Nỗi đau của khủng hoảng niềm tin

19/12/2014 18:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Trận thua đầy bất ngờ đến mức bất thường của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia tại lượt về AFF Cup trên sân Mỹ Đình đã khơi dậy nỗi đau của bóng đá Việt Nam: Tình trạng mất niềm tin. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Trận thua đậm đầy bất ngờ, nhưng dễ dàng và chóng vánh trước Malaysia khiến đội tuyển Việt Nam mất vé dự trận chung kết AFF Cup, mà trước đó tưởng như đã nằm trong tay, khiến làn sóng nghi ngờ “bán độ” lại rộ lên. Theo anh Hồng Ngọc, nghi ngờ đó có cơ sở hay không?


- Hồng Ngọc: Trước hết, chúng ta phải “khoanh vùng” khái niệm niềm tin ở đây. Nó không phải là niềm tin tôn giáo – có ý nghĩa tuyệt đối, không cần cơ sở - mà là niềm tin trong cuộc sống, luôn cần cơ sở để tin. Truyện ngụ ngôn về cậu bé chăn cừu kết luận thế này: Kẻ nói dối thì không được tin tưởng ngay cả khi nói thật.

 Nếu anh đã từng dối trá nhiều lần trong quá khứ để được coi là kẻ dối trá rồi, thì giờ dù anh nói thật vẫn không được tin tưởng. Người Việt có câu tương tự: Một lần thất tín, vạn lần mất tin. Vì vậy, đừng trách thiên hạ không tin tưởng mình, mà hãy hỏi tại sao mình không được tin.



Trận thua 2-4 của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia tại bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014 làm nảy sinh những nghi ngờ.Ảnh: V.S.I

Bóng đá Việt Nam có từng dối trá không? Chắc chắn chúng ta đều thống nhất câu trả lời cho câu hỏi này. Không chỉ là nghi ngờ, mà đã có kết luận chính thức ở cả cấp độ đội tuyển U23 gần một thập kỷ trước, và ở V-League mới mùa giải vừa qua.

Vậy thì, chúng ta phải hiểu là nghi ngờ này sẽ luôn tồn tại, và chỉ cần có một kết quả tiêu cực ngoài mong đợi – nhất là khi kỳ vọng trước đó đã dâng cao – tất yếu các đội bóng của chúng ta sẽ bị khán giả nghi ngờ. Hãy chung sống với điều đó, kiên nhẫn khắc phục nó bằng việc tái tạo niềm tin trong một thời gian dài để có thể nhận lại sự tin tưởng từ khán giả, thay vì trách móc họ.

Còn cá nhân anh có nghi ngờ về khả năng bán độ của đội tuyển trong trận đấu đó hay không?

- Bản thân tôi cũng từng tin tưởng cao độ vào chiến thắng của đội tuyển trong trận bán kết lượt về vì phân tích chuyên môn, nên thật dễ dàng để nghi ngờ việc bán độ để khỏa lấp nhận định sai hay hiểu biết còn hạn chế của mình. Cũng như các khán giả, tôi có quyền nghi ngờ khi bóng đá Việt Nam có truyền thống không đáng tin. Nhưng tôi là người đề cao lý trí, nên muốn phân tích sự nghi ngờ đó là có cơ sở lý trí hay không.

Cũng như khi điều tra tội phạm, người ta phải lần tìm dựa theo động cơ gây án. Nếu nghi ngờ bán độ, chúng ta phải phân tích “kèo”. Trận lượt về, Việt Nam ở kèo trên, chấp Malaysia 1 hòa đến 1 ¼. Kèo đó dựa vào kết quả và thế trận ở lượt đi, khi Việt Nam đá trên chân và thắng đối thủ ngay tại sân khách, và lần này còn thuận lợi hơn vì đá sân nhà. Tức là nếu trận đấu có kết quả hòa, kèo dưới đã thắng độ. Kèo “tài – xỉu” là 3, tức là nếu trận đấu có 4 bàn thắng, kèo “tài” đã thắng.

Nếu đội tuyển Việt Nam đủ mạnh để có tư cách bán độ, họ sẽ chọn cửa hòa, vừa đủ để bán độ thành công, vừa được thưởng vì vào trận chung kết, lại có cơ hội được thưởng nữa hoặc bán độ nữa, thế thì dại gì mà chọn thua để bị loại? Nếu lại “nằm” trong kèo “tài – xỉu” nữa, tỷ số hòa 2-2 là vẹn cả đôi đường, đâu cần phải thua nhiều và thua đậm như vậy?

Vả lại, không ai chơi dao mà lại thích cầm đằng lưỡi cả. Nếu đội tuyển đủ mạnh để bán độ, các cầu thủ sẽ chọn việc dẫn điểm 1 bàn và để gỡ hòa vào cuối trận, chứ chả dại gì mà để bị dẫn từ sớm, dẫn đến hoảng loạn và mất kiểm soát.

Đó là chưa kể so sánh thiệt hơn cho các cầu thủ. Họ đều là tuyển thủ quốc gia, “giá thị trường” bây giờ là 1 vài tỷ đồng tiền lót tay, lương, thưởng mỗi năm. Bán một trận liệu có nổi số ấy cho mỗi người? Trừ khi họ đang bị túng quẫn vì nợ nần, họ phải hứng chịu quá nhiều rủi ro khi được món lợi nhỏ mà nguy cơ mất món lợi lớn và lâu dài có thể tính được.

Vậy thì anh phải lý giải ra sao về chuyên môn cho trận thua đậm ấy, khi chính anh đánh giá rất cao đội tuyển ở những “chầu cà phê” gần đây?


- Tôi đánh giá cao về tổ chức và lối chơi, chứ không đánh giá cao các cá nhân, nhất là ở hàng thủ. Đội tuyển chơi gắn kết toàn tuyến, gây sức ép từ giữa sân, nhưng khi đối phương thực hiện thành công các đường chuyền dài bất ngờ, những điểm mạnh mà tôi đã ca ngợi họ sẽ trở nên vô dụng.



Công Vinh (9) và các đồng đội cần lấy lại niềm tin người hâm mộ


 Lúc đó chỉ còn là chất lượng, sự tập trung của tuyến cuối cùng: các hậu vệ và thủ môn. Đáng tiếc, tất cả đều có lỗi trong các pha bóng như vậy. Điều đó từng xảy ra ở trận đầu tiên, nhưng những trận tích cực sau đó khiến chúng ta quên dần điểm yếu đó, và cũng không nghĩ Malaysia có thể khai thác hiệu quả điểm yếu đó, qua những gì đã thể hiện ở lượt đi.

Nhưng lượt về là một Malaysia khác. Ba cầu thủ hay nhất của họ hiện nay được ra sân ở trận lượt về, sau khi vắng mặt ở trận lượt đi vì bị treo giò. Đó chính là những cầu thủ làm thay đổi cuộc chơi. Hai cầu thủ thực hiện các đường chuyền dài loại bỏ hàng thủ Việt Nam ở các bàn thắng thứ 2 và thứ 3 cho Malaysia đều không ra sân ở lượt đi.

 Indra Putra ở lượt đi chỉ vào sân ở cuối trận, trận lượt về đá chính đã tạo ra quả phạt đền mở tỷ số, và thực hiện cú căng ngang khiến Tiến Thành phản lưới nhà. Đội trưởng Shukor Adan bị treo giò ở lượt đi là người ghi bàn thứ 4. Đó là chưa kể yếu tố tâm lý: thua sớm thì hoảng loạn, hệ quả của việc quá tự tin trước đó, và áp lực từ sự kỳ vọng của khán giả nhà.

Chúng ta đã không đánh giá hết sức mạnh và khả năng ứng biến chiến thuật của Malaysia ở trận lượt về. Người ngoài cuộc thì nhận ra: HLV Kiatisak của đội tuyển Thái Lan sau trận bán kết lượt đi đã nói rằng Malaysia mạnh hơn Việt Nam.

Vấn đề là tình trạng mất niềm tin đã lên tới cấp lãnh đạo cao nhất của VFF. Đó phải chăng là đỉnh điểm của khủng hoảng niềm tin?


- Khi người đứng đầu cũng mất niềm tin thì đó đúng là đỉnh điểm của khủng hoảng. Nhưng còn một cuộc khủng hoảng khác về lãnh đạo và truyền thông, khi ông ta là người bày tỏ sự mất niềm tin đó trước công chúng, trong một tình huống còn nghi ngờ. Khi công chúng mất niềm tin vào đội tuyển, vai trò của người lãnh đạo là tìm cách giải tỏa trạng thái đó để khôi phục niềm tin, bằng cách đưa sự việc ra ánh sáng nếu có tiêu cực, nếu không thì hãy cố gắng chứng minh họ vô tội.

 Chứ không phải bằng cách hủy hoại nó thêm kiểu như đổ thêm dầu vào lửa. Bằng sự minh bạch hóa, bằng cách ứng xử đàng hoàng, niềm tin sẽ dần được khôi phục. Vì nếu đánh mất hoàn toàn niềm tin từ khán giả, bóng đá Việt Nam sẽ không có cơ hội nào để phát triển cả.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm