Dấu ấn tuổi thơ

20/09/2010 04:20 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) – Cây cầu rùng rùng chuyển động, tiếng bánh sắt nghiến lên đường ray cùng tiếng còi tàu rúc từ xa vọng về mỗi lúc một gần, phá tan không gian yên tĩnh của ngày mùng 4 tết. Nhìn đoàn tàu hồi ức cách đây ba mươi tư năm lần lượt hiện về. Chính ở đây cái đêm năm ấy, bão lửa của chiến tranh đã đóng một con dấu, dấu ấn định mệnh đó đã gắn chặt vào cuộc đời tôi.

Vào một ngày đẹp trời hai mẹ của tôi đi “vượt cạn”. Cả hai bà cùng cho ra đời hai cô con gái. Trong lúc đang vui mừng hạnh phúc mẹ tròn con vuông thì máy bay Mỹ ập đến, đèn vụt tắt, hoảng loạn trong tranh tối tranh sáng hai mẹ đã bế nhầm con của nhau chạy thẳng về nơi sơ tán không hề hay biết . Hai chúng tôi cứ vô tư lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, bố mẹ và anh em. Cho tới một ngày, tình cờ hai bà  mẹ gặp lại nhau, họ nhận ra cách đây 7 năm đã cùng vượt cạn trong một đêm bom đạn. Như có linh tính mách bảo, họ về nhà nhau chơi và sự thật "giỏ nhà ai quai nhà nấy" khiến họ ngẩn ngơ. Nhưng 7 năm trời bú ẵm bây giờ không thể đổi đi đổi lại được nữa.


Nhà hai bà cách nhau có cái đường ray tàu điện nên giải pháp là cả hai đứa trẻ nay ở nhà mẹ Sơ một tuần mai lại về nhà mẹ Sơn một tuần. Như thế là cả hai nhà ai cũng có thêm một đứa con, thật là hạnh phúc và mãn nguyện. Nhưng đâu ngờ mới đi đi lại lại được hai ba lần thì máy bay B52 đánh phá điên cuồng hơn, một quả bom nổ, tiếng nổ long trời lở đất đinh tai nhức óc, thành phố chìm ngập trong khói lửa. Tiếng nổ đó đã đã đưa tuổi thơ của tôi bước sang giai đoạn mới, dấu ấn tuổi thơ tôi có bắt đầu từ đây. Tôi sinh ra trong chiến tranh. Tiếng còi rú báo động đã làm tôi bị nhầm lẫn, thất lạc bố mẹ và bây giờ bom nổ điên cuồng buộc hai bên bố mẹ phải đành trao đổi con, sự trao đổi đó đau đến đứt ruột tím gan. Còn bản thân tôi, dấu ấn đó đã khắc thật sâu vào tim tôi, tưởng chợt không thể lớn khôn lên được nữa.

Nghe tin giặc Mỹ rải thải bom B52, cha sinh ra tôi đón chúng tôi lên Thái Nguyên - khu chuyên gia để sơ tán. Một tiếng nổ xé toác bầu trời, lửa đỏ phun ra, nhà cửa rung lên bần bật, người la hét chạy ngược chạy xuôi, tiếng còi báo động, cả nhà hoảng loạn. Mẹ Sơn ôm chặt lấy tôi quyết không rời bỏ tôi ra, cha tôi thì giằng bế xốc lấy tôi để mang lên ôtô, tôi gào khóc giãy dụa, ông càng giữ tôi chặt hơn, ngay lúc ấy nền nhà chao đảo mái xô kêu răng rắc, lửa đằng sau nhà phụt lên bốc cháy. “Đi thôi, đi thôi, nhùng nhằng thế này thì chết hết bây giờ”, nói xong ông ôm tôi lao ra xe. Xe chạy, mẹ Sơn đành buông tôi ra, chỉ kịp ấn vào tay tôi con búp bê, bần thần khóc nhìn theo.

Tôi nhao ra cửa xe khóc đòi mẹ, bẩy năm trời cái nôi đã quá quen hơi bén tiếng, làm sao tôi có thể lìa xa được. Đứa con gái mà họ hết sức cưng chiều, 7 năm trời chăm nom bú ẵm, là tinh thần là cuộc sống nhưng họ đau đớn bầm gan tím ruột đành tuột mất đứa con. Chiến tranh đành vậy, tôi bất lực đau đớn khóc nấc từng hơi. Chưa hết cơn sợ hãi tới Long Biên xe đỗ khựng lại. Chao ôi, từng đoàn người đi sơ tán, trên nóc nhà, trên đê, có người còn trèo cả lên cây để xem bắn máy bay. Lửa đạn từ dưới đất bắn lên trời đan chéo vào nhau như pháo hoa. Ngay lúc ấy trên đầu tôi một máy bay B52 bị bắn cháy bung ra một quầng lửa đỏ rực lao chúi xuống đất, mọi người mừng chiến thắng nhẩy lên reo hò quên cả nỗi sợ hãi bom đạn.

Để bảo vệ cây cầu mọi phương tiện phải qua sông bằng cầu phao. Cầu phao cũng bị trúng bom cha con tôi đành sơ tán về Trúc Sơn. Tới phố Khâm Thiên một trời lửa đỏ rực, lửa cháy bốc ngùn ngụt, mùi khói khét lẹt bốc lên từ nhà cháy và người bị chết cháy, lửa đang nung đỏ con phố, nhiều người đầu đội khăn tang kêu gào khóc thảm thiết tìm gọi nhau trong đống gạch đổ nát. Khiếp đảm không dám dừng xe cha con tôi vội chạy thật nhanh về hướng Văn Điển để vào Hà Đông. Đến bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã bị bom đánh sập, lửa khói bốc lên mù trời, không còn con đường nào để đi, cha con tôi đành phải quay về bến Long Biên để qua cầu lên Thái Nguyên. Cả một đêm trắng chạy quanh Hà Nội, tôi đã hiểu được chiến sự, hoang mang trong cơn hoảng loạn.

Sáng ra thì thông cầu phao, xe từ từ lăn bánh bồng bềnh theo nhịp sóng vỗ. Dưới dòng sông đục ngầu phù sa những anh bộ đội đang dìm mình trong nước lạnh buốt lúc nhào lên, lúc lặn xuống ùm oạp, mặt mũi tái nhợt, nước sông tràn cả vào mồm vào mũi, nhưng các anh vẫn nhao ra chữa cầu. Ở bãi giữa cả một trận địa pháo, nòng pháo chĩa thẳng lên trời, bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ, trông họ lầm lì đang nung nấu một ý chí quyết chiến thắng, sẵn sàng chiến đấu. Họ dám mang cả những khẩu pháo cao xạ lên đỉnh nóc những nhịp cầu cao nhất kia để bắn trả những con "quạ đen", "thần sấm", "con ma" đang rình rập bổ nhào lao xuống rỉa đớp cướp cây cầu. Thấy chúng tôi đi các anh ở lại vẫy gọi chào hẹn ngày hoà bình trở về.

Nhớ lại đã nhiều lần bố con tôi đi qua cầy cầu về quê ngoại, đi trên cầu tôi đếm từng nhịp dằng cầu, đếm hết nhịp thứ mười là biết đã tới bên kia cầu và từ quê ngoại về tôi luôn miệng hỏi “bố ơi đã gần về tới cầu Long Biên chưa” vì về tới cầu Long Biên nghĩa là đã về tới Hà Nội. Lần nào cũng thế cứ đến đoạn giữa cầu là ông cho dừng nghỉ chân, thật thích thú tôi phóng tầm mắt nhìn ra vùng sông nước mênh mông. Tôi dang tay ngửa mặt lên trời đón gió sông cảm giác như đang sải rộng đôi cánh giữa không trung trời đất bao la như đang bay vào cõi mơ.

Nhưng hôm nay đi sang cầu tôi có cảm giác lạ lẫm, lúc này tôi ngồi cạnh một người cha mới, lạ lẫm trong cơn hoảng loạn của chiếntranh, sự khác biệt và ấn tượng hãi hùng đó đã làm tôi ý thức hơn, tôi hết nhõng nhẽo vì hiểu được rằng đây đang là chiến tranh, mọi người ai cũng phải rắn rỏi gồng mình lên để lấy ý chí sức mạnh tinh thần quyết chiến.

Đúng là chiến tranh, chẳng ở đâu được bình yên. Nơi tôi đến sơ tán có một cô bé tên Hồng trạc bằng tuổi tôi. Hồng hay rủ tôi lên đồi nhặt hạt dẻ, hái sim cốt sao cho tôi bớtnhớ nhà, nhưng nỗi nhớ vẫn không nguôi ngoai. Tôi vẫn nước mắt lưng tròng mỗi khi nhớ về bố mẹ, tôi lấy đất ruộng nặn thành hai dãy phố có nhiều nhà đặt ở hai đầu cầu Long Biên, giằng cầu làm bằng que tre, bắc qua sông Hồng bằng hai ụ đất. Vừa nặn tôi vừa tường thuật về cây cầu bị thương, thành phố trong lửa đạn và hẹn hòa bình tôi và Hồng về Hà Nội cùng đi học, tôi sẽ là kĩ sư xây dựng lại thành phố và cây cầu Long Biên, Hồng sẽ là bác sĩ hoặc là cô giáo. Nhưng tôi lại sớm phải đi sơ tán, và chia tay Hồng.

Ở nơi khác, đến lúc phải sơ tán, nghe nói sẽ đi qua đường nhà Hồng lòng tôi khấp khởi mừng thầm. Đến khi qua nhà Hồng thì không thấy nhà cửa đâu nữa mà chỉ thấy một cái hố bom rất to, sâu hoắm. Tôi chột dạ lạnh toát toàn thân vì biết được rằng nhà Hồng đã bị một quả bom rơi đúng giữa nhà, chết hết không còn một ai. Tôi khóc, thầm gọi Hồng ơi! Tôi căm thù chiến tranh, chiến tranh đã làm tôi bị nhầm lẫn thất lạc bố mẹ, chia ly anh em, đến bây giờ ước mơ của tôi với Hồng lại bị bom vùi sâu vào lòng đất. Tôi lặng đi nuốt nước mắt vào trong để tới một khu rừng toàn đất đỏ có nhiều con đường ngoằn ngèo nằm dưới lòng đất, cây cối lúp xúp, có con chim hót “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”. Từ hôm ấy tính nết tôi thay đổi hoàn toàn, tôi trở thành một người hướng nội, trầm tư hay suy tưởng, tôi hay khóc thầm cũng bắt đầu từ đây. Thấy tôi buồn cha mang về cho tôi quyển truyện tranh Bó đuốc sống, Anh hùng Lê Mã Lương. Từ trong lòng giao thông hào tôi tập đánh vần, gép vần thành từng câu và rồi tôi đã biết đọc, đọc xong quyển truyện tranh đó hình ảnh anh bộ đội đã khắc sâu đậm vào trí nhớ, gây một ấn tượng lớn trong tư tưởng của tôi.

Thật kỳ tích, trận Điện Biên Phủ trên không buộc hiệp định Pari phải ký kết. Ngày hòa bình đã đến, ngồi trên tàu từ xa tôi đã nhìn thấy bóng dáng cây cầu Long Biên, thế là mình đã về tới Hà Nội, dưới chân cầu là dòng sông Hồng đỏ rực phù sa ôm gọn trong lòng một màu xanh non của vùng đất bãi. Tới đoạn giữa cầu thấy cầu bị hỏng mất mấy nhịp tôi hiểu ngay chỗ này cầu đã bị thương như ngày nào mình nhìn thấy. Bây giờ cả tôi và cây cầu đã có sự thay đổi, cây cầu đã có thêm một chiến công ghi vào lịch sử của mình, còn tôi sau mỗi chặng đường dài đi sơ tôi trở nên mạnh mẽ, rắn giỏi hơn. Hôm nay đi bên cạnh những nhịp cầu đứt đoạn tôi thầm nghĩ, không sao, ta sẽ đi học và sẽ học nghề xây dựng để xây dựng lại thành phố, nhất là phải thiết kế thêm mấy cây cầu bắc qua sông Hồng cho cầu Long Biên bớt nặng gánh. Điều tôi ao ước đó có cây cầu biết, dòng sông biết và tôi biết.

Định mệnh của tôi đã được gắn liền với những ám ảnh của cuộc chiến tranh năm ấy nên tôi luôn ước mơ và tâm nguyện thực hiện đúng điều mình đã định, tôi ước là một cô giáo, một kĩ sư xây dựng, một kiến trúc sư, một họa sỹ và rồi một nhà điêu khắc. Những ước mơ ấy cứ lẫn lộn và chen nhau trong ý thức của tôi. Cuối cùng tôi quyết định trở thành một nhà điêu khắc vì chỉ có nhà điêu khắc thì một lúc tôi mới có thể làm được mấy việc như dạy học, thiết kế kiến trúc và vẽ tranh. Tôi đã thực hiện được điều tôi đã hứa với Hồng từ ngày bạn đi xa.

Năm tháng đã trôi qua, những ký ức đã hình thành trong tôi một tư tưởng sống có lý tưởng trong sáng và kiên định để vươn lên sáng tạo cái đẹp, nhào nặn thành những tác phẩm, góp phần tái tạo lịch sử để thế hệ sau nhìn thấy những thời khắc mà lịch sử đã khắc lên. Những tác phẩm điêu khắc đang ấp ủ, những phác thảo tượng đài gợi lại trong tôi ký ức khốc liệt của cuộc chiến tranh năm nào đang ra đời, chúng như một sự tri ân của tôi với những quá khứ hào hùng của dân tộc. Số phận lạ kỳ của tôi đã đóng một dấu ấn gắn tôi với dòng sông và cây cầu kiên cường, tôi cần phải làm việc gấp hai, gấp bốn cho mình và cho cả Hồng của tôi nữa.

Khi vui buồn tôi lại ra khúc đoạn thành cầu này và dòng sông.

Nhà điêu khắc Tuyết Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm