Chấm dứt “ba Bộ quản lý một bữa cơm”

17/10/2009 08:29 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được quy định theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật về xử lý vi phạm hành chính, Luật thủy sản, Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, dẫn đến tình trạng ba bộ là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNN cùng quản lý mâm cơm của người dân mà trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng.

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba về việc ban hành Luật An toàn Thực phẩm tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm qua 16/10.

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm


Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật; phân định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tính khả thi của các quy định trong việc quản lý thức ăn đường phố, thực phẩm biến đổi gen; thanh tra chuyên ngành...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật An toàn Thực phẩm đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Báo cáo gợi ý cần tập trung vào một số vấn đề nổi cộm, gây nguy hại lớn trong cộng đồng như thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm qua 6 năm thực hiện đã khẳng định là một công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vấn đề bất cập không theo kịp với thực tế. Vì vậy, cần có các giải pháp mạnh, đồng bộ trong đó có các chế định pháp luật đủ hiệu lực để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu kiến nghị Quốc hội cho phép thành lập cơ chế thanh tra chuyên ngành đặc biệt, như vậy cơ quan quản lý là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm muốn đi thanh tra đột xuất thì có cơ chế, công cụ ngay. Và việc quản lý mâm cơ của người dân có hợp vệ sinh hay không sẽ được quy về một mối.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho rằng: việc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được quy định còn chồng chéo… nên mức xử phạt còn chưa đồng bộ. Bà Lê Thị Thu Ba đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định về mức phạt trong xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giao cho Chính phủ quy định cụ thể để việc thực thi pháp luật được thống nhất, đảm bảo tính nghiêm minh. Bà Lê Thị Thu Ba tán thành với việc thành lập thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm với trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Các đại biểu cho rằng, với đặc thù nền sản xuất nhỏ, phân tán, chế biến không tập trung, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nhiều nên khó nhất là thiết kế được các quy định có tính khả thi cao nhằm quản lý an toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu vấn đề: Khó nhất là quản lý theo chuỗi, cơ chế quản lý phải xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Trong điều kiện sản xuất, lưu thông, chế biến ở Việt Nam hiện nay, phải hiểu thế nào cho đúng là quản lý theo chuỗi, có theo dõi được từ đầu đến tận bữa cơm của người dân hay không? Đó mới là tận gốc của vấn đề.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị cần làm rõ nội dung quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm để đảm bảo tính khả thi của Luật; cần phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các bộ, ngành chức năng liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là Bộ Y tế. Bổ xung ý kiến này, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Văn Chiến cho rằng dự thảo phải có quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung.

Dự luật an toàn thực phẩm có 11 chương, 62 điều, sẽ được trình xem xét, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6 của QH. Dự kiến thời gian có hiệu lực sau khi luật được thông qua là vào năm 2011.

Hoàng Lan – Mạnh Cường (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm