VPF chỉ là 'đầy tớ' của các CLB

01/10/2015 05:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 63,3% cổ phần của VPF thuộc về các CLB, và vì thế, chính các CLB mới là những ông chủ của VPF và cả giải đấu V-League.

1. Những tồn tại của một giải đấu sẽ vẫn ở đó và thậm chí vẫn còn xuất hiện, nếu nhà tổ chức và người chơi không thừa nhận những thiếu sót để sửa chữa. Như vậy, làm gì có sự khả quan nào về các giải đấu như cam kết cũng như kỳ vọng của ban tổ chức (BTC) và bóng đá Việt Nam sẽ còn phải chịu nhiều đau thương.

Tất nhiên, chỉ với nỗ lực của nhà tổ chức giải đấu là không đủ, bởi sự phát triển đồng bộ cần sự chung tay của nhiều người, nhiều bộ phận. Nhưng, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu, để làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn?

Thứ nhất, cần sòng phẳng với nhau rằng, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia là sân chơi của các CLB, do chính họ tạo ra và bộ phận điều hành giải là những người được chỉ định tín nhiệm, hoặc được bầu.

VPF là Cty Cổ phần, với hơn 63,3% cổ phần thuộc về CLB, có nhiệm vụ tìm và duy trì nguồn thu, trả lương cho bộ phận điều hành này. Các ông trưởng, phó giải đấu hay các phòng ban thực tế là những người làm thuê.

Việc tìm người tài, có uy tín và năng lực điều hành là khâu đầu tiên quan trọng. Và nếu người nào không làm được việc thì tốt nhất là nên cho nghỉ để thay thế bằng nhân sự khác tốt hơn. Chúng ta từng hơn một lần thuê trưởng giải là người Nhật Bản, nhưng tình hình không khả quan hơn.

Nếu trưởng giải người Nhật không được việc, thì có thể chuyển hướng sang trưởng giải châu Âu, mời họ về xây dựng lại hệ thống các giải đấu và thậm chí nhờ họ vận hành cho luôn, có gì phải xấu hổ nhỉ?!

Trong một chia sẻ với chúng tôi cách đây vài tháng, ông Hoàng Mạnh Trường của V.Ninh Bình, cũng từng là một ông bầu đầy đam mê, kể rằng, khi doanh nghiệp của ông có tham vọng xâm nhập vào những thị trường khó nhằn như Australia và Âu châu, ông đã cử các kỹ sư giỏi nhất sang nước họ để học hỏi trong nhiều năm về công nghệ sản xuất ngành xi măng. Nhưng ông Trường cũng không vội dùng ngay những kỹ sư đó.

Bước kế tiếp, ông chủ trẻ tuổi đất Ninh Bình này mời và trả lương cho ngay các kỹ sư lành nghề của Australia, để họ qua vận hành hộ quy trình sản xuất, đến khi nào chất lượng đạt chuẩn thị trường, ông mới xuất đi với giá rẻ hơn 0,5 đồng so với xi măng nội địa Australia hay các nước Âu châu.

2. Tất nhiên, đòi hỏi sự đầu tư lớn và cả tính kiên nhẫn luôn là xa xỉ với bóng đá Việt Nam. Vấn đề thứ 2 cũng là tiếp nối những phát triển ở phần 1, rằng khi đã xác định CLB là chủ thể của cuộc chơi, thì phải cải cách những tồn tại từ phần gốc, tức đội bóng. Chất lượng sân bãi, mặt cỏ hay cái phòng thay đồ, nhà vệ sinh chỉ là bề nổi, liên quan đến cơ sở hạ tầng có thể cải thiện được, cốt lõi vẫn là cấu trúc đội bóng, là tư tưởng.

Phải khuyến khích và nếu cần khuyến cáo luôn, các CLB phải tuân thủ luật lệ của cuộc chơi, cầu thủ tôn trọng trọng tài và lãnh đạo đội bóng cũng không thể thừa cơ hội mà lăng mạ người khác trước đám đông, dễ làm mất hình ảnh, cũng như các giá trị thương mại kèm theo. Tóm lại, phải giáo dục lại để tránh những mầm mống phát sinh, như việc bỏ giải, thích thì chơi không thích thì nghỉ, khiến BTC giải đấu phải thỏa hiệp, năn nỉ.

Sự công tâm và minh bạch là kim chỉ nam. BTC các giải đấu cũng cần quan tâm, chăm sóc quyền lợi của CLB nhiều hơn, chứ không chỉ biết mỗi việc làm vừa lòng nhà tài trợ chính bằng những bữa tiệc hoành tráng nhưng không phải lúc nào cũng thực chất.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm