Chương trình Tháng Kiến trúc: Tôn vinh 'Kiến trúc hiện đại'

07/05/2016 21:48 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 7/5 đến 28/5/2016, tại Heritage Space (6 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra chuỗi hoạt động Tháng Kiến trúc với chủ đề “Kiến trúc hiện đại”, do Ashui.com cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức.

Trong khuôn khổ của chương trình, đáng chú ý có triển lãm những “công trình hiện đại” chọn lọc của các nước ASEAN gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cùng các buổi chiếu phim và tọa đàm, dành cho tất cả những ai có cùng mối quan tâm về kiến trúc hiện đại.

Triển lãm đã cùng với Hội nghị bàn tròn quốc tế (tổ chức tại Tokyo mùa thu năm 2015) là sự kiện khởi động cho dự án 6 năm (2015-2020) được gọi là mASEANa (kiến trúc hiện đại ASEAN), được khởi xướng từ một liên minh các tổ chức chuyên ngành như: ICOMOS ISC20c, mAAN và DoCoMoMo Quốc tế, với sự hỗ trợ của Japan Foundation, cho mục đích thu thập tư liệu và làm sống lại những kiến trúc hiện đại và đương đại đang nhanh chóng mất đi tại các nước ASEAN đang vội vã phát triển, như một phần nỗ lực bảo tồn các di sản có giá trị.

Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 28/5 tại Heritage Space Gallery/ Dolphin Plaza (6 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội).


Le Corbusier (1887-1965)

Ngoài triển lãm, BTC còn chiếu phim “Le Corbusier – hiện đại hoàn toàn hiện đại”.

Le Corbusier (1887-1965) trước tiên là một trong những gương mặt đại diện chính của trào lưu kiến trúc hiện đại. Người ta thường nói khối lượng công việc mà ông đã làm phải mất nhiều cuộc đời mới có thể làm hết. Sự sáng tạo không ngừng mệt mỏi của ông bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Từ thiết kế những đồ vật sử dụng, các thể loại công trình kiến trúc đến quy hoạch những thành phố lớn. Nhưng không chỉ dừng ở đó, những công việc này lại được nuôi dưỡng bởi những niềm đam mê khác.

Le Corbusier còn là một hoạ sĩ. Đúng ra ông là hoạ sĩ trước khi trở thành kiến trúc sư. Đến xưởng vẽ vào buổi sáng và chỉ tới văn phòng kiến trúc vào buổi chiều. Ông là một trong hai người sáng lập ra trường phái hội hoạ "purisme" tôn vinh vẻ đẹp của những đồ vật có hình dạng đơn giản. Hình thái kiến trúc của ông ảnh hưởng trực tiếp từ sự "nghiên cứu" hội hoạ.

Le Corbusier là một nhà phê bình lý luận, có lẽ ông là kiến trúc sư viết nhiều nhất ở thế kỷ 20. Rất nhiều các luận điểm như "Ngôi nhà Domino", "Năm điểm của kiến trúc hiện đại", "Ngôi nhà như cỗ máy để ở", "Tỷ lệ vàng"... đã được ông phân tích thành lý thuyết từ những kinh nghiệm xây dựng thực tế của mình. Ông cũng là một trong những người sáng lập ra tạp chí "Tinh thần mới" (Esprit nouveau) đăng và bình luận nhiều ngành nghệ thuật khác nhau.

Le Corbusier là một nhà hoạt động xã hội. Không chỉ hài lòng ngồi trong văn phòng của mình, ông tham gia đóng góp trong nhiều cuộc hội thảo ở nhiều ngành nghệ thuật. Chính ông cũng đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới. Ông trở thành một gương mặt điển hình tại Paris, thành phố hội tụ nhiều tinh hoa văn hoá nhất châu Âu ở những thập niên 20 - 30.

Cùng với triển lãm, chiếu phim, BTC còn tổ chức Tọa đàm về Di sản kiến trúc hiện đại, trao đổi về di sản kiến trúc hiện đại tại Việt Nam và hướng hành động bảo tồn.

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm