Cầu Long Biên - tâm hồn của Hà Nội

19/09/2010 22:16 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Hai từ Long Biên tôi chỉ biết đến qua những câu chuyện của người lớn về Hà Nội, và khi ấy tôi chưa biết phân biệt cầu Long Biên, cầu Thăng Long hay cầu Chương Dương là thế nào. Chỉ khi tôi trở thành sinh viên cuộc sống của tôi mới thực sự gắn bó với Hà Nội và khi ấy tôi mới biết đến cây cầu Long Biên.

Lần đâu tiên đến với cầu Long Biên tôi vẫn nhớ, đó là một buổi chiều thu khoảng tháng 10 hay 11 gì đó. Tôi và một người bạn cùng tản bộ trên chiếc cầu lịch sử, lăm lăm chiếc máy ảnh trên tay, và tận mắt nhìn những mấu sắt đã ố màu thời gian. Tôi đứng lặng lẽ trên cầu tận hưởng làn gió mát từ sông Hồng thổi tới, và trong tầm mắt là bãi ngô xanh rì, là dòng nước đỏ ngàu màu phù sa, lác đác vài con thuyền xa xa. Khi ấy thấy lòng mình thật thanh thản như trở về với một cõi bình yên, thoát hẳn khỏi phố xá đông đúc ồn ào. Đứng trên cầu và tận hưởng làn gió mát từ sông Hồng… thấy sao mà Hà Nội đến thế.



Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê xứ Đoài, thế nên tôi không thích thú lắm với cảnh ồn ào nhộn nhịp xa hoa của phố phường. Những gì tôi cảm nhận về Hà Nội và ấn tượng thích thú say mê Hà Nội lại là qua những bài hát, những bài thơ về Hà Nội. Có lẽ Hà Nội cùng với Huế là hai thành phố được nhiều nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nhất. Với Huế là vẻ đẹp mộng mơ "nét dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”. Còn Hà Nội là vẻ đẹp bình dị, lặng lẽ nhưng không trầm mặc, nó dịu dàng nặng chất suy tư, mang cái hồn lãng mạn của người Tràng An. Ấy là tôi cảm nhận thế chẳng biết có phải không? Hồi đầu mới ra Hà Nội cũng như ai tôi tìm đến các danh lam thắng cảnh của Thủ đô, đến những nơi được coi là đẹp nhất, đông vui nhất và lang thanh trên những con phố thơm hoa sữa mà tôi đã từng nghe nhiều trong văn thơ. Nhưng cái thời sôi nổi của một chàng trai mới lớn ấy chưa đủ để tôi có thể cảm nhận hết được hồn của Hà Nội. Nhìn đâu cũng thấy phố xá, nhà cửa, xe cộ mới chật chội làm sao. Khi ấy tôi thấy quê mình sao mà bình yên, sao mà đẹp biết bao với triền đê xanh cỏ, bao chiều tôi đùa nghịch cùng đám trẻ chăn trâu chăn bò, với cánh đồng lúa trải dài ngả nghiêng theo gió...

Chả lẽ Hà Nội chỉ vậy thôi sao! Vậy mà người ta bảo Hà Nội đẹp lắm… Rồi khi đứng trên cầu Long Biên trước dòng nước mênh mông… tôi mới hiểu thế nào là cái đẹp của Hà Nội. Người Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi người ta rũ bỏ cái ồn ào, cái xô bồ của phố xá. Đó là lúc lặng lẽ đi quanh Hồ Gươm, lúc ngắm chiều Hồ Tây với bao suy tư, lúc dạo bước qua các con phố rợp bóng cây, và lúc này đây đứng trên cầu Long Biên và trải lòng mình với dòng sông.

“Những ngày tôi lang thang, Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội. Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi. Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi”. Câu hát ấy mới thật hay làm sao. Đến với Hà Nội người ta cứ ngỡ là đến với phù hoa rực rỡ… và càng rực rỡ, náo nhiệt bao nhiêu ta càng xa Hà Nội bấy nhiêu. Đến với Hà Nội ta hãy là chính mình, gột rửa đi những vụn vặt, ồn ào… và khi ấy ta mới hiểu được Hà Nội, để rồi khi xa Hà Nội ta chợt hiểu ra.      

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
                                                                              ( Chế Lan Viên)

Cầu Long Biên cũng như Hồ Gươm, Hồ Tây có lẽ chứa đựng trong đó phần nào cái chất Hà Nội, cái chất của người Tràng An. Mỗi lần qua cầu tôi lại thấy mình bâng khuâng và dù muốn hay không tôi vẫn cứ bắt mình phải đi bộ. Có lẽ chả ở đâu, chẳng con phố nào ở Hà Nội mà tôi lại thích đi bộ đến vậy. Tôi không hiểu nhiều về kiến trúc, nhưng đúng là cây cầu Long Biên này đẹp thật, vẻ đẹp của nó có lẽ chẳng cây cầu nào ở Việt Nam dù to đến mấy, đắt đến mấy có thể  sánh bằng. Long Biên không chỉ có tính lịch sử, mà nó còn có cái gì đó thật gần gũi. Đi qua nó bước qua trên con sông Hồng nặng đỏ phù sa, ngắm nhìn những bãi ngô xanh “biêng biếc” và tận hưởng gió heo may… Chỉ vậy thôi là đã thấy Hà Nội lắm rồi.

Người ta có ca ngợi nó, trang hoàng nó thế nào đi nữa… thì với cầu Long Biên vẫn bình dị, gần gũi đến lạ lùng. Thế nên xin hãy để Long Biên là Long Biên. Đừng ví nó là Tháp Eiffel kiêu sa ở một sứ phù hoa, cũng đừng biến nó to hơn lộng lẫy hơn. Người ta yêu nó đơn giản chỉ vì đó là Long Biên.

Với riêng tôi cầu Long Biên gợi nhớ cho tôi về một Hà Nội tôi yêu. Hà Nội 1000 năm hay 2000 năm, Hà Nội có biết bao nhiêu công trình to vĩ đại, bao nhiêu đại lộ hoành tráng đi nữa… thì xin đừng để mất cầu Long Biên. Vì mất đi cầu Long Biên là Hà Nội mất đi một phần hồn.

                                                                                                               Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm