Đọc lại 'Giết con chim nhại': Tiếng hót bền bỉ của lương tâm con người

27/02/2016 13:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Gần như suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Harper Lee chỉ viết có một cuốn tiểu thuyết duy nhất. Một quyển sách nhưng có khả năng đánh thức lương tâm loài người và tỏa sức sống mãnh liệt sau nửa thế kỷ xuất bản.

Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, nhà văn Harper Lee, tác giả của tiểu thuyết vĩ đại Giết con chim nhại đã qua đời cuối tuần trước (hôm 19/2) tại Mỹ, thọ 89 tuổi. Xung quanh cuộc đời và tác phẩm bất hủ của bà vẫn còn vô số những bí ẩn.

Món quà cuộc đời

Tác giả Giết con chim nhại tên đầy đủ là Nelle Harper Lee, sinh ngày 28/4/1926 tại Monroeville, bang Alabama, Mỹ. Bà là con út trong gia đình có bốn con. Mẹ bà là Amasa Coleman Lee, một phụ nữ nội trợ mất khi tác giả 25 tuổi còn cha là Frances Cunningham, từng là biên tập viên và làm việc cho cơ quan lập pháp Alabama trong giai đoạn từ 1926 – 1938.

Ông Cunningham chính là nguyên mẫu của nhân vật Atticus Finch trong Giết con chim nhại. Năm 1919, ông cũng đứng ra bảo vệ cho hai cha con da đen, bị buộc tội giết người thủ kho da trắng. Trớ trêu thay, hai người này sau đó vẫn bị buộc tội và là những người cuối cùng bị treo cổ ở Alabama.


"Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người”

Ông Cunningham sau đó không làm luật sư nữa. Giống như gia đình Finch, nhà Lee cũng có một quản gia da đen hàng ngày tới nấu nướng, dọn dẹp.

Khi theo học tại trường trung học Monreo, Lee đã quan tâm tới văn học Anh. Tuy nhiên sau đó cô theo học luật tại Đại học Alabama. Chưa lấy bằng luật, cô đã sang Anh một mùa Hè rồi quay lại New York làm nhân viên cho một hãng hàng không.

Chính tại đây, Lee bắt đầu những sáng tác đầu tiên và được khuyên nghỉ việc để tập trung vào viết lách. Lee khi đó chỉ là một cô gái trẻ sống giữa New York, chẳng có gì nhiều nhặn ngoài nỗi nhớ quê hương. Nhưng thật may mắn, đúng vào lúc cô đang phân vân giữa ngưỡng cửa văn chương thì hai bạn thân đã tặng cô một món quà giáng sinh vô giá: Một khoản tiền để cô có thể yên tâm tập trung vào viết lách. Lee rụt rè từ chối nhưng chính sự tin tưởng của hai người bạn đã giúp cô tự tin nhận lấy món quà của đời và sau đó, trả lại một món quà lớn hơn.

Câu chuyện về lương tâm con người

Harper Lee mất hai năm rưỡi để cho ra mắt Giết con chim nhại vào ngày 11/7/1960. Khi đưa bản thảo cho nhóm biên tập ở Lippincott, họ đã nói với Lee rằng cuốn sách may ra có thể bán được vài ngàn bản.

Nữ nhà văn trẻ không quá hy vọng vào sự thành công của tác phẩm nhưng cũng mong nó “không chết yểu bởi các nhà phê bình”. Nhưng trái lại, cuốn sách mang lại thành công vượt mọi kỳ vọng của mọi người. Giết con chim nhại được độc giả đón nhận nồng nhiệt và giành giải Pulitzer ngay năm 1961.

Giết con chim nhại là một cuốn sách nhẹ nhàng, được viết chủ yếu thông qua cái nhìn của Scout Finch, một cô bé nghịch ngợm chuẩn bị đi học. Không màu mè chiêu trò, tác phẩm của Lee chinh phục người đọc bởi một nguyên tắc đơn giản: lương tâm con người. Các tình tiết trong cuốn sách có nhiều điểm tương đồng với cuộc sống của nhà văn, nên có thể nói, đó chính là khúc hót từ tận sâu tâm hồn của nhà văn dành tặng cho cuộc đời.

Người dẫn truyện là cô bé nghịch ngợm Scout; tuy nhiên, nhân vật có sức lan tỏa, để lại nhiều giá trị nhất là bố của bé, luật sư Atticus. Trong bối cảnh là miền nam nước Mỹ những năm 1930, khi nạn phân biệt chủng tộc vẫn bám sâu vào đầu óc người dân, ông Atticus hiện lên là người rất tiến bộ. Cũng như bố của nhà văn, ông Atticus không ngần ngại đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người da đen.

Nhưng trên tất cả, cái khiến người đọc nhớ tới ông là một người cha tuyệt vời. Atticus được bình chọn là người cha vĩ đại nhất trong tiểu thuyết. Ông luôn dạy con sống với lương tâm của chính mình, thân ái, bao dung độ lượng và có niềm tin vào con người.

Các vấn đề “nhạy cảm” của miền Nam nước Mỹ khi đó cũng đều được tác giả đưa vào như nạn phân biệt chủng tộc, sự bất cập của hệ thống giao dục, tư pháp…  Tất cả được Lee chuyển tải nhẹ nhàng thông qua nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, đan xen giữa lời kể của một đứa trẻ với hồi tưởng của người phụ nữ khi trưởng thành, khiến người đọc cảm thấy dễ tiếp cận.

Harper Lee cũng vô cùng tài năng khi xây dựng nhiều tuyến nhân vật khác biệt về tầng lớp, màu da, giới tính, tuổi tác, tính cách; để rồi đưa họ hòa chung một mối thông qua lương tâm con người.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm