Đọc sách: Kafka và bức thư 'kể tội' bố

26/05/2013 09:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Viết thư cho bố, không phải để bày tỏ lòng thương mến tri ân mà để tố cáo tội bạo hành tinh thần và thói đạo đức giả của bố trong quá trình nuôi dạy mình. Đó chỉ có thể là một cá tính và văn tài cỡ Franz Kafka.


Tác gia Franz Kafka và bìa cuốn Thư gửi bố bản tiếng Việt

1. Cũng chỉ một cá tính như vậy mới thẳng thắn thừa nhận “sợ bố”, bản thân mình là “một đứa trẻ sợ sệt, gầy gò, yếu ớt, mong manh”; là một người đàn ông không thể sống độc lập nhưng luôn muốn “chạy trốn khỏi người  bố của mình” vì cảm thấy quá sợ hãi và bị áp chế trong tất cả mọi lĩnh vực: chuyên môn nghề nghiệp đến chuyện tình cảm.

Với lòng tự ái hầu như bẩm sinh, con người ít khi thừa nhận những nỗi sợ tâm lý khiến mình xấu hổ về bản thân như vậy, hơn nữa là công khai trên giấy trắng mực đen. Nhưng Kafka đã làm.

Theo người bạn thân nhất Max Brod, sinh thời, nhà văn đã đưa bức thư cho mẹ để trao đến tay bố (ông viết xong vào tháng 11/1919), nhưng người mẹ từ chối và trả lời. Bức thư gốc do chính Kafka đánh máy. Ông còn dùng bút chữa lại và viết thêm hai trang rưỡi, điều khiến bức thư được coi như một tác phẩm tự truyện có ý thức của nhà văn chứ không còn là một tài liệu riêng tư.

Với việc biến bức thư riêng tư trở thành một tác phẩm văn học có thể xuất bản, Kafka đã biến mối quan hệ cha con cá nhân trở thành một mối quan hệ con người - con người có tính biểu tượng. Người “thống trị” và người bị “thống trị”. “Một hành động đàn áp mang danh nghĩa tình yêu” như dịch giả người Việt Lê Quang nói trong buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt của cuốn sách nhân Ngày Văn học châu Âu 17/5 ở Viện Goethe, Hà Nội (Lê Quang không dịch Thư của bố mà dịch một tiểu thuyết khác, Phút tráng lệ cuối đời, của một nhà văn khác viết về Kafka).

2. Nhưng nguyên nhân trực tiếp khiến Kafka viết ra bức thư này, nói cách khác là “giọt nước làm tràn ly” khiến những ấm ức hàng chục năm trời được dịp tuôn trào, là việc người bố hết lần này đến lần khác ngăn cản hôn nhân của Kafka.

Với riêng Kafka, ý muốn kết hôn là cách ông thể hiện khao khát sống độc lập, thoát khỏi quyền uy và sự kiểm soát tài chính của người bố. Mong muốn đó không bao giờ trở thành sự thật, đến tận khi qua đời vào tuổi 41, ông vẫn phải sống nhờ tiền của bố.

Mối quan hệ cha con hay mẹ con trở thành ác mộng khi hai bên không thể nói chuyện với nhau, tức là nói những chuyện thực sự gan ruột. Kafka đã một lần bày tỏ mong muốn này, trong một lần ông đi dạo cùng bố mẹ và kể “những chuyện hay ho” (cách nhà văn nói bóng gió về trải nghiệm tình dục ở nhà thổ) và kể rõ người bố đã tỏ ra ghê tởm miệt thị đến mức nào.

“Có lẽ chỉ những lỗi lầm cũ của bố và sự khinh miệt con sâu xa trong bố mới giải thích được. Và thế là con lại quay về cố thủ trong nội tâm sâu nhất của mình, và cố thủ thật chắc”.

Đó là một mối quan hệ thất bại, dù cũng có bóng dáng của yêu thương. Nhưng một lần nữa tình yêu lại là không đủ.

Nỗi cô độc và mặc cảm đó không bao giờ rời bỏ Kafka, trong toàn bộ sự nghiệp văn học vĩ đại của mình, ông đã viết về sự ghẻ lạnh, sự bạo hành thể xác và tinh thần, những mâu thuẫn cha con – những chủ đề rõ ràng là ảnh hưởng từ đời thực.

Thư gửi bố (tiếng Đức Brief an den Vate, tiếng Anh Letter To His Father) của nhà văn Franz Kafka, do Đinh Bá Anh dịch, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bản dịch tiếng Việt ngoài phần chính - nội dung bức thư của Kafka, còn có phần phụ lục về gia đình và cuộc đời của Franz Kafka rất công phu do dịch giả soạn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm