Chết mòn chờ người khác hiến tạng

09/03/2012 10:04 GMT+7 | Y tế

8 năm chạy thận, những cơn đau đầu, đau nhức xương khớp triền miên khiến chị Hường suy sụp, muốn kết thúc tất cả. Nhưng chính tiếng gọi của con gái đã kéo chị lại để chị tiếp tục sống và không ngừng nuôi hy vọng được ghép tạng dù biết là mong manh.

Mới bước vào tuổi 37, nhưng chị Trần Thị Ánh Hường, ở Hà Nội đã có thâm niên chạy thận 8 năm nay. Bị suy thận, cuộc sống của chị phụ thuộc vào máy móc. Căn bệnh quái ác từng ngày, từng giờ tàn phá, gặm nhấm khiến chị đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Chị sợ cả từ "cố gắng", sợ cuộc sống vì dù đã cố tìm niềm vui để sống nhưng chị có cảm tưởng như mình càng cố thì nó càng trốn chạy nhanh hơn.

"Tôi đã phải đấu tranh với chính mình rất nhiều. Biết bao giọt nước mắt, biết bao đêm thức trắng suy nghĩ để tìm cho mình một lý do tiếp tục sống. Cái điều tưởng chừng phi lý đó lại luôn hiện hữu trong mỗi người bệnh chúng tôi. Nó khiến chúng tôi không biết mình đang muốn gì và đang đi về đâu, sống không tương lai, không mục đích, chỉ như ngọn đèn dầu leo lắt trước trận cuồng phong của biển cả", chị Hường tâm sự.



Các bác sĩ thực hiện cùng một lúc 4 ca ghép tạng nhờ nguồn hiến tạng của một người cho chết não. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Và cũng như bao bệnh nhân chạy thận khác, chị thèm có một cuộc sống bình thường, được thoát khỏi sự lệ thuộc vào chiếc máy chạy thận. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi có một phép màu tìm đến, đó là ghép thận. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến hiện nay còn rất hiếm...

"Chúng tôi luôn đón chờ sự chia sẻ một phần cơ thể từ cộng đồng để được hồi sinh và sống có ích chứ không còn là gánh nặng cho xã hội", chị Hường nói trong nước mắt.

Câu chuyện của chị Hường cũng chỉ là một trong số hàng chục nghìn bệnh nhân khác có nhu cầu ghép tạng nhưng vẫn đang mòn mỏi chờ người hiến.

"Việt Nam có hàng chục nghìn người suy thận và nhiều người bệnh cần mô, tạng để được cứu sống. Tuy nhiên, mới chỉ có dưới 1.000 người được ghép mô và tạng. Điều đó có nghĩa là chỉ có số ít bệnh nhân có cơ hội được cứu sống và thay đổi cuộc sống", Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết tại lễ míttinh hưởng ứng ngày Thế giới chống bệnh thận.

Cũng theo ông, kỹ thuật ghép tạng của nước ta không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới trong khi chi phí lại thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/3, 1/2. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quá khan hiếm nguồn tạng.

Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, hiện có khoảng 200-300 người lọc máu thường quy có nhu cầu ghép thận và gần 200 bệnh nhân chờ ghép gan, ghép tim. Trong khi đó, số lượng người không may chết não vì tai nạn giao thông, vì biến chứng não hàng năm rất nhiều.

Theo thống kê có hơn 90% ca ghép tạng trên thế giới được lấy từ người cho chết não. Trong khi tại Việt Nam, nguồn tạng lấy được từ người cho chết não chỉ chiếm gần 10%, còn lại hơn 90% là từ người cho sống. Đó thực sự là một nghịch lý.

Phó giáo sư Quyết cho biết, nguồn hiến tạng là có, nhưng nhiều người chưa vượt qua được quan niệm “chết phải toàn thây” nên không đồng ý cho tạng, ngay cả với người thân thích, ruột thịt. Đó là câu chuyện về một gia đình ở Hải Dương có người anh đã bị suy thận độ 4. Đúng thời điểm đó thì người em ruột không may bị tai nạn giao thông, chết não.

"Các bác sĩ có thể cứu được tính mạng của người bệnh nếu có thận để ghép. Thế nhưng lúc đó trong gia đình có người phản đối, không đồng ý lấy thận của em ghép cho anh, nên ca ghép đã không thể thực hiện được", phó giáo sư Quyết đau đớn nói.

Ghép tạng sẽ giúp người bệnh sẽ tiết kiệm được rất nhiều sức lực cũng như chi phí cho điều trị… Vì thế, để giải quyết tình trạng khan hiếm tạng, phó giáo sư Quyết cho rằng cần vận động, tuyên truyền để người dân bỏ qua những nghi ngại về phong tục tập quán. Và để thấy được rằng 1 người hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người, đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn, cao cả.

Bệnh viện đã đề xuất lên Bộ Y tế cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh gia đình có người hiến tạng, dù họ không hề đòi hỏi như: cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, tặng thẻ bảo hiểm y tế hoặc nếu gia đình nào có khó khăn về vật chất thì nên có chính sách giúp đỡ…

"Một người chẳng may chết đi sẽ cứu được rất nhiều người. Đó chính là phúc lớn để lại cho gia đình họ. Nếu mọi người vượt qua được quan niệm này để hiến tạng của người thân, sẽ có rất nhiều người được sống lại”, phó giáo sư Quyết chia sẻ.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm