Cầu Long Biên - Nghĩ gì viết vậy

19/09/2010 21:53 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Đối với cá nhân tôi, lần đầu tiên tôi biết được cầu Long Biên là vào dịp Mỹ ném bom B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội cuối năm 1972. Nhà tôi khi đó ở khu Đền Ghềnh - Bồ Đề - Gia Lâm, mỗi khi nghe tiếng còi báo động mẹ thường đưa cả bốn chị em chạy xuống hầm trú ẩn kèm theo câu nói mà khi đó mặc dù mới được ba tuổi nhưng tôi vẫn nhớ: "Nó lại đánh cầu Long Biên rồi đấy".

Còn lần đầu tiên tôi được đi trên cầu Long Biên là ngồi trên xe buýt khi tôi đã học lớp 2, nhân dịp Tết được các chị cho sang Hồ Gươm chơi. Và lần cuối cùng tôi trực tiếp đạp xe đi trên cầu Long Biên là năm 1999, phương tiện là chiếc xe cuốc của Liên Xô. Rồi suốt từ đó đến nay tôi không có dịp đi lại trên cây cầu này một phần vì đã có xe máy, phần nữa là do công việc không tiện đường theo lối cầu Long Biên. Trong khoảng thời gian những năm phải đi lại qua cầu Long Biên, tôi và mấy đứa bạn có một phát hiện lý thú, đó là căn cứ vào công việc của công nhân cạo gỉ, sơn mới, bảo dưỡng cầu thì sẽ biết được thời gian của một năm mà không cần lịch. Khi mà họ tiến hành bảo dưỡng đến gần cuối bờ Bắc hoặc bờ Nam thì lúc đó chắc chắn năm hết Tết đến, và mỗi năm đội thợ bảo dưỡng cầu sẽ đón Tết tại một đầu cầu, việc này chính xác như đồng hồ Thụy sỹ.



Tôi đã đọc được rất nhiều bài viết, xem nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông nói, bình luận về giá trị lịch sử cũng như truyền thống hào hùng của cầu Long Biên trong quá khứ, và đây là lần đầu tiên tôi tự viết ra những suy nghĩ của mình về cây cầu này. Vì đã có quá nhiều bài viết về cây cầu, nên nếu tôi lặp lại những gì mà mọi người đã biết, đã viết về cầu Long Biên thì sẽ không được hay lắm. Tôi chỉ xin đặt ra mấy câu hỏi và tự mình trả lời xem sao.


1. Nếu như năm nay chúng ta không tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì liệu chúng ta có tổ chức tôn vinh bảo tồn các giá trị của cầu Long Biên không? Nếu như câu trả lời là có thì tại sao đến thời điểm này mới tiến hành mà không tiến hành trước đây? Tại sao phải hỏi như vậy bởi vì theo các tài liệu lưu trữ, các nghiên cứu của các nhà sử học thì cầu Long Biên đã trên 100 tuổi, đã xuống cấp khá nhiều theo thời gian. Và nếu chúng ta coi cầu Long Biên như một nhân chứng lịch sử gắn với Thủ đô Hà Nội, mong muốn cây cầu trở thành một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội thì còn chờ gì nữa mà không làm. Có rất nhiều tài liệu nói về những hi sinh, mất mát của những người thợ tham gia làm cầu đã được các nhà sử học, nhà nghiên cứu công bố, vậy tại sao chúng ta không làm ngay những tấm biển - dạng như di tích lịch sử - gắn ở một vị trí nào đó trên cầu để tưởng nhớ tôn vinh họ, tiếp đến cho khách tham quan, du lịch, để các thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị lịch sử của cây cầu. Nếu chỉ tuyên truyền mà không  có hành động cụ thể nào thì cầu Long Biên sẽ mãi là một di tích lịch sử xuống cấp. Tôi thầm nghĩ, trên thế giới hiếm có Thủ đô của một quốc gia nào có được một cây cầu nhiều giá trị, gắn với lịch sử phát triển cũng như văn hóa của Thủ đô như cầu Long Biên nhưng lại "bị lãng quên".


Ảnh: Đỗ Đức

2. Nếu xét theo tiêu chí sử dụng cầu Long Biên như con đường dẫn từ phía Bắc vào Thủ đô Hà Nội liệu chúng ta có nên dỡ bỏ để xây dựng cầu Long Biên mới nhằm mở thêm đường đi lại, tránh ùn tắc? Tôi thì nghĩ rằng giả sử cầu Long Biên không có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa hay thẩm mỹ thì dù cho cây cầu không còn giá trị về mặt sử dụng đi lại thuần túy chúng ta cũng nên giữ lại vì ít ra thì cầu Long Biên cũng được coi là "ông cụ" trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng hiện nay. Và mặc dù có tuổi đời cao hơn rất nhiều so với các cây cầu được xây dựng sau này như cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy... nhưng cầu Long Biên là một bằng chứng về chất lượng mà các nhà xây dựng cầu đường trong nước cần phải học hỏi. Chất lượng của các cây cầu mới xây hiện nay ai mà không biết. Hết lún mặt cầu lại gãy nhịp, thậm chí đang xây dựng đã đỗ gãy rồi, thiệt hại biết chừng nào mặc dù công nghệ làm cầu ngày nay hiện đại hơn.

3. Giả sử như bạn chính là cây cầu Long Biên? Bạn có thể nói gì về mình thời điểm hiện tại?

- Tôi là cầu Long Biên, tôi rất may mắn và hạnh phúc được sinh ra bởi sự thiết kế sáng tạo của các kỹ sư người Pháp, bởi sự hy sinh của rất nhiều người thợ Việt Nam. Hiện tại các bạn biết rồi đấy, tôi đã trên 100 tuổi. Tôi rất vui được là nhân chứng cho nhiều sự kiện lịch sử của Thủ đô Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được vinh dự đón đưa rất nhiều các đoàn khách quốc tế đến thăm thủ đô Hà Nội, được chứng kiến bước chân thất bại của lính Pháp, được đón những anh Bộ đội Cụ Hồ trở về trong chiến thắng... Mặc dù ở tuổi này tôi chỉ còn giá trị về mặt tinh thần nhưng vẫn hết lòng làm nhiệm vụ của một cây cầu.

Trải qua năm tháng, thân hình tôi hiện nay không còn nguyên vẹn như lúc được sinh ra nhưng không sao cả. Nó cũng giống như những vết thương đã lành tuy hơi xấu nhưng tôi tự hào về chúng. Nếu các bạn có ý định "phẫu thuật thẩm mỹ" hình dáng tôi thì có lẽ không cần thiết lắm, nó cũng giống như việc bảo một ông cụ như tôi mặc bộ veston của chàng trai 20 tuổi, rất khó phù hợp. Hãy để tôi đúng như những gì thời gian đi qua như vậy sẽ hay hơn. Người già thường thích mặc áo nâu sồng.

Còn nếu các bạn có ý định đầu tư gì cho tôi thì tôi cho rằng việc đầu tiên hãy tưởng nhớ đến những người thợ cầu đã quên mình khi sinh ra tôi, đó cũng là đạo lý của người Việt. Sau nữa có lẽ chỉ cần biến tôi thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử để khách tham quan du lịch đến thăm Thủ đô biết đến. Ngoài ra nếu có thể tôi mong muốn được làm cây cầu cảng dẫn khách bộ hành ra bãi giữa sông Hồng, giá như các bạn nghiên cứu làm một cảng du lịch bằng tàu thủy dưới gầm cầu thì hay quá. Vì tất các các cây cầu bắc qua sông Hồng hiện nay chỉ có mình tôi là có lối xuống bãi giữa, và khách tham quan sau khi được đi bộ ngắm nhìn sông Hồng từ trên cầu sẽ được xuống dưới sông đi tàu tham quan dọc đê sông Hồng chắc là hay lắm.

Có lẽ chừng đó cũng có thể là hơi nhiều nhưng tôi mong rằng các bạn hãy làm ngay đừng chần chừ bởi vì cái ngày tôi "gần đất xa trời" cũng sắp đến rồi. Xin cảm ơn các bạn.

Hà Nội ngày 2/9/2010

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm