Anne Frank - “Như là nữ thánh ở Nhật Bản”

15/06/2009 16:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhật ký Anne Frank là cuốn sách về thời kỳ Đức quốc xã được đọc nhiều nhất trên thế giới. Nhân tròn 80 năm ngày sinh của tác giả cuốn nhật ký đầy cảm động này (12/6/1929 - 2009), báo Die Welt (Đức) trò chuyện với diễn viên Buddy Elias (84 tuổi) về người em họ nổi tiếng của ông, Anne Frank.

* Ông còn nhớ kỷ niệm cuối cùng của mình với Anne Frank?

- Tôi gặp cô ấy lần cuối khi Thế chiến II sắp xảy ra. Anne là một cô bé nhí nhảnh, vui tính và giàu trí tưởng tượng, người luôn nghĩ ra những trò mà hai chúng tôi có thể chơi với nhau.


Anne Frank, ảnh chụp tháng 5/1942, chỉ ít tuần trước
khi cô bắt đầu viết cuốn nhật ký

* Hồi ấy một cô bé 9 tuổi và cậu anh họ hơn cô 4 tuổi có thể chơi gì với nhau?

- Đủ mọi trò. Chẳng hạn một lần cô ấy bảo tôi mở tủ của bà ngoại lấy một chiếc váy đen cùng với chiếc mũ và đôi giày cao gót của bà. Tôi phải đóng giả làm bà ngoại. Thử hình dung xem tôi trông như thế nào! Anna có một dịp cười ngặt nghẽo.

* Thế còn Margot, chị của Anna?

- Tôi tâm đầu ý hợp với Anne hơn. Margot lúc nào cũng nghiêm nghị, rất thông minh, nhưng hầu như chỉ chú tâm vào sách vở. Trong khi ấy Anne hay nghịch ngợm, giống tôi.

* Anne Frank đã có tác động như thế nào tới cuộc đời ông?

- Hồi ấy Anne chỉ đơn giản là một cô em họ bé nhỏ đáng mến của tôi. Nhưng khi cuốn nhật ký ra mắt sau chiến tranh, Anne Frank đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời tôi. Đến hôm nay vẫn vậy.


Ông Buddy Elias trước những bức ảnh của Anne Frank

* Ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

- Trước hết bởi sự nổi tiếng của Anne Frank và khi công chúng biết tôi là người họ hàng gần gũi nhất còn sống của cô ấy (từ 1996 đến nay, Buddy Elias là chủ tịch Quỹ Anne Frank, tổ chức chịu trách nhiệm xuất bản cuốn Nhật ký Anne Frank cũng như quản lý Bảo tàng Anne Frank ở Amsterdam - TT&VH). Tôi đã trả lời hàng nghìn cuộc phỏng vấn.

* Ông cũng có dịp tới rất nhiều nước...

- Anne Frank đặc biệt được ngưỡng mộ ở Nhật Bản. Tại đó, cô ấy gần như là một nữ thánh. Có một loại hoa hồng mang tên Anne Frank được trồng ở hầu hết các trường học tại nước này như là biểu tượng của hòa bình. Một số thành phố Nhật Bản còn dựng tượng Anne Frank. Đi tới đâu, mọi người cũng xôn xao khi biết tôi là anh họ của Anne Frank.

* Vì sao người Nhật lại cuồng nhiệt như vậy?

- Có lẽ vì họ không thích nói về quá khứ tồi tệ của mình. Thay vào đó, họ nói nhiều về Holocaust (cuộc diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức - TT&VH). Và Anne Frank là gương mặt đại diện cho sự kiện này. Ở Fukuyama có một bảo tàng về Holocaust, nhưng chủ yếu lại dành cho Anne Frank.

* Làm sao Anne Frank có thể đại diện cho toàn bộ lịch sử của Holocaust?

- Đúng là Anne đóng một vai trò không lớn đến mức như vậy. Nhưng 6 triệu người bị sát hại là một con số thống kê không có khuôn mặt. Cùng với số phận của một cô bé như Anne Frank, người ta dễ hình dung hơn chuyện gì đã xảy ra.

* Khi lần đầu tiên đọc cuốn Nhật ký Anne Frank, ông có cảm xúc như thế nào?

- Otto Frank (cha của Anne - TT&VH) từng nói: “Tôi không thật hiểu về con gái mình cho tới khi đọc cuốn nhật ký của nó”. Đối với tôi cũng vậy. Tôi chỉ biết Anne là một cô bé vui nhộn. Thật bất ngờ khi đọc một cuốn sách sâu sắc đến thế.

* Điều gì khiến ông cảm động nhất?

- Có một câu khiến tôi nhớ mãi: “Rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ lại trở thành những con người, chứ không chỉ là dân Do Thái”. Một câu thật sâu sắc. Ngày nay người ta vẫn có thể nói: Rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ lại trở thành những con người, chứ không chỉ là dân Hồi giáo, dân da đen hay dân nhập cư.

Anne Frank, sinh ngày 12/6/1929 trong một gia đình gốc Do Thái ở Frankfurt (Đức), năm 1933 chạy sang Hà Lan sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền. Khi phát xít Đức chiếm đóng Hà Lan, từ tháng 7/1942 gia đình cô phải sống trốn tránh trong một căn phòng được ngụy trang ở Amsterdam. Lúc đó Anne 13 tuổi và bắt đầu viết nhật ký nói về tâm trạng của một cô gái mới lớn phải giấu mình trong cô đơn đến tuyệt vọng và luôn nơm nớp lo sợ bị lộ, bị sát hại, nhưng vẫn đầy khát khao cuộc sống. Cô từng viết: “Tôi muốn tiếp tục sống ngay cả khi đã chết đi”.

Hai năm sau, do có kẻ chỉ điểm, gia đình Anne Frank bị phát hiện và đưa tới trại tập trung của Đức quốc xã. Bảy tháng sau, ngày 12/3/1945, Anne chết tại trại Bergen-Belsen, khi chưa đến tuổi 16. Sau chiến tranh, ông Otto, bố Anne, là người duy nhất của gia đình sống sót trở về Amsterdam. Tại đó, ông tìm thấy nhật ký của con gái và năm 1947 đã cho xuất bản cuốn nhật ký này.

Từ tiếng Hà Lan, Nhật ký Anne Frank được dịch ra gần 60 ngôn ngữ khác với lượng phát hành đến nay đã lên tới hơn 25 triệu bản. Bản dịch tiếng Việt gần đây nhất do Đặng Kim Trâm (em gái của nữ liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm) thực hiện năm 2006. Nhiều bộ phim, vở kịch đã được dàn dựng dựa theo cuốn nhật ký này.
 
H.T (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm