Danh ca Bạch Yến: Kỷ niệm là chất xúc tác cho giọng hát

11/03/2014 09:33 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Xuất hiện cùng Tuấn Ngọc tại phòng trà WE, và bất ngờ góp mặt trong live show Dấu ấn Hiền Thục cuối tuần qua, ở tuổi 74, thời gian dường như vẫn bất lực trước vẻ đẹp và tiếng hát của nữ danh ca.

Được báo chí nước ngoài đặt cho biệt danh “Cinderella Việt Nam”, ở tuổi 74, hàng ngày vẫn đi bộ 4 cây số, luyện thanh 15 phút để giữ giọng, Bạch Yến tự nhận “vẫn hát Đêm đông hay như thời 16 tuổi…”.

* Năm 1965 bà xuất hiện trong chương trình tạp kỹ nổi tiếng bậc nhất của Mỹ Ed Sullivan Show, nơi từng là cầu nối đưa nhóm The Beatles đến với công chúng Mỹ. Đó có phải một bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát của bà?

Nữ danh ca Bạch Yến

Nữ danh ca Bạch Yến

- Đúng là chương trình Ed Sullivan đã thay đổi cuộc đời tôi. Đáng lẽ tôi chỉ diễn ở Mỹ 2 tuần nhưng cuối cùng tôi quyết định ở lại để theo đuổi con đường âm nhạc tại đây. Trước đó đã được biết đến ở trong nước, năm 1961 tôi quyết định bán căn nhà đang ở để có tiền sang Pháp học thanh nhạc 2 năm. Đến năm 1965 thì được mời sang Mỹ biểu diễn… Đó là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ca hát của tôi, tôi đi hát ở khắp nơi, cùng nhiều nghệ sĩ huyền thoại như Frankie Avallon, Bob Hope… Tính đến nay tôi đã diễn ở 46 bang nước Mỹ chưa kể nhiều quốc gia khác và cũng chưa tính thời điểm tôi chuyển sang nhạc dân tộc và đi diễn cùng chồng mình, nhạc sĩ Trần Quang Hải.

* Một thời gian khá dài theo đuổi và thành công với âm nhạc phương Tây, lý do gì khiến bà quyết định quay sang nhạc dân tộc?

- Phải thừa nhận rằng, hát nhạc Tây phương, hát những ca khúc thịnh hành vào thời ấy thì luôn đảm bảo cho mình một cuộc sống đầy đủ. Khi tôi ở Việt Nam hay sau này ra nước ngoài, hát nhạc Tây phương giúp tôi kiếm được khá nhiều tiền. Mãi sau này khi yêu và lấy anh Hải (nhà nghiên cứu Trần Quang Hải, con trai Giáo sư Trần Văn Khê) thì tôi bị anh “thôi miên” và quyết định thay đổi dòng nhạc của mình.

* Bà bảo mình bị “thôi miên” nhưng tôi nghĩ phải gọi là “hy sinh” mới đúng…

- Quả đúng phải gọi là hy sinh. Trong suốt 15 năm tôi bỏ tất cả chỉ để nghe nhạc dân tộc, ti-vi không xem, phát thanh không nghe, suốt ngày chúi tai vào nghe âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tôi nghe liên tục, cái nào không hiểu thì chồng giải thích cặn kẽ, có buổi biểu diễn nhạc dân tộc nào anh Hải cũng dắt tôi đi xem, dần dà tôi yêu nó và gắn bó với nó. Tất cả những show tân nhạc mời hát tôi đều từ chối, còn chỗ nào mời hát nhạc dân tộc tôi đều sẵn sàng và thậm chí giảm cát-sê tối đa để được hát…

* Hình như bà lập gia đình hơi muộn?

- Tôi kết hôn năm 36 tuổi. Tôi biết anh Hải từ năm 1962 nhưng đến năm 1978 tôi mới gặp lại và kết hôn với anh ấy.

* Khoảng giữa lâu như vậy phải chăng là vì dành hết cho âm nhạc?

- Năm 1962 tôi biết anh Hải khi Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu anh với mẹ tôi lúc tôi mới sang Pháp. Nhưng giới thiệu vậy thôi chứ chúng tôi chưa yêu nhau. Phải đến năm 1978, khi từ Mỹ sang Pháp nghỉ Hè, anh nhận ra tôi khi vào xem một chương trình đại nhạc hội. Sau đó anh mời tôi đi ăn và nghe nhạc trong phòng trà. Buổi đó vui lắm, anh chọc tôi cười hoài. Cuối buổi, trong lúc đang đùa giỡn thì anh nói: “Thôi, hay là mình cưới nhau đi”. Lúc đó, tôi thấy ông này hài hước và “bạo” quá nên trả lời “OK”. Chỉ đúng một ngày là thành sự.

Hôm sau, anh in thiệp mời bạn bè, đúng 2 tuần sau chúng tôi cưới nhau. Lúc đó bọn tôi không khá giả gì, bạn bè đến uống ly nước chúc mừng rồi lên hát tặng bài hát, bài thơ. Nhưng mà vui và đáng nhớ lắm. Tôi nhớ đêm trước khi cưới, anh Hải có nói với tôi “anh nghèo lắm không có nữ trang tặng em, chỉ có sáng tác bài hát này tặng em thôi”. Cũng từ lúc cưới anh Hải thì tôi ngưng hết những hợp đồng biểu diễn, phần vì ảnh không cho đi, phần vì tôi muốn ở bên cạnh ảnh.


Năm 23 tuổi, Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ Ed Sullivan vào đầu năm 1965

* Ngoài sự hòa hợp trong âm nhạc thì ở đời sống vợ chồng điều gì đã giúp ông bà duy trì hạnh phúc hơn 3 thập niên qua?

- Khi tôi chấp nhận lời cầu hôn chớp nhoáng của anh Hải thì tôi vẫn còn nghĩ ảnh giỡn nhưng rồi ảnh làm thiệt. Ảnh thiệt thì tôi phải nghĩ chứ. Điều đầu tiên tôi đồng ý lấy ảnh là tính chân thật. Bao nhiêu năm trôi qua anh luôn luôn là người chân thật và dễ thương. Cho dù chúng tôi không có con nhưng giữa tôi và ảnh luôn có tình yêu nối kết với nhau. Lúc đầu là tôi yêu sự chân thật và sau đó là tôi khâm phục tài năng và đức độ của anh. Tôi luôn tin tưởng anh và nếu giữa chúng tôi có bất đồng thì đó là âm nhạc và âm nhạc sẽ giải quyết nhanh thôi.

* Bà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời âm nhạc của mình?

- Nhiều lắm chứ. Tôi vẫn giữ bộ đồ đi hát hồi 7 tuổi, bộ duy nhất đi hát thời ấy. Tôi nhớ những ngày đầu tiên đến Pháp mẹ tôi đã ra 3 điều kiện, nếu chấp hành thì mới được ở lại học: Không mặc bikini, không lấy chồng nước ngoài, không được cắt tóc ngắn và tôi đã làm đúng lời mẹ dặn. Cả kể khi tôi ra những đĩa nhựa phát hành ở Pháp hay Mỹ tôi cũng luôn để hình ảnh mái tóc dài trên bìa đĩa của mình, đó là nét Á đông mà tôi luôn muốn gìn giữ. Tôi cũng nhớ những lần diễn ở Ed Sullivan, được gặp những anh tài như Rolling Stones, Frank Sinatra… luôn cho tôi những động lực để phát triển và hoàn thiện mình hơn. Kỷ niệm cũng là những chất xúc tác giúp bạn có hồn hơn trong giọng hát của mình.

* Ca khúc Đêm đông gắn với bà nhiều kỷ niệm lắm?

- Đêm đông là một câu chuyện dài gần 60 năm. Đó là bài hát đưa tôi ra ánh sáng. Nguyên thủy là bài này vốn là bài tập hát của mấy người chị tôi, lúc đó tôi chỉ mới 14 tuổi thôi. Thấy mấy chị tập tôi thấy kỳ kỳ, sao lại chơi điệu tango, vì với điệu ấy sẽ làm bài hát bị đứt đoạn cảm xúc. Một năm sau, khi tôi đi hát tại một tụ điểm khiêu vũ, tôi có bàn với mấy anh nhạc công là đổi điệu sang slow rock. Tôi sẽ hát câm đoạn đầu, đèn tắt hết, khi bắt đầu hết câu “Chiều chưa đi màn đêm buông xuống” thì nhạc sẽ vào chậm rãi, lúc đó đèn sẽ chiếu thẳng vào tôi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ hát slow cho người ta nhảy, ai dè vừa hết câu đó, nhạc vào xong thì cả phòng ngồi im. Đến khi hát xong tất cả đứng dậy vỗ tay. Và từ đó trở đi Đêm đông như một định mệnh vậy. Đi đâu tôi cũng hát và ít nhất mỗi chương trình tôi phải ra hát 2, 3 lần. Sau này ông chủ club Tự Do quyết định mời tôi về hát và mời luôn cả ban nhạc đệm cho tôi. Tất cả là nhờ Đêm đông. Đúng ra mà nói tôi là người đầu tiên đưa Đêm đông qua điệu slow rock và sau này ai cũng hát theo kiểu ấy.

Thời điểm đó tôi chưa hề biết đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Mãi đến năm 1986, khi nhạc sĩ qua Paris tôi hay tin đến thăm ông và mừng rỡ vô cùng. Tôi xin ông bản viết tay tổng phổ bài này để làm kỷ niệm. Đáp lại tôi là một sự hờ hững làm tôi cực kỳ hoang mang. Bẵng đi 13 năm sau, năm 1999 tôi nhận được một bức thư của ông nói rằng tôi còn thích bản nhạc nữa không để ông gửi tặng. Và trong thư ông cũng đề rằng “bác nay đã nghỉ hưu”. Đến lúc đó tôi mới hiểu rằng thời điểm 1986 còn nhiều nhạy cảm và bác phải làm thế vì không còn cách nào khác. Tôi viết thư trả lời là tôi vẫn luôn mơ ước được tặng 1 bản nhạc viết tay của bác. Trên bản nhạc mà sau này đích thân do bố chồng tôi mang sang Pháp, bác viết dòng chữ làm tôi cực kỳ xúc động: “Tặng Bạch Yến, người hát bài Đêm đông của tôi hay nhất”.

* Tôi nghe nói chính tuổi thơ nhiều trải nghiệm đã khiến bà có “tâm trạng” khi thể hiện Đêm đông xúc cảm đến như vậy ngay từ khi còn rất trẻ?

- Tôi có một thời ấu thơ không êm đềm. Cha đi bước nữa, mẹ mang cả nhà lên Sài Gòn sinh sống, trong một căn nhà lá, cuộc sống rất khó khăn. Tôi mê hát và đi hát từ khi còn rất nhỏ, từng giành huy chương vàng của đài Pháp Á. Lúc đó tôi gần như là “nồi cơm” chính của gia đình. Rồi khi người Pháp rút đi, đài Pháp Á bị dẹp bỏ, đài Sài Gòn khi ấy lại quyết định không nhận tôi vì thấy tôi từng hợp tác với Pháp. Đối với một đứa trẻ hơn 10 tuổi lúc ấy thì đó là một lý do chẳng hiểu nổi. Mất việc, gia đình tôi càng lao đao. Cũng thời điểm ấy, nhà tôi bị cháy, cháy hết không còn cái gì, 5 mẹ con trắng tay. Tôi nhớ lúc ấy, hội thiện nguyện đến cho lon gạo và cá khô, tôi bật khóc tủi thân vì nghĩ “cho gạo thì lấy đâu củi với lửa mà nấu?”. Thời điểm đó gia đình tôi cùng quẫn lắm... Cũng may ông cậu ở dưới Cần Thơ nghe radio nói: “Em bé Bạch Yến hôm nay không hát vì nhà bị cháy” nên mới tức tốc phóng lên Sài Gòn đón cả nhà về và lập gánh xiếc để chị em tôi kiếm tiền sinh sống.

* Tức là suýt nữa chúng ta có một nghệ sĩ xiếc mang tên Bạch Yến?

- Cho dù diễn xiếc tôi vẫn mê ca hát, những lúc rạp giải lao, mấy chị em tôi lại đứng giữa bục tròn và hát, chẳng cần trống kèn gì cả. Trong đoàn xiếc tôi được giao nhiệm vụ lái mô-tô bay, rồi một lần trong lúc biểu diễn tôi ngủ gật và thế là người và xe ngã nhào. Tôi thì đi nằm bệnh viện còn gánh xiếc tan rã bởi diễn viên toàn dưới tuổi quy định. Đó là năm 1956. Có những lúc trong cuộc đời bạn cứ tưởng thế là đến ngưỡng bất hạnh rồi, nhưng nhiều khi nó còn xuống nữa… Nhưng cũng nhờ thế nên tôi rất hiểu thế nào là hạnh phúc.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm