Cầu Long Biên, những điều không thể bỏ qua

20/09/2010 16:12 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Nếu bạn có cơ hội qua cầu Long Biên hơn một lần, sẽ có những điều khiến bạn không thể bỏ qua.

Đến cầu Long Biên, bạn sẽ được đi… trái chiều. Dù bạn từ phố cổ sang Gia Lâm hay chiều ngược lại, bạn cũng sẽ được đi bên trái. Chưa ai lý giải được tại sao lại như vậy hoặc giả như nếu có thì đó cũng là những giải thích rất vui nhộn. Có người bảo “đi theo cách của người Anh”, có người cho rằng đi như thế mới đúng chất Long Biên. Có người ghét, và dĩ nhiên cũng có người thích. Cảm giác đạp xe trên cầu Long Biên, chỉ cần cúi xuống, bạn có thể ngắm nhìn nước sông Hồng cuồn cuộn chảy. Nếu bạn đi vào mùa lũ, dòng nước đỏ cuộn chảy sẽ đem đến cho bạn một cảm giác rất khác. Còn nếu vào mùa cạn ư, cả một bãi đất như bãi biển sẽ hiện ra trước mắt bạn. Phù sa qua những đợt nước đầy rút đi chính là điều kiện để người dân Bãi Giữa có những vụ mùa bội thu. Bởi thế mới có chuyện, dân
Bãi Giữa yêu mỗi mùa nước lên đến vậy.



Bạn không được qua cầu bằng ô tô đâu đấy. Trước đây thì có, nhưng bây giờ bạn chỉ có thể đi bộ, xe đạp hoặc xe máy qua cầu mà thôi. Nếu chẳng may, xe của bạn bị hỏng, hãy yên tâm. Có cả một đội quân sửa xe cơ động trên cầu. Bạn hãy để ý số điện thoại trên lan can, thành cầu. Gọi là có.

Bạn sẽ gặp rất nhiều người chụp ảnh trên cầu. Dẫu đã có lệnh cấm chụp ảnh trên đường tàu qua cầu nhưng hàng ngày vẫn có người “vượt rào” để được chụp ảnh. Thậm chí có những đôi trai gái còn thực hiện cả bộ ảnh cưới trên cầu, leo qua thành cầu vào đường sắt để chụp. Dĩ nhiên là từ ngày có lệnh cấm, lượng người chụp đã bớt đi rất nhiều. Mọi người không leo qua thành cầu để vào đường tàu chụp nữa mà sẽ tranh thủ chụp ngay trên cầu. Có thể đứng ở mép cầu, lối đi dành cho người đi bộ hoặc những chỗ “phình” ra dọc 2 chiều đi lại, nhưng bạn lưu ý là phải hết sức cẩn thận đấy. Trước hết hãy đảm bảo an toàn cho bản thân đã.

Bạn sẽ thấy cầu “phình” ra ở một vài chỗ. Chiều rộng của cầu Long Biên những chỗ này gấp đôi những chỗ khác. Đó là chỗ các xe tránh hoặc nhường nhau, thậm chí là nơi nghỉ ngơi cho những xe đã “mệt” sau chặng hành trình. Ấy vậy mà, người dân
Bãi Giữa đã tận dụng những chỗ như thế để… họp chợ. Y như chợ quê vậy, người đi đường táp xe vào mua chút rau quả cho bữa cơm chiều. Giá thì rất hữu nghị, có khi rẻ bằng nửa ở các chợ phố. Bãi Giữa có nông sản gì thì “chợ cầu” có nông sản đó. Thi thoảng bạn sẽ gặp dân làng chài với cá tôm vừa đánh bắt dưới sông. Tươi ngon còn giá cả thì khỏi bàn.

Ở vài chỗ “phình” ra ấy, thi thoảng bạn lại bắt gặp những lối xuống Bãi Giữa Nếu bạn đi xe máy và muốn thử cảm giác mạnh thì nên đi cả xe xuống. Còn nếu không, hãy gửi xe ở quán nước và đi bộ xuống Bãi Giữa. Lưu ý là hãy khoá xe cẩn thận và nên cảm ơn người đã trông xe cho mình (dù có phải mất tiền đi chăng nữa). Như vậy bạn có thể thong dong rảo bước xuống Bãi Giữa và ngắm cầu Long Biên từ dưới lên. Một cảm giác rất khác so với việc bạn đứng trên cầu và nhìn xung quanh. Lúc này, cầu Long Biên hiện lên thật hùng vĩ và phồn hoa.

Nếu muốn ngắm cầu về đêm, bạn hãy nán lại ở các quán nước ven đường. Khi phố đã lên đèn, cầu Long Biên lãng mạn hơn bao giờ hết. Lúc này đây, các đôi tình nhân có cơ hội hẹn hò bên thành cầu. Những cái ôm thật chặt, những nụ hôn nồng nàn và cả những lời hứa hẹn… Cầu Long Biên trở thành chứng nhân tình yêu cho bao người. Thậm chí có người còn tranh thủ “khoá tình yêu” trên thành cầu. Chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy rất nhiều ổ khoá tình yêu. Có những chiếc khoá vô danh lại có những chiếc ghi cả tên tuổi đôi nam nữ.

Nếu có cơ hội, bạn hãy đi tàu qua cầu Long Biên. Ngắm nhìn cây cầu từ trên tàu, bạn sẽ thấy thú vị hơn bao giờ hết. Nhất là khi đêm xuống, nhìn dòng sông Hồng nước chảy lóng lánh ánh bạc, phố phường chìm trong bóng tối, chỉ còn đèn đường là rọi sáng, cả Hà Nội đã chìm vào giấc ngủ. Để khi tàu qua bên kia sông, mắt bạn lại ngoái nhìn chặng đường mình đã đi qua. Và rồi một chút bối rối, hoài cổ bỗng vụt qua tâm trí bạn.

Cầu Long Biên còn là nguồn cảm hứng của bao văn nghệ sĩ. Nhà thơ Vương Tâm có cả một trường ca về cây cầu Long Biên trong tập “Những cây cầu mùa thu” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 8/2009). Đây là trường ca đầu tiên về cây cầu lịch sử này. Bao nghệ sĩ đã thong dong tản bộ trên cây cầu để lấy cảm hứng sáng tác. Và cũng bao tay máy đã thử sức nơi đây. Chụp cầu mà thể hiện được cái hồn sông nước, mây trời và cả sức sống mãnh liệt, dữ dội của cây cầu, ấy là thành công của người nghệ sĩ. Đâu cứ phải máy ảnh chuyên nghiệp, đôi khi chỉ với chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn trong lòng bàn tay, bạn cũng có thể có được những bức ảnh đẹp, miễn sao hãy gửi cả tâm hồn mình vào trong đó.

Cầu Long Biên chỉ là một trong những cây cầu bắc qua sông Hồng. Từ cầu Long Biên, bạn có thể ngắm nhìn cầu Chương Dương (hai cây cầu cách nhau gần 1 cây số), để cảm nhận những điều rất khác. Cầu Chương Dương như hiện thân của nhịp sống hiện đại, sôi động và đầy bon chen còn cầu Long Biên, hoài cổ và chậm rãi.

Còn nhiều điều khiến bạn hoài niệm về cây cầu lịch sử này. Hãy tự mình khám phá để cảm nhận hết những điều đó, bạn nhé.

Cầu Long Biên được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội, được xây dựng trong 3 năm (từ năm 1899 đến 1902). Cây cầu được thiết kế bởi cha đẻ của tháp Eiffel (Pháp) - kiến trúc sư Gustave Eiffe. Tên gọi ban đầu của cây cầu là Doumer, nhưng dân Hà Nội đã quen gọi cầu là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Cầu dài 1862m, gồm 19 nhịp dầm thép. Cầu Long Biên từng là công trình kiến trúc sắt thép duy nhất và đồ sộ nhất ở Đông Nam Á. Cầu còn là chứng tích lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh tàn khốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đặng Thị Hậu

K52 Báo chí và Truyền thông,
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -
(Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm