100 năm kỹ xảo điện ảnh

06/10/2009 16:10 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Với những bộ phim ấn tượng như The Lord Of The Rings, khán giả của điện ảnh hiện đại hẳn đã quen thuộc với các kỹ xảo hớp hồn. CGI - hình ảnh được tạo ra bởi máy tính - đã giúp cho những cảnh tưởng chừng chỉ xuất hiện trong sách vở trở nên sống động ngay trước mắt. Có thể nhiều người cho rằng, những kỹ xảo điện ảnh ngày xưa trông quá “giả” và lố bịch. Thế nhưng, các kỹ xảo ra đời cách đây 100 năm đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên “vương triều” thịnh vượng cho kỹ xảo điện ảnh hôm nay.

Ngày đầu thử nghiệm

 The Thief Of Bagdad
Từ thuở sơ khai của điện ảnh, có một người đã không ngừng mày mò với máy quay để làm bất ngờ khán giả, đó là Georges Melies - tên tuổi được xem như “cha đẻ của thể loại phim viễn tưởng”. Bộ phim A Trip To The Moon ra đời năm 1902 là một ví dụ. Kết hợp giữa cảnh quay thật với hoạt hình, giữa tô vẽ phông nền và những mẫu vật thu nhỏ, Georges Melies vừa mày mò vừa sáng tạo. Các kỹ thuật như quay phim đè lên nhau (double exposure), chia đôi màn hình (split screen), hoạt hình dừng-động (stop-motion animation)... mà ông sử dụng đã trở thành những bài học vỡ lòng cho người làm kỹ xảo sau này.


Đến các thập niên 1920 và 1930, kho kỹ xảo điện ảnh được tích lũy từ việc ra đời của nhiều bộ phim thần thoại, nổi bật là The Thief Of Bagdad (1924). Tác phẩm nổi tiếng với bối cảnh Ả-rập huyền bí này được “phù phép” dưới bàn tay của đạo diễn Raoul Walsh. Ông đã sử dụng những kỹ thuật tân tiến thời đó để sáng tạo nên cảnh rồng phun lửa, nhện bò dưới nước, ngựa bay trên trời và cảnh hóa phép ra cả đoàn quân hùng dũng trong khói bụi mù mịt.

Công việc nghiêm túc

Các studio lớn của Hollywood lúc bấy giờ không xem kỹ xảo như trò phụ cho vui nữa. Họ bắt đầu xây dựng bộ phận riêng để phát triển mảng này. Nếu những nhà hóa học làm việc trong phòng thí nghiệm thì các nhà “kỹ xảo học” ngày đêm mày mò trong xưởng phim. Một trong số đó, Hans Richter, say mê với những thí nghiệm về hoạt hình dừng-động. Ông muốn biến nó thành một công cụ làm kỹ xảo. Trong phim ngắn Ghosts Before Breakfast (1928), Richter đã thổi hồn vào những đồ vật vô tri vô giác, khiến chúng chợt trở nên sống động lạ thường.


King Kong

Chính nhờ sự phát triển của kỹ thuật hoạt hình dừng-động, các nhà làm phim có thể biến những mẩu đất sét thành các sinh vật cử động uyển chuyển trên màn ảnh. Trong bộ phim The Lost World (1925), cả một thế giới khủng long đã được tái hiện. Bộ phim này rõ ràng đã tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm viễn tưởng về sau. Có thể kể đến King Kong (1933), cuộc trình diễn điêu luyện của Willis O’Brien - người giám sát việc làm kỹ xảo của bộ phim. Đội ngũ của ông đã tạo ra những cử động mạnh mẽ và uy phong của King Kong bằng cách sử dụng tổng hợp nhiều kỹ thuật: vẽ phông nền, làm mẫu thu nhỏ, phóng hình từ phía sau (rear projection) và hoạt hình dừng-động. Khán giả lúc bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn trước các cảnh King Kong đại chiến với khủng long bạo chúa T-Rex và gầm rú trên đỉnh tòa nhà Empire State.

Những bước nhảy dài

Âm thanh đồng bộ và phim màu là một bước nhảy dài trong lịch sử phát triển kỹ xảo điện ảnh. Hiệu ứng âm thanh có thể lôi kéo sự tập trung và tạo cảm giác sợ hãi từ phía khán giả. Trong khi đó, từ phim đen trắng chuyển sang phim nhiều màu sắc đã cho phép tạo ra những cảnh tượng làm khán giả kinh ngạc. Một trong những tác phẩm đã kết hợp nhuần nhuyễn hiệu quả hình ảnh và âm thanh là bộ phim The Wizard Of Oz (1939). Làm sao có thể quên được cảnh tượng những sắc màu sinh động lan tỏa khắp màn ảnh, vốn trước đó vẫn chỉ gồm hai màu trắng đen, hệt như giấc mơ đột nhiên trở thành hiện thực!

Các thập niên 1950, 1960 đánh dấu việc xuất hiện của hàng loạt phim về quái vật và sự đổ bộ của người ngoài trái đất. Nhiều phim trong số đó bắt đầu dùng kỹ thuật blue screen (màn xanh), vẫn còn sử dụng cho tới tận bây giờ: diễn viên diễn xuất trước phông xanh, để rồi đến lúc dựng, phần phông này sẽ được thay thế bởi khung cảnh khác. The War Of The Worlds (1953) là một ví dụ điển hình. Bộ phim xoay quanh cuộc chiến chống sinh vật ngoài vũ trụ này đã được trao giải Oscar Kỹ xảo xuất sắc nhất. Trong phim, hình ảnh người hành tinh tàn phá thành phố Los Angeles được thể hiện ấn tượng với vũ khí laser và những phi thuyền kỳ dị. The War Of The Worlds là tiền đề cho tác phẩm làm lại của Steven Speilberg năm 2005 và Independence Day (1996).


Star Wars

Cuộc chạy đua khoa học kỹ thuật trong những năm 1970 đã giúp cho kỹ xảo điện ảnh đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Star Wars (1977), sản phẩm của George Lucas và đội ngũ kỹ thuật viên, là minh chứng cho những thành quả thu được từ việc phát triển các kỹ thuật có sẵn thành một hệ thống công cụ đặc biệt phục vụ việc làm phim viễn tưởng. Nhiều nhà phê bình đã đánh giá rằng, những hình mẫu phi thuyền, súng ống và robot trong Star Wars được thể hiện thật đến nỗi khó có thể tìm ra lỗi. Công nghệ tân tiến nhất thời đó - máy tính - cũng được sử dụng để kiểm soát máy quay.

Kỹ thuật của George Lucas được những nhà làm phim cùng thời học tập, đáng chú ý có Steven Speilberg. Đạo diễn tài ba này luôn đam mê dàn dựng những màn hành động hoành tráng. “Hồi nhỏ, tôi thường chơi với toa tàu hỏa đồ chơi và biến nó thành nhân vật chính trong những bộ phim tự quay. Chẳng có gì hấp dẫn hơn một đoàn tàu lao đến một cô gái đang bị trói vào đường ray và người hùng xuất hiện để cứu cô ta” - Speilberg nhớ lại. Bộ phim Raiders Of The Lost Ark (1981) của ông đã được trao giải Oscar Kỹ xảo xuất sắc nhất.


Raiders Of The Lost Ark

Máy tính và kỹ xảo của tương lai

Năm 1984, tận dụng sức mạnh của máy tính để làm kỹ xảo, đồng thời khai thác triệt để thể loại phim hành động, đạo diễn James Cameron đã giới thiệu cho khán giả một nhân vật khét tiếng: The Terminator trong bộ phim cùng tên. Ở ngoài mang hình hài con người nhưng bên trong lại là một cỗ máy, The Terminator với khung xương bằng thép lộ ra khỏi lớp da thịt hẳn đã khiến không ít người rùng mình. Kỹ xảo của The Terminator tiếp tục được phát huy, cho tổng cộng ba tập phim điện ảnh sau đó và một serie truyền hình.


Terminator 3

Năm 2007, Michael Bay dấn thêm một bước nữa, sử dụng những robot hoàn toàn được “vẽ” nên bởi máy tính làm nhân vật chính. Transformers của Bay là một trong những phim có nhân vật ảo chuyển động phức tạp nhất. Để xây dựng nên 14 nhân vật robot biến hình, đội ngũ làm kỹ xảo cần thu hoạch tổng cộng hơn 60 nghìn mảnh mẫu kết cấu xe hơi và tạo ra hơn 12 triệu đơn vị đồ họa ba chiều. Chỉ riêng robot Optimus Prime cao gần 9 mét đã cần hơn 10 ngàn mảnh ghép. Những cảnh cần xử lý kỹ xảo trong Transformers lên đến con số 450. Mỗi cảnh bao gồm mẫu ba chiều của nhân vật robot, tương tác với môi trường xung quanh, tạo ra bởi máy tính. Để làm tăng độ chân thật, ánh sáng phản chiếu lên bề mặt robot cũng được tính toán rất kỹ. Kỹ xảo của bộ phim đã thành công khi khiến khán giả khóc và cười cùng số phận của những robot trên màn ảnh.

Như vậy, rõ ràng kỹ xảo trên phim luôn đi cùng với sự phát triển của điện ảnh, khi mà khán giả luôn mong muốn được thưởng thức những điều mới lạ. Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển và một điều chắc chắn rằng, khán giả xem phim sẽ tiếp tục được các “phù thủy” về kỹ xảo mang đến những phút giây mãn nhãn nhất.

Vĩ Cầm Đỏ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm