Sao bóng đá làm từ thiện

13/11/2017 07:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 'CLB bóng đá Than Quảng Ninh xin gửi đến đồng bào miền Trung 50 triệu đồng, để khắc phục hậu quả lũ lụt' ; 'Hội CĐV Hải Phòng xin gửi đến đồng bào lũ lụt tại Quảng Nam bằng tiền và hàng trị giá 200 triệu'. Chưa bao giờ, lời phát thanh viên đọc ở SVĐ Tam Kỳ lại yêu đến thế.

Đấy là trận đấu giữa chủ nhà Quảng Nam và Than Quảng Ninh, thuộc vòng 24 V-League 2017. Thực tế là, không hẳn vì bão mà nhà tổ chức và BTC địa phương không thể tổ chức trận đấu theo đúng lịch, mà là trong hoạn nạn khó khăn, bóng đá (vốn dĩ là ngày hội), không thể tung hoa ăn mừng. Bóng đá ngoài ý nghĩa một môn thể thao vị thành tích, nó còn là ngôn ngữ toàn cầu, để kết nối và chia sẻ những nỗi đau. Rất nhiều những cái tên được xướng lên, những bàn tay chìa ra, để chung tay cùng đồng bào.

"Sang" nhất trong buổi chiều ngày hôm đó phải là CĐV Hải Phòng, mặc dù trận đấu ấy gần như chẳng liên quan đến họ. Nhưng, như đã nói ở trên, làm từ thiện không cần xướng tên, cũng không quan trọng con số. Mỗi bàn tay đưa ra là một nghĩa cử cao đẹp rồi. Hôm ấy, ngoài CĐV Hải Phòng, CLB Quảng Ninh, Quảng Nam, Hội CĐV Quảng Nam..., nghe đâu, nhà tổ chức VPF cũng góp 50 triệu.

Lại nói Hội CĐV đội khách Than Quảng Ninh. Họ, trên thực tế đã vào Quảng Nam (bằng đường bộ) từ ngày 5/11, theo lịch thi đấu cũ. Nhưng cơn bão số 12 đã khiến trận đấu bị hoãn và điều quan trọng là, nhà tổ chức không thể hứa hẹn ngày nào sẽ đá bù. Hết thảy hơn 100 CĐV Than Quảng Ninh lại ngược ra Bắc. Để rồi, vừa về đến nhà nghe thông báo, lại leo xe bus vào Trung. Thật đúng là, yêu nhau không cần ai làm chứng. Cảm động lắm. Hôm ấy, Than Quảng Ninh đã thua Quảng Nam trong trận đấu được mất. Nhưng người đất Mỏ chẳng vì thế phải buồn, họ vẫn nán lại giao lưu, dù ở quê nhà bề bộn công việc. "Chúng tôi đi vì tình yêu, vào đây để chia sẻ nỗi đau, mất mát với đồng bào Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Thắng thua trong bóng đá chỉ là chuyện vặt", anh Vinh, một doanh nhân ở vùng Mỏ chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.

Vậy có cần phải nói thêm không? Sân Tam Kỳ hôm diễn ra trận "chung kết" mùa giải không được lấp đầy, dù có thể vẫn kéo được con số kỷ lục đến sân/trận đấu (13 ngàn người, theo thống kê của BTC giải, thực tế là không tới số đó). Phần vì người dân còn phải lo khắc vụ hậu quả cơn bão 12, phần do trận đấu diễn ra vào ngày giữa tuần và cũng một phần khác, trận đấu được tường thuật trực tiếp trên sóng VTVCab.

'Quảng Nam sẽ nhìn FLC Thanh Hóa mà đá'

'Quảng Nam sẽ nhìn FLC Thanh Hóa mà đá'

HLV Đoàn Minh Xương nhận định sẽ không có chuyện cổ tích trên xứ Thanh trong mùa bóng năm nay và Quảng Nam gần như đã đặt tay vào chức vô địch.

Nỗ lực sản xuất trận đấu của nhà đài với trang thiết bị kỹ thuật phức tạp chuyển vào từ Hà Nội, khi bị hoãn lên hoãn xuống, cũng cần được ghi nhận. Bóng đá Việt Nam nói chung và các giải đấu nói riêng, chưa từng bị lãng quên, bị bỏ rơi. Rất nhiều các bộ phận, chức năng vẫn chung tay, người hâm mộ vẫn sát cánh. Nhưng, đấy là khi bóng đá là trở thành một phương tiện, trở thành ngôn ngữ chung để chia sẻ với không chỉ niềm vui, mà là nỗi đau với cộng đồng.

Bóng đá, ở kỷ nguyên hay thời đại nào, cũng phải thuộc về cộng đồng, phải trao cho cộng đồng.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm