30 năm thảm họa Heysel: Chỉ Juventus còn nhớ đến tấn bi kịch

29/05/2015 21:16 GMT+7 | Juventus

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ, nếu Juventus không lọt vào chung kết Champions League mùa giải năm nay, sẽ không còn ai, trừ những Juventini đã xem đây là một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử CLB, nhắc đến thảm họa Heysel cách đây tròn 30 năm (29/5/1985 - 29/5/2015). Tiếc là tròn 3 thập kỷ sau thảm họa ấy, chỉ còn Juventus được nhắc nhớ.

Bi kịch đã bị quên lãng

Đối với Antonio Conti, thời gian đã ngừng lại vào buổi tối ngày 29/5/1985. Ngày hôm đó, ông đưa cô con gái Giusy tới Brussels để cổ vũ cho Juventus, đội bóng yêu thích của mình trong trận chung kết Cup C1 với Liverpool tại sân vận động Heysel (Bỉ). Đáng ra, đấy sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để họ ăn mừng. Thay vào đấy, kí ức của Conti về Heysel chỉ là cái chết.

"Lúc đó là 19 giờ 25 và sự cố đã xảy ra," Conti nhớ lại. "Khi tôi tỉnh dậy sau đó nửa giờ, tôi nằm giữa những xác chết và khi đấy, tôi nhớ mình đã ở đâu. Tôi tìm con gái mình cho đến khi thấy một chiếc giày dưới chăn và tôi hiểu là nó đã chết."


Tên của các CĐV thiệt mạng tại Heysel vẫn được các fan Juventus giơ cao trong ngày 29/5 đen tối

Nếu kể câu chuyện này với các CĐV bây giờ, họ sẽ không bao giờ tin được bóng đá lại có cảnh chết chóc như vậy trong một trận đấu, khi phần lớn những sân vận động hiện nay đều có ghế ngồi. Thế nhưng, một phần thảm họa Heysel dễ bị quên lãng là vì chỉ trong vòng bốn năm ở thập niên 80, gần 200 người đã thiệt mạng trong ba bi kịch lớn trên các sân vận động của châu Âu. Đầu tiên là vào ngày 11/5/1985, chỉ hơn hai tuần trước vụ giẫm đạp ở Heysel, lửa đã bốc cháy tại sân Bradford City và khiến 56 CĐV thiệt mạng, và rồi lại là một vụ chen lấn trên đất Anh, Hillsborough, vào năm 1989. Số người chết ở Hillsborough còn lớn hơn hai vụ Bradford và Heysel cộng lại. Vì thế, với người Anh và Liverpool, thật khó để họ quên được 96 CĐV thiệt mạng trong một trận đấu FA Cup, thay vì nhớ đến 39 CĐV đã qua đời ở Heysel, trong đó có 32 người từ Italy, bốn từ Bỉ, hai từ Pháp và một từ Bắc Ireland.

Ngược lại, với người Italy, Heysel đã hằn sâu vào kí ức họ, kể cả ý nghĩ của các cầu thủ. "Chiếc cúp chết chóc," như hậu vệ của Juventus, Antonio Cabrini, đã viết vậy trong cuốn tự truyện "Io Antonio" của ông. Và chỉ có người Italy.

Không phải vô cớ mà trong cuốn viết về lịch sử bóng đá Italy, “Calcio”, giáo sư John Foot cho rằng Heysel là một câu chuyện của “sự kém cỏi, bạo lực, che đậy, xấu xa và gian dối.” "Đó cũng là một câu chuyện để quên," Foot nói thêm. "Không nhiều người nhớ được những gì xảy ra tối hôm đó: Cầu thủ, CĐV, giới chính trị gia của Bỉ và lực lượng cảnh sát."

Quan điểm của Foot cũng được bà Rosalina Vannini Gonnelli, người đã mất chồng trong thảm họa đó, còn cô con gái 18 tuổi của họ bị chấn thương, chia sẻ. "Nhiều người đã không còn sống nữa,” Gonnelli nói. “Mọi người đã quên thật nhanh sau những gì đã xảy ra và bây giờ, thật khó để ai đó nhớ được bi kịch. 39 thiên thần sẽ chỉ còn trong kí ức của những người thân với họ."

Khu Z

Giữa Hillsborough và Heysel có khá nhiều điểm chung, như thể thảm họa đã chờ chực ở hai sân vận động cũ nát này, khi công tác bán vé và đảm bảo an ninh không được coi trọng. Tại khán đài Z của sân Heysel, nơi được dành cho các CĐV trung lập bỗng xuất hiện rất nhiều tifosi của Juventus (theo quy định, xen kẽ giữa hai nhóm CĐV đối địch là nhóm CĐV trung lập). Sở dĩ xảy ra chuyện này là vì, các fan của Juventus đã tìm mọi cách để mua lại vé của người Bỉ để được vào sân. Và không ngờ đó là những tấm vé định mệnh.

Trước giờ thi đấu khoảng một tiếng rưỡi, các hooligan người Anh ở khán đài bên cạnh phá được hàng rào, và tấn công một cách điên cuồng vào nhóm người Italy bằng tay không, gậy, và cả dao găm, gây ra rất nhiều thương vong. Một bức tường của khán đài Z không chịu nổi sức nặng khi các CĐV cố thoát ra đã sụp đổ và càng làm tăng thêm số nạn nhân của ngày hôm đó. 


30 năm sau thảm họa, Juventus lại vào đến chung kết Champions League

Hậu quả là 39 người thiệt mạng và 376 người bị thương. Thế nhưng, UEFA vẫn cho tiến hành trận đấu, sau khi bị hoãn hơn một giờ đồng hồ. Điều đáng nói là cầu thủ của Liverpool và Juventus do ở trong phòng thay đồ nên họ chỉ được biết rằng có người chết, có bạo loạn, nhưng không thể nắm rõ chi tiết những gì đã xảy ra.

Điều an ủi cho Juventus là họ đã thắng 1-0 nhờ quả phạt 11m của Michel Platini, dù màn ăn mừng của ông sau khi ghi bàn đã bị chỉ trích. Về sau này, cựu tiền vệ người Pháp hiện đang là đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA chỉ nói rằng, nếu ông không làm vậy, đó “sẽ là dấu chấm hết của bóng đá."

Trừng phạt

Phải thừa nhận rằng, trong khi Heysel được xem là bi kịch của thế kỉ, người gây nên cái chết của 39 CĐV vô tội ngoài các CĐV Liverpool còn có UEFA và chính quyền Bỉ. Vì họ đã chọn Heysel, sân vận động có điều kiện kém nhất ở châu Âu, cho một trận chung kết Cup C1. Tiếc là người Italy, và các CĐV Juventus, cũng không đủ mạnh mẽ để tìm kiếm sự thật về thảm họa này như CĐV Liverpool trong thảm họa Hillsborough, dù năm 2003, nhà báo Francesco Caremani có tung ra cuốn sách "The Truths of Heysel -- Chronicle of a Tragedy Foretold".

Rốt cuộc thì những gì còn được nói đến chỉ là 5 năm bị cấm thi đấu ở châu Âu của các CLB, trong đó riêng Liverpool bị cấm đến năm 1991, thay vì 25 CĐV Liverpool bị dẫn độ từ Anh và sau năm tháng xét xử, 14 người bị kết án ngộ sát vào tháng 4/1989, cùng thời điểm thảm họa Hillsborough diễn ra, và mỗi người phải ngồi tù một năm. Hay Chủ tịch UEFA lúc đó là Jacques Georges và Tổng thư kí Hans Bangerter đứng trước nguy cơ phải ngồi tù, trước lúc họ buộc phải từ chức. Trong khi đó, Albert Roosens, cựu Tổng thư kí Liên đoàn bóng đá Bỉ (BFU) và Johan Mahieu, người phụ trách các khán đài ở Heysel, chỉ nhận sáu tháng tù treo vì tội vô ý.

Niềm an ủi cho các Juventini

30 năm qua, toàn bộ sự thật về thảm họa Heysel vẫn nằm trong bóng tối dù tháng 5 năm nào cũng vậy, các Juventini luôn nhớ về cái chết của 39 CĐV vô tội. Trong khi đó, mất tới 23 năm, CĐV Liverpool cuối cùng cũng đã phơi bày được sự thật về Hillsborough. Điều đáng nói là thảm họa Hillsborough đã buộc người Anh thay đổi một cách tích cực về vấn đề sân bãi, khi các sân đều lắp ghế ngồi, và thái độ của CĐV, không còn ai đến sân với nỗi lo về mạng sống của họ thì 30 năm qua, việc tổ chức sân bãi của Italy vẫn là một vấn đề lớn của bóng đá nước này. “Chúng tôi đã không rút ra được bài học nào về sự an toàn và tổ chức sân bãi,” Caremani nói. “Người Anh đã thay đổi sau Hillsborough. Tại sao chúng ta không làm vậy sau Heysel?"

Ít nhất thì 30 năm qua, Juventus vẫn đứng vững, thậm chí sau Calciopoli, và sau danh hiệu thứ hai giành được ở Cup C1/Champions League năm 1996, họ đang hướng đến chiến thắng thứ ba tại Berlin vào ngày 6/6 này khi gặp Barcelona trong trận chung kết. Và sẽ không có gì tuyệt vời hơn nếu đó là món quà họ dành tặng cho 39 CĐV đã ngã xuống ở Heysel.

Hưng Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm