Cây cầu chuyên chở quá khứ

20/09/2010 23:59 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Tôi rất thích cách KTS Trần Huy Ánh tưởng tượng về sự biến mất của cây cầu Long Biên: “Một sáng nào đó, người Hà Nội thức dậy không thấy cầu Long Biên, chắc họ sẽ bàng hoàng như người Paris không thấy Eiffel in bóng trên bầu trời hay người Bắc Kinh không còn thấy Thiên An Môn trên quảng trường.”

Đó là cách ông nhìn cây cầu như một thành phần làm nên kiến trúc tổng thể của thành phố. Nhưng với tôi, cầu Long Biên còn vượt qua cả giá trị đó. Nó không chỉ là một cây cầu nối hai bờ sông Cái với vai trò quan trọng trong giao thông, trong việc kiến thiết nên nền kinh tế - văn hóa - xã hội thống nhất liền mạch, nó còn là cây cầu chuyên chở cả kí ức và tinh thần của biết bao lớp người sống ở Hà Nội.

Ngày trước nhà tôi ở bên kia cầu, khi Gia Lâm còn là một huyện chứ chưa được lên quận. Vì muốn tôi phát triển ở môi trường tốt nhất, mọi việc học hành hay sinh hoạt ngoại khoá của tôi đều được bố mẹ tôi giao cho “bên Hà Nội”. Vậy là mỗi ngày, tôi qua sông ít nhất 2 lần.

Hồi ấy Gia Lâm còn là khái niệm về một vùng lãnh thổ xa vời và tách bạch với nhịp sống đô thị, tầm suy nghĩ ngắn ngủn trẻ con ngày ấy khiến nhiều khi tôi xấu hổ không dám “tự thú” với bạn bè về địa chỉ nhà mình. Hội bạn tôi, chưa đứa nào đến nhà tôi cả, chúng nó chỉ thấy tôi trèo xuống khỏi chiếc xe đạp của mẹ và chạy tót vào cổng trường, chứ không thể nhìn thấy cảnh mẹ tôi gò lưng đạp xe đèo tôi trên chiếc cầu cũ rỉn đi về mỗi ngày. Hồi bé tôi không thích cầu Long Biên. Tôi thấy nó già nua, xấu xí, han rỉ, cũ kĩ, và kinh khủng nhất là hình như nó... lung lay. Trên suốt cả quãng đường sang sông, không lúc nào tim tôi không đập nhặng xị vì một nỗi ám ảnh thường trực là cây cầu này hình như sắp... sập. Mặc cho bố mẹ tôi trấn an bằng mọi cách, tôi vẫn hầu như nhắm mắt úp mặt vào lưng mẹ mỗi khi qua cầu, miệng giục mẹ đạp nhanh lên, nhanh nữa lên, để cái rung rinh của mặt cầu nhanh chóng bị đẩy lùi sau lưng tôi, và dòng nước đỏ mênh mang đục ngầu dưới kia không còn làm tôi sợ hãi.

Tôi không thích ăn cơm bán trú ở trường, bố mẹ cũng sẵn sàng đón tôi về buổi trưa cho tôi ăn ngon ngủ đủ ở nhà rồi mới đi học tiếp, nhưng tôi thà ăn bát cơm khô khốc cứng quèo ở lớp còn hơn phải nhân đôi lên số lần qua cầu. Tôi đi học bơi cũng vì cảm giác bất an và trí tưởng tượng liều lĩnh về một ngày mà tôi và tất cả những người hiền lành đang đi qua cầu bỗng nhiên rơi tõm xuống nước. Tôi muốn bố tôi đưa tôi đi học qua cầu Chương Dương bằng xe máy. Nhưng công việc làm ăn của bố tôi hiếm khi tạo điều kiện cho ông đưa tôi đi học dù cả hai cùng muốn thế. Vậy thì tôi muốn mẹ đèo tôi đi học qua cầu Chương Dương cho chắc ăn. Nhưng mẹ tôi yếu nên chỉ đi được xe đạp, nghĩa là không thể đi đường cầu Chương Dương. Vậy là lộ trình của tôi vẫn gắn chặt với cầu Long Biên ngày ngày, sau tấm lưng gầy của mẹ.



Vài năm sau đó khi tôi lớn lên, mẹ tôi đã mất vì bệnh, cầu Long Biên đã già đi nhưng không hề gẫy như tôi tưởng, đó mới là lúc tôi dần dần nhận ra nó đẹp đẽ và ý nghĩa với tôi đến mức nào. Cây cầu vẫn ở đó, gan lì và vĩnh cửu, kiên nhẫn và hiền từ chứng kiến tất cả những kỉ niệm cũng như đổi thay đầu tiên trong cuộc đời tôi. Thử tưởng tượng có một cuộn phim ghi lại toàn bộ thời gian tôi đi đi về về giữa hai bờ sông mà xem, nó vẫn giữ nguyên dáng vẻ duyên dáng đầy tính mỹ thuật ấy, còn tôi đã từ một con nhóc con gầy quắt, đen nhẻm, lớn dần lên và xinh đẹp dần ra thành một cô gái 20 cũng gần đạt đến vẻ duyên dáng mặn mà như cây cầu, điều đó mới tuyệt vời làm sao. Chiếc cầu thì luôn trầm tư, còn tôi, trên quãng đường qua lại ngần ấy năm, tôi đã khóc cười vì biết bao nhiêu nỗi.

Năm 18 tuổi khi tôi đỗ Đại học, bố đặt vào tay tôi chiếc chìa khóa xe máy và bảo từ nay tôi có thể đi đường cầu Chương Dương để qua sông như tôi muốn. Nhưng tôi không còn muốn điều ấy nữa. Không rõ là vô thức hay có chủ ý, nhưng tôi vẫn chỉ đi lại bằng cầu Long Biên. Ngày xưa mẹ đạp xe đèo tôi đi hết cầu mất 15 phút. Bây giờ tôi phóng xe 5 phút là qua sông. 5 phút ấy tôi dành để nghĩ về rất nhiều điều. Tuổi thơ của tôi, bệnh tật của mẹ, sự trưởng thành của tôi, sự hi sinh của mẹ... Cây cầu không chỉ nhìn thấy tận mắt sự lớn lên của tôi mà còn chứng kiến sự suy nhược của mẹ. Ngày mẹ tôi mất, tôi ước xe tang có thể đi qua chiếc cầu này. Những năm sau khi mẹ tôi mất, bố muốn tôi đi xe bus (qua cầu Chương Dương) cho an toàn, nhưng tôi xin được tự đạp xe (qua cầu Long Biên) đi học. Những cái Tết sau khi mẹ tôi mất, bố tôi đạp xe đưa tôi lên cầu mỗi đêm 30, đứng lặng sau lưng tôi, cùng tôi ngắm pháo hoa người ta bắn ở tận Hồ Gươm, rồi lại tất tả ngược gió đèo tôi về để làm nốt các nghi lễ Giao thừa...Tất cả những điều đấy, khi đi cầu Chương Dương tôi không bao giờ nghĩ đến.



Bây giờ nhà tôi không còn ở bên đó nữa, nhiều khi tôi lại nhớ đến phát điên cái đường đi lối lại hoàn tòan ngược chiều với giao thông Việt Nam ấy. Tôi đã đủ lớn để không còn sợ cái rung rinh của mặt cầu. Cũng đủ khó tính để không thích người ta mang khóa Việt Tiệp lên bấm nặng trĩu lan can mà chứng tỏ tình yêu. Không thích các bà các cô rải chiếu bán mực nướng với trà chanh trà đá cho các ông các chú. Không thích người ta ăn uống, buôn bán rồi mang niềm vui trở về, rác rưởi thì bỏ lại. Không thích các đôi  trẻ lũ lượt kéo hết lên cầu rồi san sát dựng xe yêu đương choán hết đường đi. Tôi cũng là người trẻ mà sao tôi khó chấp nhận điều đó đến thế. Họ cũng là những người sống ở bên này hoặc bên kia sông, cũng phải đi lại qua cầu, mà sao họ dễ dàng làm những việc phá hủy hình ảnh cũng như sức khỏe của cây cầu đến thế.

Có lẽ vì không muốn nhìn thấy nhiều những cảnh tượng ấy, nên tôi dần dần ít lên cầu buổi tối mà chuyển sang thú vui thong thả trên cầu vào sáng sớm hay lúc chiều tà. Và trong những cuộc hội ngộ giữa tôi và cầu Long Biên, bao giờ tôi cũng mang theo máy ảnh, để ghi lại hình ảnh của tôi, của bạn tôi, của cây cầu, của bãi sông, của những người bán bánh mì giữa dốc, của những người lóc cóc đạp xe đi đâu về đâu, của những cô bán ngô trồng dưới bãi, của con tàu chốc lát lại lao vụt qua..., để xem cái gì là thay đổi, còn cái gì là bất biến? Rồi tôi nhận ra rằng, chỉ cái cách người ta cư xử với cây cầu là có đôi chút khác đi, còn bản thân nó và những gì thuộc về tự nhiên, về không gian, lịch sử, văn hóa vẫn nguyên xi như vậy. Những buổi sáng bàng bạc, nhưng buổi trưa nắng rát hay chiều mưa van vát, nét duyên dáng cổ kính của cây cầu vẫn còn đó, nguyên vẹn như khi tôi bé.

Và cũng không hiểu vì sao, mỗi lần đối diện với cây cầu này, trong tôi lại dâng lên ngập đầy cảm giác về quá khứ. Với tôi, cầu Long Biên luôn là hiện thân của quá khứ, của những gì quý giá cổ xưa, những sự kiện, những con người, những mảnh đời đã đi qua mà giá trị vẫn ngàn năm không phai bạc. 

Phạm Hương Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm