xuống cầu thang. Xe cấp cứu rì rì tiến vào cổng. Và oà khóc. Bệnh nhân giường bên cạnh mệt mỏi ho, hỏi thều thào “anh ấy sao rồi”? trong buổi sáng.

Bạn đã bao giờ thử thách, tìm hiểu khả năng của bản thân?.

Tôi làm một phép thử đơn giản trong một cuộc nói chuyện giữa tôi và em gái. Em tôi hỏi “cuộc đời dài hay ngắn”?. Tôi trả lời “cuộc đời dài”. Em gái tôi bảo, cuộc đời không dài không ngắn mà phụ thuộc vào cách mình đã sống cuộc đời như thế nào”. Cô bé bảo “em tin thế”.

Một buổi sáng, trong một hành trình dài 154 km và nhiều đêm không dám khóc, không dám thương xót ai, không dám ước được như trước đây, đếm bước chân của những người ở viện… tôi thấy môi mình tự cười. 

      Nguyễn Thị Hoa Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm