Vấn đề bản quyền truyền hình: “Tên bay, đạn lạc”…

04/01/2012 15:39 GMT+7 | Bóng đá Việt

Như SGGP Thể Thao đã nhận định, cái gọi là “cuộc chiến truyền hình” thực sự không tồn tại khi cơ bản chẳng có bên nào chịu đối đầu trực diện với nhau. Nhưng “tên bay, đạn lạc” thì có và rốt cuộc, sau vòng 1 Super League, đài VTC đã bị “dính đạn”.

Không biết hay vì cả tin?

Không hiểu VTC “dám” đưa máy móc vào sân Ninh Bình để tường thuật trận V.Ninh Bình - CS.Đồng Tháp dựa trên cơ sở nào. Nếu không phải là AVG đồng ý thì có lẽ, VTC dựa trên công văn VPF cho phép đài VTV được khai thác quyền truyền hình 4 giải đấu. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ công văn này thì VPF chỉ cho phép VTV, còn trường hợp của VTC thì phải được sự hỗ trợ của VTV. Hiểu nôm na, VTC phải xin phép AVG hoặc VTV thì mới được phép tường thuật.


Trong thời gian các bên liên quan chưa đạt được thỏa thuận, các nhà đài rơi vào tình cảnh lúng túng để sắp xếp lịch truyền hình trực tiếp. Ảnh: Hoàng Hùng

Ngay như VTV, dù đã được VPF bật đèn xanh nhưng cũng phải có sự thỏa thuận với AVG thì họ mới được truyền 3 trận đấu tại vòng 1 vừa qua. Nói cách khác, đến thời điểm này, văn bản do VPF ký vẫn chưa có đủ giá trị và AVG có quyền cảnh cáo, thậm chí là kiện VTC ra tòa vì vi phạm bản quyền.

Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ này: AVG không kiện được VPF nhưng lại có thể kiện các đài truyền hình nào không có thỏa thuận với họ. Bầu Kiên và VPF quá “khôn” khi cứ cho phép khơi khơi mà chẳng sợ AVG kiện bởi nói cho cùng, họ đâu phải là người vi phạm trực tiếp. Trường hợp bị AVG đưa ra tòa thì VTC cũng chẳng thể lôi VPF làm người bảo lãnh cho mình vì đơn giản, VPF chưa hề trực tiếp đồng ý cho VTC được quyền khai thác. Tóm lại, kiểu gì thì VTC cũng đuối lý cả.

Không phải "cuộc chiến" nhưng đầy "tên bay, đạn lạc"

Phân tích toàn bộ quá trình, sẽ nhận thấy “cuộc chiến bản quyền truyền hình” thật ra là màn “nắn gân” nhau giữa các “cặp đấu” như sau: “Cuộc chiến quyền lực” giữa VFF và VPF; “cuộc chiến thị phần” bóng đá giữa AVG và VTV. Không hề tồn tại “cuộc chiến” VPF - AVG như nhiều người lầm tưởng. AVG và VPF nếu có “đánh” nhau thì cũng chỉ nhắm vào VFF mà thôi. Trong khi đó, VTV là đơn vị sẽ được lợi nhiều nhất khi chấp nhận liên minh với VPF cũng như thỏa thuận được với AVG.

Sự xuất hiện của “nạn nhân” VTC cho thấy, “tên bay, đạn lạc” là chuyện đã và tiếp tục xảy ra nếu không có sự dàn xếp ổn thỏa từ “nhân vật chính” là VFF. Việc VTC “dính đòn” có lẽ đã nằm trong tính toán của VPF sau khi họ tuyên bố không thừa nhận hợp đồng AVG-VFF. Mặc dù tuyên bố này không đồng nghĩa với việc hợp đồng của AVG-VFF mất hiệu lực nhưng cũng đủ làm cho một số đài truyền hình “nghe nhầm” mà tưởng mình có quyền được khai thác vô tư. Thực tế thì hợp đồng ấy vẫn có hiệu lực nhưng VPF chẳng biết làm sao để AVG công bố nội dung hợp đồng nên mới chờ cho xảy ra vụ việc như trường hợp của VTC. Phải có chuyện đưa ra tòa phân xử thì mới biết được bản hợp đồng ấy viết gì.

Tóm lại, một lần nữa bầu Kiên và VPF lại tiếp tục “rung đùi” với các “quả bom” được tung ra liên tiếp trong bối cảnh họ cũng chưa có đủ cơ sở để vô hiệu hợp đồng AVG-VFF.

Vì sao VFF chậm phản ứng?

Một việc hết sức đơn giản để giải quyết “cuộc chiến truyền hình” đó là VFF sẽ mời các bên ngồi lại với nhau, bao gồm cả các CLB. Trên cơ sở đó, sẽ phân chia được các phần việc: ai lo sản xuất, ai lo phân phối và các thể loại khác nữa…

Nhưng việc đơn giản ấy lại không được VFF thực hiện. Thay vào đó, họ lại cứ phải gởi văn bản xác nhận các quyền truyền hình của AVG mặc dù qua từng diễn biến, hợp đồng ấy có nguy cơ mất hiệu lực.

Hãy thử tính đến một kịch bản thế này: 5 năm nữa, 14 đội đá Super League hiện nay được thay thế bằng 14 đội khác (tên khác, các ông bầu cũng khác). Lúc đó, 14 CLB chỉ công nhận mỗi VPF là nơi đại diện quyền lợi kinh doanh của họ chứ không phải VFF. Lúc đó, bản hợp đồng AVG-VFF đương nhiên là không có hiệu lực. Xin nhớ là VPF hoạt động theo nguyên tắc đại hội cổ đông để biểu quyết số đông và các CLB có quyền không cho phép các đài truyền hình vào sân ghi hình nếu chưa có sự thỏa thuận cụ thể bằng văn bản. Nếu hiểu theo kịch bản đó, hợp đồng AVG-VFF ký năm 2010 không có giá trị ở một thời điểm khác khi các chủ thể có trách nhiệm và quyền lợi liên quan đều đã khác.

Lẽ ra, cách tốt nhất để VFF bảo vệ hợp đồng đã ký AVG là mời ngay các bên lại mà đàm phán nhằm bảo đảm, ai cũng không chịu thiệt thòi. Đằng này, họ nói VPF cũng không xong, bảo vệ AVG cũng chẳng được mà cứ làm văn bản tới lui một cách kém thế vô cùng. Vì sao VFF phản ứng chậm? Không lẽ hợp đồng với AVG có nhiều điều khúc mắc?


Theo SGGP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm