Bóng đá Việt Nam: Đào tạo trẻ, nói dễ nhưng làm mới khó

19/12/2012 14:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Phải khởi điểm là bóng đá phong trào, bóng đá học đường, là đào tạo trẻ…, mới hy vọng vực dậy được nền bóng đá có căn cơ. Tất nhiên sẽ phải vạch ra được lộ trình khoa học”, chuyên gia - giảng viên Đại học TDTT II, cựu HLV các CLB TĐCS.ĐT và B.BD, Đoàn Minh Xương, từng không ít lần phát biểu như thế.

Cũng như ông thầy họ Đoàn, với cả một bụng về chuyên môn bóng đá, khả năng hùng biện, nhiều người cho rằng bóng đá Việt Nam cấp CLB nên nhìn vào HA.GL mà học tập. “Họ xây dựng cả học viện bóng đá, hợp tác đào tạo với CLB lừng danh Arsenal và hiện đang chờ ngày hái những quả ngọt đầu tiên”.



Mô hình đào tạo trẻ của HA.GL vẫn còn đang rất hiếm. Ảnh: HAGL FC

Kể từ khi bắt tay vào làm bóng đá, bầu Đức luôn có những đột phá và việc cho ra đời Học viện là một trong những bước đi như thế.

Theo đó, sau khi xuất xưởng lứa đầu tiên, dựa trên tính hiệu quả về kinh tế (bán, chuyển nhượng cầu thủ), bầu Đức mới quyết làm tiếp hay nghỉ.

Ông chủ Tập đoàn HA.GL luôn nói là làm (chứ không chơi) bóng đá và ông bắt bóng đá phải sinh lời, tự nuôi sống cơ thể của nó. Người ta không bất ngờ, bởi bài toán kinh tế là điều đầu tiên phải tính tới. Như vậy, nếu HA.GL Arsenal JMG không bán được cầu thủ, ai dám chắc bầu Đức không đóng cửa Học viện?

Hiện, nhiều CLB Việt Nam quyết định xóa sổ đội 1 (ở V-League hoặc hạng Nhất) nhưng chỉ giữ tuyến đào tạo trẻ, ví như CLB BĐ Hà Nội chẳng hạn. Nghe có vẻ rất lạc quan, nhưng trên thực tế không hẳn vậy, bởi tất cả đều biết chỉ có tuyến trẻ mới được địa phương hoặc cơ quan chủ quản hỗ trợ đào tạo.

Nếu nhìn vào PVF (Quỹ đầu tư phát triển bóng đá Việt Nam, với đại bản doanh đang thuê tại Trung tâm Thành Long - PV), vẻ như rất khả quan khi các đội U13, rồi U15 của họ lần lượt đoạt các thứ hạng cao ở giải đấu cấp quốc gia, nhưng phải sòng phẳng rằng, họ đang loay hoay tìm đầu ra ở thì tương lai.

Nói tóm lại, vẫn là bài toán kinh tế và nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Đó là chưa kể niềm tin vào bóng đá Việt Nam đã và đang mai một đáng kể trong một bộ phận dư luận. Ai dám cho con em mình ăn tập bóng đá, khi tỷ lệ thất nghiệp của giới quần đùi áo số lên đến mức báo động. Nền bóng đá đến cơn bĩ cực là lỗi tại ai?!

Hỏi mà như trả lời! Một khi đã bế tắc ngay từ khâu đặt nền móng, vậy còn có thể kỳ vọng gì?

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm