Đình Trọng, Văn Đức chấn thương: Cầu thủ phải biết cách bảo vệ bản thân!

20/06/2019 14:47 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 3 ngày trước, tiền vệ Phan Văn Đức đã ra Hà Nội để tiến hành chụp khám chấn thương. Các bác sĩ kết luận anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối và phải phẫu thuật. Mùa giải 2019 vì thế chính thức khép lại với cầu thủ của SLNA.

Đình Trọng, Văn Đức chấn thương do quá tải

Đình Trọng, Văn Đức chấn thương do quá tải

Theo nhận định của HLV Nguyễn Thành Vinh, những chấn thương nặng liên tiếp của một số tuyển thủ quốc gia như Đình Trọng, Văn Đức có thể đến từ hệ lụy do việc thi đấu quá tải.

Trước đó nữa, vào ngày 5/6, thông tin từ CLB Hà Nội cho biết trung vệ Trần Đình Trọng được xác định đứt bán phần dây chằng chéo trước, dập dây chằng bên mác. Chấn thương như thế khiến Đình Trọng phải nói lời chia tay V-League cũng như đội tuyển Việt Nam đến hết năm 2019.

Xa hơn, vào cuối mùa giải 2018, phía HAGL thông báo hậu vệ Vũ Văn Thanh bị đứt dây chằng chéo, với chấn thương này, Văn Thanh đã vắng mặt ở AFF Cup 2018.

VIDEO: Đình Trọng gặp chấn thương ở trận HAGL 0-0 Hà Nội FC.

Đó chỉ là vài trường hợp điển hình, trong số vô vàn các ca chấn thương mà cầu thủ gặp phải. Điều đáng chú ý, hầu hết đó là những chấn thương liên quan đến dây chằng.

Liên quan đến tình trạng này, Thể thao & Văn hóa đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này cùng bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, bác sĩ chuyên khoa y học thể thao của Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Ông Thuỷ cũng là một trong số những bác sĩ sát cánh cùng ĐTQG và U23 thời gian qua.

“Bản thân tôi từng gắn bó với ĐTQG và U23 Việt Nam, đã tận mắt chứng kiến không ít ca chấn thương theo các mức độ khác nhau. Việc VĐV gặp phải chấn thương trong các giải đấu thể thao là hết sức bình thường.

Còn với bộ môn có tính đối kháng đối trực tiếp, va chạm giữa cầu thủ với nhau, va đập với mặt sân nhiều như bóng đá, thì rõ ràng mức độ chấn thương sẽ ở tỉ lệ cao hơn. Các cầu thủ trên sân luôn luôn phải hoạt động thể lực với cường độ cao và thời gian kéo dài.

Ngoài ra, sau khi trở về các CLB, tham gia các giải đấu trong nước, nếu chủ quan và không có kiến thức phòng tránh thì họ cũng rất dễ bị chấn thương hay gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe”.

“Nguyên nhân dẫn đến chấn thương thì rất nhiều. Đầu tiên là cơ địa và thể trạng của chính cầu thủ. Sau đó là tình trạng hoạt động quá tải, dẫn đến cơ thể vượt quá cái ngưỡng chịu đựng của cơ thể.

Thêm một yếu tố tác động nữa, đó là tình trạng sân thi đấu không đáp ứng yêu cầu. Ngay cả chính anh em cầu thủ chưa biết cách tự trang bị về các điều kiện cơ bản nhất trong lúc thi đấu, như giày tất, các loại phụ kiện hỗ trợ, băng bó cho đôi chân”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy đưa ra phân tích.

"Chúng ta hãy nhìn vào các trường hợp cụ thể gần đây, sẽ thấy rõ điều này. Từ Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức đến Trần Đình Trọng chẳng hạn. Trước khi gặp phải chấn thương, họ gần như đều trải qua một giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc và kéo dài. Điều dễ nhận ra là các cầu thủ thường bị vắt kiệt sức, rất mệt mỏi khi trở về CLB cho nên khi vào sân thi đấu trở lại, dễ bị rủi ro gặp chấn thương.

Cơ thể con người luôn đạt đến mức vận động nào đấy sẽ có điểm giới hạn. Khi đó, mọi sự vượt ngưỡng đều có thể dẫn đến rủi ro rất cao. Lúc đó chân tay, cơ đùi, đầu gối đều đã rã ra, mệt nhừ, không có những va chạm mạnh, cũng sẽ bị chấn thương.

Nếu chúng ta cùng xem lại tình huống Trần Đình Trọng gập người xuống trong trận đấu giữa HAGL và Hà Nội, sẽ thấy rất rõ điều này. Đó là pha bóng mà Đình Trọng không tranh chấp tay đôi quá mạnh, không va chạm trực tiếp vào cầu thủ khác trên sân.

Lúc đó, có thể cơ thể và thể lực của cầu thủ này đã ở mức độ giới hạn, quá ngưỡng chịu đựng, chỉ cần sai động tác một chút, lập tức phải trả giá ngay.

Ngoài ra, cũng có trường hợp cầu thủ khi chưa khỏi hoàn toàn chấn thương, vẫn ra sân thi đấu. Đây cũng là tình trạng nguy hiểm. Khi ra sân thi đấu như thế, không chỉ chấn thương cũ chưa dứt điểm mà còn dẫn đến chấn thương mới nghiêm trọng hơn.

Chính từ những trường hợp như thế, để thấy rằng đội ngũ bác sĩ ở các CLB cần nắm rõ về mức độ hồi phục của cầu thủ để giảm thiểu chuyện này. Ngay cả bản thân các cầu thủ cũng phải hiểu được thể trạng, thể lực của mình, chứ không thể vội vàng thi đấu trong những tình huống như vậy".

Từ những kinh nghiệm của mình ở lĩnh vực y học thể thao, đồng thời cũng là người phụ trách y tế cho các đội tuyển thời gian qua, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy đã có chia sẻ đầy tâm huyết, nhắn gửi đến các cầu thủ: “Các bạn phải luôn luôn tập trung và có ý thức bảo vệ cơ thể. Thường xuyên bổ sung năng lượng, nước điện giải, vitamin và khoáng chất.

Khởi động thật kỹ, tăng dần về cường độ, tần số và độ khó dựa trên cơ sở của giáo án. Không nên quá gắng sức khi bị quá tải. Phải điều trị thật tốt, dứt điểm hẳn chấn thương cũ trước khi trở lại thi đấu.

Dụng cụ, trang phục tập luyện và thi đấu, dụng cụ bảo vệ lúc thi đấu phải đảm bảo tốt nhất. Việc kéo giãn, căng cơ, thả lỏng, hồi phục cũng vô cùng quan trọng, cho nên các cầu thủ cần lưu ý, không bỏ qua khâu này.

Nói tóm lại, chấn thương trong lúc thi đấu bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau, như tôi đã phân tích. Các trường hợp cụ thể mà tôi nêu trên đây cũng đều nằm trong dạng đấy. Cơ bản vì cơ địa, thể trạng của cầu thủ chúng ta.

Bên cạnh đó là sự quá tải, quá ngưỡng chịu đựng. Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất những chấn thương như thế, các cầu thủ phải biết cách tự bảo vệ bản thân.

Đó là tập luyện thể lực thật tốt, đảm bảo các điều kiện thi đấu. Quan trọng hơn hết, là biết mức độ và giới hạn của mình đến mức nào, để biết cách căn chỉnh phù hợp nhất”.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm