Tính kế thừa ở đội tuyển Việt Nam

11/05/2014 14:08 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ chức vô địch AFF Cup 2008 đến nay, bóng đá Việt Nam chưa một lần mang đến niềm vui cho người hâm mộ, cho dù là ĐT Olympic hay ĐTQG. Điều đó đặt ra câu hỏi phải chăng do tính kế thừa ở các ĐTQG của chúng ta quá thấp?

Trong cuộc trò chuyện mới đây với Thể thao & Văn hóa, HLV Lê Huỳnh Đức trăn trở khá nhiều về những vấn đề ở các ĐTQG. Nhà cầm quân của SHB.Đà Nẵng thẳng thắn: “Tính kế thừa, hay nói cách khác là đội ngũ cầu thủ gối đầu ở ĐTQG không tốt. Chẳng nói đâu xa, chọn khắp 12 CLB V-League bây giờ khó cho ra một cặp trung vệ tốt, đó là chưa bàn đến vị trí tiền đạo”.

Rõ ràng, trải qua một thời gian khá dài làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng công tác đào tạo trẻ ở các CLB V-League tồn tại nhiều vấn đề, nếu chưa nói là “xây nhà trên cát”. Ngoài một số lò đào tạo nổi tiếng như SLNA, SHB.Đà Nẵng, HA.GL, Hà Nội.T&T…, nhiều CLB khác chủ yếu “ăn xổi ở thì”.

Đơn cử như B.Bình Dương bây giờ chẳng hạn. Mang danh đội bóng lớn, đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League nhưng B.Bình Dương không có tính bản sắc vì có quá ít cầu thủ địa phương trong đội hình. Mùa giải này, đội bóng đất Thủ bỏ tiền ra mua hàng loạt cầu thủ tiếng tăm về sân Gò Đậu để chinh phục chức vô địch.

Cách làm bóng đá của B.Bình Dương hiện nay được người ta ví von như “xây nhà từ nóc”, bởi một khi nhà tài trợ cạn tiền, họ khó lòng giữ chân những ngôi sao ở lại, nếu chưa nói đến nguy cơ giải tán như XMXT.Sài Gòn năm ngoái.

Nhiều đội bóng hiện nay làm bóng đá theo kiểu thời vụ, tính toán thiệt hơn. Kiểu như, bỏ tiền ra mua một cầu thủ ngôi sao rẻ hơn công đào tạo một cầu thủ trẻ. Nếu cứ theo đuổi cái tư duy ấy chắc chắn họ sẽ tự làm hại mình trong một ngày không xa. Sâu xa hơn, mặt bằng phát triển thiếu tính bền vững của các CLB V-League đã vô tình gây ra hậu quả tiêu cực cho các ĐTQG. Cụ thể, công tác đào tạo trẻ không tốt khiến của CLB đã không cho ra những tuyển thủ tốt.  

Ở khía cạnh khác, việc lạm dụng đội ngũ ngoại binh ở các CLB V-League suốt thời gian qua đã làm hạn chế khả năng phát triển của cầu thủ nội. Theo phân tích của HLV Lê Huỳnh Đức, xu thế hiện nay ở phần lớn các đội bóng V-League là sử dụng cặp tiền đạo và một trung vệ ngoại binh.

Mặc dù biết rằng điều này dẫn đến hệ lụy cho ĐTQG nhưng họ không thể làm khác được. Chẳng hạn SLNA là đội bóng hiếm hoi trung thành với cặp trung vệ nội. Song điều đó không mang lại cho họ nhiều niềm vui chiến thắng vì hàng thủ không đủ sức chống lại các hàng tiền đạo toàn ngoại binh.

Tất cả những thực trạng trên dẫn đến hệ lụy: các ĐTQG không có được lực lượng ổn định, có tính kế thừa để sẵn sàng cho mọi tình huống. Bởi thế, những thất bại liên tiếp gần đây của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực có một phần nguyên nhân rất lớn từ cái gọi là tính kết thừa thấp này.

Mọi thành công đều có quá trình, bóng đá cũng vậy. Người Nhật có được một nền bóng đá chuyên nghiệp như hiện nay phải mất quá trình 15-20 năm chuẩn bị, bắt tay vào thực hiện, nhưng quan trọng là họ có đường hướng đúng đắn, mang tính chiến lược.

Còn bóng đá Việt Nam, V-League đã trải qua gần 14 năm nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề. Vì thế, người ta kỳ vọng nhiệm kỳ VII sẽ mang đến những làn gió mới cho bóng đá nước nhà.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm