Đọc sách: Bóng hình của gió

29/06/2014 06:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trong “bể sách văn học dịch” ngày nay - nơi tiếp thị nhiều khi lấn át giá trị tác phẩm - để tìm một tiểu thuyết hay không phải là dễ dàng. Điều này xuất phát từ hai thực tế: 1) văn chương đang thời cạn kiệt, tác phẩm thật sự hay rất hiếm gặp; và 2) công nghệ bán sách nở rộ khiến nhiều tác phẩm dở được xuất bản ồ ạt. Bối cảnh này rất có thể làm cho một tiểu thuyết hay như Bóng hình của gió (Nhã Nam & NXB Văn học, 2014, do Nghiêm Xuân Hoàng và Võ Hồng Long dịch) của Carlos Ruiz Zafón bị đánh giá thấp.

Lý do đầu tiên của việc đánh giá thấp là vì Carlos Ruiz Zafón (người Tây Ban Nha) đang được thế giới xếp chung nhóm với Dan Brown và J.K. Rowling, hai tác giả có sách bán chạy vài chục triệu quyển nhưng giá trị văn chương thì không đáng kể. Sách của Carlos Ruiz Zafón đã được xuất bản tại hơn 45 quốc gia và dịch ra hơn 40 ngôn ngữ.


Tiểu thuyết Bóng hình của gió

Lý do thứ hai đến từ thể loại tình cảm lâm ly, phiêu lưu giết người mà tiểu thuyết chọn làm vỏ bọc, thường thì độc giả đại chúng rất thích. Đến mức ông vua truyện ly kì, kinh dị là Stephen King phải thốt lên: “Một tiểu thuyết đầy những huy hoàng lừa mị và những cửa bẫy kêu ken két, một tiểu thuyết mà ngay cả các tuyến truyện phụ cũng có tuyến truyện phụ riêng…, một tiểu thuyết hay vô cùng”. Nếu không có bản lĩnh và kinh nghiệm đọc sách văn chương, rất dễ xếp Bóng hình của gió vào khu vực trinh thám thường tình, đọc cũng được, mà không cũng chẳng sao.

Thế nhưng khi lùi xa những hào nhoáng và xưng tụng kiểu tiếp thị đó, Bóng hình của gió (dày hơn 520 trang khổ lớn) đã chứng thực đẳng cấp của mình bằng một kết hợp mang dáng dấp của đại tiền bối Miguel de Cervantes và bậc thầy Franz Kafka. Họ đều mượn cái khung phiêu lưu, sự li kỳ, phi lý (khiến Don Quixote, K., hay Daniel Sempere phải “lên đường”) để chuyển tải truy vấn lớn về nhân sinh, nơi cái lõi của hình phạt và tội ác khó mà biện biệt.

Một điều thú vị nữa, Carlos Ruiz Zafón sinh 1964, nhưng các tiểu thuyết tiêu biểu của ông lại là những hồi ức về một nơi chốn (thường là Barcelona, Tây Ban Nha) xưa cũ, từ thập niên 1950 trở về trước. Bóng hình của gió (La Sombra del Viento, năm 2001) là câu chuyện của ba thập niên 1930 đến 1950; còn El juego Del Angel (tạm dịch: Trò chơi của thiên thần, 2008) ở các thập niên 1920 và 1930. Tiểu thuyết gần đây El prisionero del Cielo (tạm dịch: Tù nhân của trời, 2011) quay về những năm 1940 với một bí mật bị chôn vùi.

Đành rằng tiểu thuyết là hư cấu, thế nhưng để các hồi ức được sinh động, hấp dẫn, công việc nghiên cứu và tái hiện của nhà văn là rất cực nhọc. Nói nôm na, để viết Bóng hình của gió, tác giả không chỉ dựa vào “cảm hứng” hay “sức sáng tạo” đơn thuần, mà phải dựa vào bề dày kiến văn được tích cóp dài lâu. Văn phong vừa lối cuốn vừa tiết chế, câu chuyện vừa có chiều sâu lịch địa phương vừa mang tính nhân sinh phổ quát…, là những đặc điểm làm nên đẳng cấp văn chương của Carlos Ruiz Zafón.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm