Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm

19/09/2010 05:25 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Hồi bé, tôi đã được nghe mẹ kể chuyện cầu  Rồng. Mẹ bảo, cầu Rồng cũng có tên, có tuổi giống y như con người vậy…

Mẹ còn kể, gần một nghìn năm về trước, trong giấc ngủ của mình, nhà vua Lý Thái Tổ đã nằm mộng thấy rồng bay trên sông Hồng và nhà vua đã quyết định rời đô về kinh thành Thăng Long. Để sau đó gần 9 thể kỉ, trên sông Hồng bỗng xuất hiện một cây cầu sắt dáng rồng khổng lồ do chính viên toàn quyền Đông Dương Doumer cho xây dựng…

Ngày ấy, mẹ bảo tôi phải cố gắng học thật giỏi rồi mẹ sẽ cho tôi ra Hà Nội thăm lăng Bác Hồ, mẹ sẽ dắt tay tôi dạo bước trên cầu Rồng, để tôi có thể ngắm nhìn Hà Nội, ngắm nhìn dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa… Một năm, hai năm… rồi năm, sáu năm sau đó, giấy khen của tôi đã treo gần kín “Góc học tập nhỏ” thế mà lời hứa của mẹ năm nào vẫn chưa có dịp được thực hiện. Bởi, những năm đó, cuộc sống của gia đình tôi càng ngày càng trở nên khó khăn, vất vả hơn, khi bố tôi thì bệnh tật, đau ốm triền miên… Còn riêng tôi, nhiều đêm trong giấc ngủ, tôi thường nằm mơ thấy mình được ra thăm thủ đô Hà Nội và tay tôi đang trong tay mẹ dạo bước trên cầu Rồng…

Năm tôi thi vào đại học, bố mẹ tôi đã phải cố gắng gom góp, chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền nho nhỏ một để cho tôi được ra Hà Nội “thử sức” cùng các bạn “sĩ tử” khác.

Thi đại học xong, cũng là lúc mẹ tôi thực hiện lời hứa của năm nào. Mẹ đưa tôi đến thăm cầu Rồng. Hai mẹ con tôi bước đi chậm dãi, rồi mẹ kể nhiều chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, giặc Mĩ ném bom cầu Rồng, thế nhưng cây cầu ấy vẫn hiên ngang sừng sững qua bao cuộc bắn phá để rồi sống mãi cho đến ngày hôm nay, cho đến tận mai sau…

Tôi chạm tay lên từng thanh sắt đã rỉ màu thời gian và thầm nhủ: Phải chăng, trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phas khốc ác liệt, hứng chịu biết bao nhiêu là bom đạn… nên giờ đây cầu Rồng cũng như một người mẹ già đã gầy còm và ốm yếu hơn… người mẹ già ấy đã đến tuổi cần được nghỉ ngơi để con cháu bảo vệ và chăm sóc?!



Và rồi… buổi chiều mùa hè năm ấy, tôi và mẹ cũng phải chia tay cầu Rồng để trở về quê hương. Sau đó gần hai tháng, tôi bỗng nhận được giấy báo nhập học của trường đại học ngoài Hà Nội… Gia đình tôi mừng vui khôn xiết, chỉ riêng mẹ là không vui, ánh mắt mẹ nhìn tôi buồn hơn. Cũng từ bữa ấy, mẹ thường ngồi một mình, mắt mẹ luôn nhìn về phía chân trời xa xa, hình như mẹ đang nghĩ ngợi về một điều gì đó rất quan trọng mà tôi không hiểu, tôi chỉ ngong ngóng cho mau đến ngày để được đứng trên giảng đường của đại học. Những tưởng… cuộc đời của tôi… sẽ có nhiều cơ hội được dạo bước trên cầu Rồng để ngắm nhìn Hà Nội, ngắm nhìn dòng nước đỏ nặng phù sa của sông Hồng bồi đắp… Thế nhưng… ngày ấy, vì điều kiện hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, bố tôi thì đau ốm quanh năm, một tay mẹ thì không thể nào xoay sở đủ tiền để lo cho tôi ăn học… tôi đành ngậm ngùi gác bỏ ước mơ đèn sách của mình vào một góc nhỏ tâm hồn.

Tôi chia xa Hà Nội, chia xa cầu Rồng từ buổi chiều định mệnh hôm ấy. Ngày ấy cho đến tận bây giờ, tôi lại mới có dịp được ra thăm thủ đô lần nữa. Lần này, tôi ra Hà Nội  vào đúng thời điểm đất nước ta đang tưng bừng hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cũng nhân dịp này – tôi không quên trở lại cầu Rồng.

… Sau bao năm xa cách, kể từ ngày hai mẹ con tôi tay trong tay dạo bước trên cầu Rồng. Đến hôm nay trở lại, cầu Rồng vẫn chẳng khác xưa là mấy. Có khác cũng chỉ là những thanh sắt đã ngày một hoen rỉ hơn trước, do màu thời gian pha nhuộm…

Tôi dạo bước trên cầu Rồng ngắm nhìn Hà Nội đang thay áo mới, Hà Nội ngày hôm nay đang trở nên giàu có hơn bao giờ hết… tôi ngắm nhìn sông Hồng - vẫn là dòng nước đỏ nặng phù sa của năm nào. Cho dù đất nước có đổi thay, nhưng hình ảnh về một cây cầu trong quá khứ vẫn mang trong mình đầy đủ những giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử của dân tộc. Không những thế, trong lòng mỗi người dân Hà Nội, cầu Rồng không chỉ là một biểu tượng đẹp mà cầu Rồng còn được xem là một cây cầu của Nghệ thuật, của Tình yêu và Hạnh phúc, của quá khứ oai hùng và tương lai hoà bình… mà trên thế giới không có nơi nào có được. 

…Đang miên man, bỗng tôi giật thót mình khi nghe có tiếng trẻ con đọc:

“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”


Tôi nhìn sang phía bên cạnh và không khỏi ngạc nhiên khi thấy một bé gái còn quá nhỏ mà đã có thể đọc thuộc lòng bài vè về cầu Rồng. Hỏi ra tôi mới biết, cứ chiều chiều hai bà cháu nhà Hải Minh lại ra cầu Rồng hóng mát và  bà đã dạy cho Hải Minh tập đọc…

Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ sâu, tôi mơ thấy… tóc mình bạc trắng, lưng tôi đã còng, trên tay tôi đang dắt một đứa cháu nội. Hai bà cháu tôi đang dạo bước trên cầu Rồng… và,… tôi… vẫn đang tiếp tục kể lại những câu chuyện về cầu Rồng cho thế hệ trẻ mai sau…

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 9 năm 2010

Bùi Thị Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm