Giải thưởng sách hay 2014: Trao giải cho tác phẩm 'cổ' và người thiên cổ

12/09/2014 07:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng sách hay do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (gọi tắt là “Viện IRED”) tổ chức trao giải hàng năm. Việc tôn vinh những cuốn sách hay và tác giả viết ra nó là điều đáng trân trọng.

Song, như TT&VH đã phản ánh trong các năm qua, thì giải thưởng này toàn trao cho những cuốn sách đã khẳng định giá trị, khác nào trao thêm một “vương miện” hoa hậu mà người đẹp đã đoạt giải không cần. Vậy thì giải thưởng sách hay nhắm vào mục đích gì? Để tôn vinh tác giả, tác phẩm, hoặc nơi xuất bản?

Trao giải nhầm “địa chỉ”?

Có thể ví von, một cuốn sách khi vừa ra đời thật hay hoặc gây tiếng vang giống như một người đẹp đến tuổi trăng tròn được người trong làng trầm trồ khen ngợi. Nhan sắc của nàng như một “giai thoại” khiến người trong làng khi nhắc đến thời điểm nàng rạng ngời được truyền tụng từ nhiều đời cho nhau. Thì, một cuốn sách hay cũng giống như nàng, sẽ được truyền tụng bằng văn bản hay truyền miệng để người đời sau nhớ đến và tìm đọc.

Thế nhưng, giải sách hay trong các năm qua, cụ thể là từ năm 2011 đến nay đều trao cho các nàng đẹp “huyền thoại” đã được “xưng tụng”. Vinh danh một giá trị đã được định hình không có gì sai, nhưng cứ hết năm này đến năm khác vinh danh các cuốn sách có giá trị của ngày cũ, khác nào “ăn mày dĩ vãng mãi thành quen”.


Nhà thơ - dịch giả Đỗ Trí Vương (sinh 1990, TP.HCM) và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (sinh 1985, Hà Nội) là hai đại diện trẻ tuổi nhất nhận giải Sách hay 2014

Ví dụ trong lĩnh vực văn học của giải sách hay 2014, đã trao cho tiểu thuyết Người đi vắng của nhà thơ Nguyễn Bình Phương ở mục “sách viết” và Bắt trẻ đồng xanh do Phùng Khánh dịch. Với Bắt trẻ đồng xanh, người đọc sách văn học đã đọc tác phẩm này từ trước năm 1975 tại Sài Gòn qua bản dịch của Phùng Khánh. Người biết nhiều hơn, hẳn biết Phùng Khánh là bút danh của Ni sư Trí Hải, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh. Vậy nếu trao giải sách hay cho Bắt trẻ đồng xanh thì tại sao lại ghi “đơn vị xuất bản” là Nhã Nam và NXB Văn học? Không lẽ Nhã Nam và NXB Văn học đã có các hoạt động xuất bản tại Sài Gòn từ trước 1975?

Chúng tôi liên lạc với nhà thơ Nguyễn Bình Phương khi tiểu thuyết Người đi vắng của anh nhận giải sách hay 2014. Nguyễn Bình Phương cho biết: “Người đi vắng có ba bản in: NXB Văn học in năm 1999, NXB Phụ nữ tái bản năm 2006 và NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản năm 2013”. Giải thưởng sách hay trao cho Người đi vắng ghi “nơi xuất bản” là NXB Văn học. Thật phi lý, sao cùng chung hạng mục “văn học” đoạt giải sách hay, khi Bắt trẻ đồng xanh lại trao cho Nhã Nam và NXB Văn học (đơn vị tái bản) còn Người đi vắng thì trao cho NXB Văn học (đơn vị xuất bản đầu tiên chứ không phải đơn vị tái bản). Phải chăng, giải thưởng này đã vô tình hay cố ý trao nhầm địa chỉ?

Tác giả đã thiên cổ

Cũng như nhiều năm trước, giải sách hay 2014 đã trao cho nhiều tác giả đã thành người thiên cổ. Như dịch giả Phùng Khánh đã qua đời, và nhà văn Trần Hoài Dương với tác phẩm Miền xanh thẳm cũng đã khuất. Những năm trước đó, giải thưởng cũng đã trao cho người không còn trên cõi đời này như: Bùi Giáng với bản dịch Hoàng tử bé (2011); Phùng Quáng với Tuổi thơ dữ dội (2012)…

Tác giả đã thành người thiên cổ thì tác phẩm của họ hẳn nhiên ra đời cũng lâu không kém. Như Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương đoạt giải sách hay ở mục “thiếu nhi” lần này, được xuất bản năm 2000 và đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam 2001. Một tác phẩm từng đoạt giải cao nhất được trao hàng năm của Hội Nhà văn như Miền xanh thẳm, thiết nghĩ có cần thêm một giải thưởng nữa như giải thưởng Sách hay.

Nhiều người sẽ cho rằng Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương là một phát hiện của sách hay 2014. Nhưng kỳ thực, khi mới xuất bản năm 1999, Người đi vắng đã được tranh luận khá nhiều về cách viết rất “khó đọc” của tác giả. Viết bằng nhiều thể nghiệm, nhưng Người đi vắng vẫn có giá trị riêng của nó, minh chứng bằng các NXB khác đã tái bản; nếu vô giá trị thì in lại làm gì?

Mục “phát hiện mới” của giải thưởng năm nay đã trao cho sách nghiên cứu Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức cùng với Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu gạo cội Nguyễn Đình Đầu; dù trước đó Ngàn năm áo mũ đã vào chung khảo giải Phan Chu Trinh. Cũng may, nhờ một vài tác giả trẻ như Trần Quang Đức hay Đỗ Trí Vương (giải sách dịch mục “kinh tế” với tác phẩm Quốc gia khởi nghiệp) mà giải Sách hay bớt đi vào “già cỗi”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm