Cảm nhận của người phương Nam

19/09/2010 21:26 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Lần thứ ba ra Hà Nội, tôi lại có dịp đi qua cầu Long Biên. Chợt nhớ câu vè dân gian thuở nào: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài, vừa rộng bắc qua sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…”.

Vẫn dáng dấp một cây cầu già nua, cũ kỹ, có trên 100 năm tuổi. Vẫn những thanh sắt hoen gỉ cùng thời gian và trơ gan cùng tuế nguyệt… Chẳng biết câu vè có từ khi nào? Chỉ biết hôm nay, cây cầu không còn “dài, rộng” nữa khi so với nhiều cây cầu khác ở Hà Nội và trong cả nước. Còn “Đi lại thong dong” ư? Không khéo là va chạm, cọ quẹt, gây ra tai nạn giao thông, chết người như chơi… Bởi lẽ người qua lại trên cả “tấp nập”, có lúc đông nghìn nghịt. Và cái cảnh “gánh gồng” dường như đã đi vào dĩ vãng. Con người, Hà Nội, và cả đất nước đang ngày càng phát triển. Cây cầu giờ mới nhỏ bé, chật chội biết bao!

Còn nhớ, năm 1990, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội, tôi đi bằng máy bay. May nhờ có anh bạn quen bên Gia Lâm, nên tôi mới có dịp… làm quen và biết đến cầu Long Biên. Ký ức người Hà Nội xưa kể rằng: “Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua Sông Hồng ở Hà Nội. Cầu do người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 hoàn thành. Người thiết kế nên cây cầu là Gustave Eiffel (Cha đẻ của tháp Eiffel) dựa trên nguyên mẫu cây cầu Tolbiac ở quận 13, thủ đô Paris. Nên có người còn ví von cầu Long Biên là tháp Eiffel nằm ngang sông Hồng! Đầu tiên cầu có tên là cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương hồi bấy giờ), là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới (xếp thứ hai sau cầu Brooklyn của Mỹ), nhưng trong dân gian vẫn gọi là cầu Sông Cái. Còn cái tên Long Biên, có lẽ mới có sau này?”.

Lúc ấy, Hà Nội cũng như cả nước còn rất nhiều khó khăn, anh bạn chở tôi bằng xe đạp đi qua cầu Long Biên. Anh dừng lại giữa cầu, để tôi được “mục sở thị” cây cầu nổi tiếng này. Nhìn sàn cầu cũ kỹ, vá víu bằng những tấm sắt dày, có chỗ còn là cây gỗ. Thành cầu hoen gỉ. Tôi dường như hơi có… ác cảm với cây cầu. Một công trình của thực dân Pháp trên đất nước tôi. Trông giống như một… mụ Đầm già đã hết thời son sắc! Anh bạn người Hà Nội, không nói gì, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông Hồng đỏ đục phù sa, đang cuồn cuộn chảy. Anh đang có tâm sự? Và chúng tôi dắt xe, đi bộ lững thững qua cầu trong gió chiều lồng lộng thổi và ráng đỏ đang giăng mắc một góc trời…


Ảnh: Đỗ Đức

Năm 2004, tôi ra Hà Nội lần thứ hai và chủ động đến thăm anh bạn bên Gia Lâm. Tôi đi bằng xe Honda “ôm”, lại qua cây cầu Long Biên. Lần này, sau những gì đọc trên sách báo về cây cầu Long Biên. Qua câu chuyện kể của bạn một tối cách đây đã 14 năm, lại thêm bác tài xe ôm là cựu chiến binh thời chống Mỹ. Cây cầu đã góp vào trí tưởng tượng của tôi những hình ảnh của “Hà Nội ta chống Mỹ”  mà trận địa ở đây là vô cùng nóng bỏng và ác liệt, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của không lực Hoa Kỳ từ năm 1965 đến 1972, hòng cắt đứt mọi tuyến đường giao thông của Hà Nội. Với mục đích muốn biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, Mỹ đã đem máy bay ném bom xuống cầu Long Biên cả thảy 14 lần! Cây cầu Long Biên, mạch máu của Thủ đô đã được quân và dân Hà Nội anh hùng, ngày đêm canh giữ. Những Con ma, Thần sấm và pháo đài bay B.52 vẫn không sao phá được cây cầu. “Rồng lửa Thăng Long” đã đan dày dặc ở trên cầu, giữ gìn sự tồn tại cho cây cầu…

Một cây cầu, cho dù trước đây đã từng là “phương tiện” phục vụ cho chiến tranh của kẻ thù, đã được trao về tay nhân dân ta sau mùa Thu tháng Tám, 1945. Gắn bó cả đời mình cho công việc giao thông và phát triển của Thủ đô và cả đất nước. Từng là chiến hào “sống chết có nhau” của người Hà Nội. Những buồn vui, sướng khổ. Những mất mát hy sinh. Những vinh quang tự hào… đã hóa thân thành máu, thịt của người dân Việt anh hùng. Kỷ niệm chất chồng kỷ niệm… làm sao mà không nhớ, không thương? Không bồi hồi xúc cảm?...

Tôi cũng là một người con đất Việt. Cháu, chắt của những người đi mở cõi Phương Nam xa xôi, hướng về Thủ đô ngàn năm Văn hiến, là hướng về nguồn cội. Mỗi địa danh, mỗi di tích của Hà Nội, luôn gợi trong tim những xúc cảm về tiền nhân, về cha ông một cách mãnh liệt và chân thành. Lần thứ ba được đi trên cầu, thêm lần ngạc nhiên về những chiếc khóa “Tình yêu” mà tuổi trẻ hôm nay muốn ước nguyện, muốn gửi gắm ngay ở trên chiếc cầu này. Bỗng nghĩ: Chiếc cầu, công trình của trí tuệ tài hoa nhân loại, gửi ngay trên đất nước mình. Là chứng nhân lịch sử của hai thời kỳ đánh đuổi giặc ngoại xâm. Tuổi trẻ Việt Nam đã từng trụ giữ ở đây, và có người đã dũng cảm hy sinh…

Tôi nhìn cầu, hoài niệm về một thời đã xa vô cùng lãng mạn và thi vị, bằng trái tim nồng nàn yêu, nồng nàn sống của một thời trai trẻ.

Trần Vĩnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm