50 tỷ tiền bản quyền truyền hình có phải nhiều?

09/08/2012 10:46 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- Phát biểu tại buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa VPF và J-League vào ngày 7/8/2012 vừa qua, ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF kiêm TGĐ VPF, cho biết tổng thu của VPF từ các giải bóng đá chuyên nghiệp trong mùa bóng 2012 là 93,2 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ là tiền bản quyền truyền hình, 43,2 tỷ là tiền tài trợ. Cũng theo ông Viễn, số tiền bản quyền truyền hình mà VPF thu được vào mùa bóng năm sau dự kiến sẽ còn lớn hơn nhiều so với con số 50 tỷ hiện tại.

Ông Viễn tiết lộ thêm, tiền bản quyền truyền hình sẽ do các nhà bảo trợ của bóng đá VN chi trả, và sau khi mùa bóng năm nay kết thúc, HĐQT VPF sẽ họp với đại diện các CLB để bàn bạc cách thức phân chia số tiền bản quyền truyền hình này sao cho hợp lý nhất. Về lý thuyết mà nói, so với khoản tiền bản quyền truyền hình trị giá 6 tỷ/mùa mà AVG đã trả cho VFF theo nội dung của bản hợp đồng có thời hạn 20 năm (nhưng mới đây đã được VFF và AVG thanh lý), con số 50 tỷ (và có thể còn hơn thế nữa) thực sự rất lớn, và đặt trong bối cảnh tình trạng tài chính của các đội bóng đều đang èo uột như hiện tại thì khoản tiền 50 tỷ này có ý nghĩa vô cùng lớn lao.

Tuy nhiên, mừng thì mừng vậy, nhưng vẫn cần đặt câu hỏi rằng, phải chăng bản quyền truyền hình bóng đá VN thực sự có giá tới 50 tỷ đồng/mùa hoặc thậm chí còn hơn nữa, hay về bản chất đây chỉ là cách những Mạnh Thường Quân dùng tiền đổi lấy quảng cáo trên sóng truyền hình? Một giải đấu để xảy ra tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” suốt mấy mùa nay mà không giải quyết được, và bây giờ khi sắp xuất hiện nguy cơ “một ông chủ 3 đội bóng” mà vẫn chưa có cách xử lý triệt để và kiên quyết, đấy còn chưa kể hàng loạt vấn đề nổi cộm khác như bạo lực sân cỏ, bạo lực khán đài, nỗi ám ảnh về tệ nạn dàn xếp tỷ số, móc ngoặc, còi méo của trọng tài…, thế mà lại bán được bản quyền truyền hình với giá cao như vậy thì cũng thật ngạc nhiên và khó hiểu.



HN T&T- SHB.ĐN, "hai đội bóng có một ông chủ". Ảnh: V.S.I

Nên nhớ rằng một giải VĐQG được xem là hàng đầu châu Á như J-League của Nhật Bản hiện nay thì trong tổng thu 154,7 triệu USD của họ ở mùa giải 2010, tiền bản quyền truyền hình cũng “chỉ” chiếm chưa đầy 50% là 60,6 triệu USD, trong khi tiền tài trợ là 56,6 triệu USD, kinh doanh các thương phẩm là 7,4 triệu USD… Thế mà ở V-League, nguồn thu từ tiền bản quyền truyền hình lại áp đảo so với tiền tài trợ, như vậy chẳng phải J-League phải xách dép theo học V-League về khả năng kiếm tiền từ bản quyền truyền hình hay sao?!

Chỉ riêng việc ông Viễn thừa nhận tiền bản quyền truyền hình V-League sẽ được lấy từ các nhà bảo trợ của bóng đá VN là đủ hiểu thực chất cũng như nguồn gốc của khoản tiền 50 tỷ vừa nêu kể trên, và nó tiếp tục cho thấy sự tồn tại dai dẳng một xu hướng đã trở thành quy luật bất thành văn của bóng đá VN. Đấy là bóng đá VN tuy mang danh chuyên nghiệp, nhưng không khác thời kỳ bao cấp ngày xưa bao nhiêu, khi vẫn hoàn toàn không có khả năng tự kiếm tiền mà vẫn phải trông chờ vào “lòng hảo tâm” của các nhà Mạnh Thường Quân.

Mà người ta vẫn bảo: “Miệng ăn núi lở”, chẳng ai thừa tiền để ném qua cửa sổ mãi được và khi không nhận được lợi ích như mong muốn từ số tiền đã bỏ ra thì chắc chắn người ta sẽ phải cân nhắc lại các kênh đầu tư. Bóng đá Nam Định là một dẫn chứng tiêu biểu như thế, khi trong quá khứ không xa, có nhiều thời điểm đội bóng Nam Định được gắn tên với những doanh nghiệp rất “khủng”, nhưng thực ra lại không phải vì bóng đá Nam Định có sức hấp dẫn quá lớn, mà đấy là nỗ lực gắn kết của những doanh nhân thành đạt có cái tình với bóng đá quê hương.

Thế nhưng, khi sự hảo tâm kể trên không còn tồn tại, bóng đá Nam Định cũng ngay lập tức nếm trải hậu quả vì không còn nguồn tài chính nào lớn để bấu víu, và bây giờ từ V-League đã trượt xuống tận giải hạng Nhì. Trường hợp như Nam Định không phải là đầu tiên ở V-League và chắc chắn cũng sẽ không phải là cuối cùng.

Chỉ khi nào bóng đá VN tự đứng được bằng đôi chân của chính mình chứ không phải nhờ hứng thú, sở thích hay lòng hảo tâm của các nhà Mạnh Thường Quân thì lúc ấy chúng ta mới có căn cơ thực sự, còn bây giờ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, bất cứ CLB nào cũng có nguy cơ trở thành một Nam Định thứ 2, thứ 3…

Bóng đá châu Âu đã có lịch sử hàng trăm năm phát triển và tất cả các đội bóng đều từng có khả năng tự nuôi sống bản thân nhờ khả năng tự doanh, nhờ tiền tài trợ, nhờ tiền bản quyền truyền hình, thế mà suy thoái kinh tế kéo dài ở châu lục này đã khiến nhiều CLB không kiếm nổi nhà tài trợ trên áo, hoặc nợ lương cầu thủ và tệ hơn nữa là phá sản. Vậy điều gì sẽ xảy ra với bóng đá VN nếu một ngày nào đó các ông bầu và các nhà Mạnh Thường Quân lần lượt hoặc đồng loạt rút lui, khi khả năng tự doanh, tự xoay sở để tồn tại của các CLB VN gần như đều bằng không?

Vậy nên khoản tiền 50 tỷ nói trên thoạt nghe có vẻ nhiều, có vẻ lớn, nhưng nếu nhìn tổng thể cho tương lai của cả nền bóng đá thì đấy lại chẳng phải dấu hiệu tích cực, vì nó lại cho thấy bóng đá VN ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào túi tiền của các doanh nghiệp, bắt đầu là từ các CLB và bây giờ là cả nền bóng đá.

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm