VPF sẽ chịu sự quản lý của VFF: Cách mạng chưa triệt để

11/10/2011 11:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Nói như Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF ngày hôm qua, thì việc thành lập VPF có thể coi như là hình thức xã hội hóa bước 2, đặt trong điều kiện bóng đá VN vẫn đang trong giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp. Công ty bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Football-VPF), khi ra đời sẽ vẫn chịu sự quản lý, giám sát của VFF với tư cách một thành viên.

Đây là kết quả buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, người được VFF chỉ định trực tiếp đứng ra làm việc với các CLB về đề án thành lập VPF, với Chủ tịch HN.ACB Nguyễn Đức Kiên, đại diện các CLB. Theo tinh thần cuộc làm việc trên thì VPF sau khi được thành lập sẽ là thành viên của VFF, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL, quản lý giám sát về chuyên môn của VFF.

Nếu so với yêu cầu đặt ra ban đầu của những người xây dựng đề án, là VFF sẽ tham gia VPF như một thành viên với phần vốn góp 35,5% để giành quyền phủ quyết, thì vai trò của VFF đối với VPF rõ ràng đã khác. Thay vì giữ tư cách thành viên, VFF sẽ có quyền quản lý, giám sát các hoạt động của VPF.


Theo ông Phạm Ngọc Viễn, việc thành lập VPF với chủ trương VPF là thành viên chịu sự quản lý của VFF, có thể coi như xã hội hóa bước 2

Giải thích về điều này, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Thứ nhất là thực ra ở các nước, BTC giải cũng chịu sự quản lý của LĐBĐ, đại diện cho LĐBĐ trước quốc tế để tổ chức, điều hành các giải đấu. Hai là ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận thực tế, đây là giai đoạn quá độ nên mọi thứ cần được tiến hành theo lộ trình.

Mọi cái phải từ từ chứ đòi hỏi thay đổi ngay một lúc thì không thể được. Tôi ví dụ thế này. Ở Nhật Bản, Chính phủ chịu mọi chi phí cho công tác đào tạo trẻ, các ĐTQG… thay LĐBĐ, vì mục tiêu của người ta là đưa bóng đá vươn xa. Các khoản này rất tốn kém. Điều kiện kinh tế của họ cũng cho phép làm như thế.

Nhưng mình thì khác, Nhà nước đâu có bao cấp toàn bộ cho VFF được. Năm ngoái chỉ riêng tiền cho các ĐT trẻ đi thi đấu quốc tế, VFF đã tốn 10 tỷ đồng. Mà đây chỉ là khoản tối thiểu chứ chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu. Thế thì tiền ấy lấy ở đâu ra?

VFF buộc phải chờ vào các giải đấu, tiền đóng góp của các CLB. Báo chí cứ hay nói VFF kiếm được chừng này, chừng kia, nhưng có phải tiền ấy “đút túi” VFF được đâu? Nếu không có thì tiền đâu hoạt động? Đây là thông lệ quốc tế, khi anh tham gia vào giải đấu, không chỉ bóng đá hay các môn khác cũng thế, thì phải đóng góp phí phục vụ cho công tác tổ chức, điều hành. Việc ban đầu đưa ra mức cổ phần 35,5% vốn góp chỉ là để VFF có tiếng nói pháp lý ở VPF, khi có vấn đề nảy sinh”.

Theo Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, việc thành lập VPF với chủ trương như trên (là thành viên chịu sự quản lý của VFF), có thể coi như xã hội hóa bước 2, đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang lên chuyên nghiệp. “Trong tương lai, VPF đương nhiên sẽ còn những thay đổi. Trong lộ trình lên chuyên nghiệp, theo yêu cầu của AFC thì đến năm 2013, chúng ta cũng phải có BTC giải như trên. Cụ thể như thế nào thì phụ thuộc vào điều kiện thực tế”.

Trước vấn đề TT&VH đặt ra, là với việc xác định VPF như một thành viên chịu sự quản lý của VFF, thì đâu là điểm khác biệt so với BTC giải của VFF trước kia, theo Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, “trước kia hoạt động tổ chức điều hành giải đấu chịu sự quản lý một phía từ VFF. Nhưng nay khi tham gia vào VPF, các CLB đã xác định được cái “danh” của mình. Các hoạt động trên sẽ chịu sự giám sát, cả chuyên môn, tài chính… và các vấn đề khác.

Đây sẽ là cơ sở để giải quyết các sự cố nảy sinh của giải đấu, như tài chính, kỷ luật… Tôi ví dụ, ở ta vẫn có chuyện HLV hay CLB phản ứng BTC giải. Với các nước khác, người ta phạt rất nặng. HLV Ferguson danh tiếng là vậy, nhưng phản ứng trọng tài là bị phạt cấm chỉ đạo vài trận liền. Mình thì không làm được. Giờ thì sẽ khác. Xã hội hóa rồi, cứ luật mà áp dụng, ai cũng phải tuân thủ”.

Theo kế hoạch, sau khi thống nhất chủ trương, thủ tục thành lập và được Bộ VH-TT&DL thông qua, đề án thành lập VPF sẽ được đưa ra đại hội VFF. Dự kiến tháng 12-1011, VPF sẽ được thành lập. Đối với các vấn đề khác, như cơ cấu tổ chức, các chức danh Tổng Giám đốc hay GĐĐH của VPF, theo ông Viễn, sẽ được bàn bạc cụ thể, xác định sau khi tiến hành xong xuôi việc thành lập VPF.

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Lê Khánh Hải vừa qua, VFF cũng nhận được chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL là cần cầm trịch và giữ chủ động trong quá trình xây dựng đề án thành lập VPF.

Vĩnh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm