Bùi Công Duy: Richard Clayderman chơi với nhạc nền chứ không 'nhép nhạc'

26/08/2014 09:21 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - “Đêm nhạc không được như kỳ vọng là điều dễ đoán” - nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, người chỉ đạo nghệ thuật cho dàn nhạc dây trong đêm diễn của nghệ sĩ dương cầm người Pháp cuối tuần qua tại Hà Nội, trao đổi với Thể thao& Văn hóa.

* Nhiều khán giả cho rằng đêm nhạc không được “hoành tráng” như kỳ vọng của họ. Anh thì sao?

- Trước khi Richard sang Việt Nam, tôi đã hình dung đêm nhạc sẽ là như thế vì để một đêm nhạc thành công cần rất nhiều yếu tố, trong đó bố cục các tiết mục là rất quan trọng. Đêm qua, một phần các tác phẩm được biểu diễn chưa thực sự hay, theo quan điểm của tôi. Ngay cả những bài nổi tiếng như trong phim Titanic, chơi bằng piano cũng không làm bật lên cái hay mà hơi một màu.

Về độ hoành tráng, nếu hôm qua có một dàn nhạc khoảng 40 người chơi đệm cho Richard thì sẽ mang đến cảm giác khác hẳn. Nếu có thể thay đổi điều gì ở đêm diễn, tôi mong có một dàn nhạc lớn hơn, cộng hưởng nhiều loại nhạc cụ hơn. Nhưng đây là thể loại nhạc bán cổ điển, nhẹ nhàng, trữ tình, nên tôi nghĩ khán giả cũng không chờ đợi cái gì quá hoành tráng như một đêm nhạc pop, rock.


Nghệ sĩ Bùi Công Duy

* Một số người bày tỏ nghi vấn rằng có những lúc Clayderman giơ tay lên vỗ cùng khán giá, tiếng piano vẫn vang lên, và cho đó là “nhép nhạc”. Anh nghĩ sao?

- Đó không phải là nhép nhạc mà là tiếng nhạc nền. Có nhạc bật sẵn và Richard chơi đè lên với âm thanh lớn hơn.

* Việc Clayderman chơi trên nền nhạc đệm từ đĩa playback mà không phải dàn nhạc có thường xuyên xảy ra trong những buổi biểu diễn của ông ở nước ngoài không?

-  Đó là phong cách của Richard, ông vẫn thường chơi thế trong các buổi hòa nhạc. Có nhạc nền và ông chơi piano đè lên. Nếu muốn có trống và dàn nhạc dây chơi sống thì ông phải mang sang Việt Nam dàn nhạc khá đông, lên đến khoảng 80 người. Còn chương trình đêm qua đã thu gọn đi rất nhiều.

Richard Clayderman luyện tập trước buổi biểu diễn sáng 23/8

* Clayderman là một nghệ sĩ có gắn bó về văn hóa với Việt Nam, đặc biệt với thế hệ thanh thiếu niên cách đây 20, 30 năm. Sự kiện ông sang Việt Nam lần này chưa tô đậm được mối liên kết đó. Điều này có đáng tiếc không?

- Tôi có thể không trả lời câu hỏi này không (cười)? Tôi nghe Richard từ những năm 90, thời hoàng kim của ông. Thực ra tôi mong chờ ông chơi những tác phẩm của thời đó trong đêm nhạc chứ không phải những tác phẩm mới ra mắt. Nếu được lên kịch bản, tôi sẽ làm theo hướng đó, bởi những tác phẩm thập niên 90 của Richard mới thực sự quen thuộc với công chúng Việt Nam.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Trong ký ức của những người yêu nhạc, năm 1999, trong lần đầu đến Việt Nam, Richard Clayderman biểu diễn tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TPHCM. Trong buổi biểu diễn đó, ông cũng chơi với dàn nhạc nhỏ người nước ngoài khoảng 8 người. Tức là, quay lại Việt Nam sau 15 năm, quy mô dàn nhạc hầu như không thay đổi.

Nếu muốn biểu diễn với dàn nhạc hàng chục người như nghệ sĩ Bùi Công Duy nói trong bài, danh cầm cần nhiều thời gian và nhiều buổi tập hơn ở Việt Nam chứ không chỉ trong 1 ngày rưỡi (ông đến sáng 22/8, biểu diễn tối 23/8).

Mặc dù vậy, theo một khán giả hâm mộ Clayderman và từng theo dõi nhiều chương trình biểu diễn trực tiếp của ông ở các nước, thì “Clayderman vẫn thường chơi với dàn nhạc cực lớn, gấp nhiều lần ở Việt Nam, và ông yêu cầu rất cao về chất lượng âm thanh. Điều đó vẫn không thay đổi trong nhiều năm trở lại đây. Có thể vì không đủ người và có quá ít thời gian chuẩn bị, BTC phải dùng playback nhạc nền như một phương án an toàn”.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm