V-League lên 'lão' tuổi 20

17/07/2020 10:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 20 năm trước, lão tướng Nguyễn Văn Dũng vẫn giành danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG (tương đương với V-League lúc này) ở tuổi 36. Cùng với đẳng cấp thượng thừa của một trung phong kiểu mẫu, chơi thông minh và quái kiệt, “ông già gân” này được triệu tập lên ĐTQG đá Tiger Cup 1998 (tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup sau này). Và vẻ như câu chuyện thần tiên của Dũng “già” đang được vẽ lại trên bản đồ V-League?!

Lịch thi đấu V-League 2020 vòng 10: Hà Tĩnh đấu TPHCM. HAGL gặp Quảng Nam

Lịch thi đấu V-League 2020 vòng 10: Hà Tĩnh đấu TPHCM. HAGL gặp Quảng Nam

Lịch thi đấu V-League 2020. Lịch thi đấu V-League vòng 10. Lịch thi đấu bóng đá Việt Nam. Bảng xếp hạng V-League 2020. BXH bóng đá Việt Nam. BXH V-League 2020 vòng 10.

Đâu ư? Đây - Tấn Trường ở tuổi 34, vẫn có được bản hợp đồng với đội bóng đang là ĐKVĐ V-League và Cúp quốc gia, CLB Hà Nội. Mới nhất là trường hợp Anh Đức (35 tuổi) cập bến HAGL. Tất nhiên, chúng ta phải kể đến cả Lê Tấn Tài (36 tuổi) tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Đỗ Merlo (37 tuổi) tại DNH Nam Định…

Từ Anh Đức đến Vũ Tiến Thành…

Có 15 năm chơi bóng ở giải đấu cao nhất dải đất hình chữ S, Nguyễn Anh Đức dù bị đánh giá là "củi", là "chân gỗ", thì anh vẫn ghi trung bình trên dưới 10 bàn thắng/mùa, trong màu áo B.Bình Dương vắt qua nhiều gia đoạn luôn thừa mứa ngôi sao. Tiền đạo thở bằng bàn thắng và Anh Đức không chỉ chứng minh vai trò của mình tại đội bóng đất Thủ, trong màu áo ĐTQG, Đức “Eto’o” như hoa nở muộn và được xem như người hùng tại AFF Suzuki Cup 2018.

Sau những vinh quang, bao gồm cả Quả bóng Vàng Việt Nam 2016, Nguyễn Anh Đức tưởng như đã toan về già, vui thú điền viên, thì bất ngờ anh nhận được đề nghị của HAGL, để trục vớt con tàu vốn đang chòng chành. Rõ ràng, Anh Đức vẫn còn ý thức được giá trị ở tầm tuổi này, thì nó càng là cơ sở để khẳng định đẳng cấp chơi bóng của tiền đạo này từ hơn 15 năm qua.

Khác với Anh Đức, Vũ Tiến Thành là một người được đào tạo khá bài bản ở Trường Đại học TDTT Trung ương II (Trường Đại học Thể thao Thủ Đức bây giờ). Ông còn nhiều lần được cắt cử đi tu nghiệp ở nước ngoài và về cơ bản, là một người thông minh, với vốn liếng về ngoại ngữ cũng như các kiến thức bóng đá rất khá. Năm 2005, Vũ Tiến Thành đã có hẳn một căn biệt thự khang trang ở Thủ Đức, khi chúng tôi theo chân cơ quan điều tra đến khám xét, đọc lệnh bắt giam ông.

Nếu chúng ta để ý những phát biểu gần đây của Vũ Tiến Thành, với vai trò Chủ tịch kiêm HLV trưởng Sài Gòn FC, thoạt nghe rất sốc, nhưng ngẫm kỹ thì rất có lý. Có một nét gì đó khá tương đồng giữa Vũ Tiến Thành và Jose Mourinho, khi các ông đều khởi nghiệp với vai trò trợ lý ngôn ngữ. Khả năng lập ngôn tuyệt vời. Và nếu có khác biệt, thì chính là “người đặc biệt” chưa từng vướng lao lý. Được trở lại bóng đá, nói Vũ Tiến Thành như cá gặp nước nghĩa là như vậy.

Anh Đức, ngoài đam mê bóng đá và có lẽ anh sẽ gắn với nghiệp HLV về sau này, thì còn sở thích kinh doanh, với khá nhiều các hệ thống cửa hàng thể thao, nông sản… Đây là khoảng thời gian tu nghiệp cần thiết, mà bất cứ một cầu thủ cựu trào nào cũng sẽ trải qua, trước khi đứng chính danh ở CLB. Còn Vũ Tiến Thành vốn dĩ đã trải qua đủ thăng trầm, với một bụng kinh văn – kiến thức, không phải bây giờ thì còn đợi đến bao giờ!

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, V League, lịch thi đấu vòng 10 V League, HAGL, Anh Đức, Tấn Trường, Hà Nội FC, BXH V League
Kinh nghiệm của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành và tiền đạo lão tướng Anh Đức vẫn rất có giá tại V-League

Và V-League là nơi để dưỡng già?!

Nhắc lại chuyện Anh Đức và bản hợp đồng thời vụ với HAGL. Đây không phải là một bản hợp đồng thương mại, chắc chắn rồi, vì tiền là thứ mà có thể bầu Đức đang túng, nhưng Anh Đức lại đang khá dư dả. Sự kỳ vọng vào những đóng góp của Anh Đức ở giai đoạn 2 mùa giải 2020, nếu HAGL chỉ nhắm đến một vị trí trụ hạng, vì thế cũng không lớn lắm, khi Hàm Rồng đã có sẵn Chevaugh Walsh và Văn Toàn, chơi khá ăn ý. Thế thì tại sao?

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức chia sẻ rằng, đội bóng của ông cần 1-2 cầu thủ giàu kinh nghiệm và có đẳng cấp. Thế cũng có nghĩa rằng, cuối cùng bầu Đức đã thừa nhận sai lầm, sau năm 2015 đã đẩy đi tất cả những công thần của đội bóng phố núi, để chào đón thế hệ của Công Phượng! Bản thân Phượng lúc này đang được cho CLB TP.HCM mượn và chơi rất thăng hoa, nhưng bầu Đức không lấy về, bởi Công Phượng ra tiền, còn Anh Đức thì gần như… miễn phí.

Một đội bóng luôn cần một số những cầu thủ dầy dạn kinh nghiệm dẫn lối. Ví như sự có mặt của Anh Đức tại Hàm Rồng, hay Tấn Tài ở Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vậy. Tại CLB Hà Nội là Thành Lương và Văn Quyết, sau này thêm Tấn Trường… Đó là điều mà bất cứ một người làm chuyên môn nào cũng ý thức được, trừ các ông chủ, chính xác là từ bầu Đức, khi ông đã từng không nghĩ thế. Cho đến khi Anh Đức gật đầu, bầu Đức mới lại nói khác đi.

Mà chuyện ông bầu Đoàn Nguyên Đức nay nói này, mai nói khác, cũng là chuyện bình thường và quen rồi. Từ hơn một thập niên qua, người ta chỉ nghe được rất ít những chia sẻ của các HLV hay GĐKT CLB HAGL, mà thuần chỉ là những phát ngôn của bầu Đức và thuộc cấp, ngay cả chuyện mua cầu thủ này, bán cầu thủ kia. Mua đi bán lại, tất tả ngược xuôi và thứ cuối cùng quan trọng là thành tích, thì nó lại là một món hàng quá xa xỉ với Hàm Rồng, từ 15 năm qua.

HAGL hay Hà Nội, Viettel là những phân xưởng đào tạo cỡ lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ chưa và không bao giờ, họ có thể so sánh được với SLNA. Xứ Nghệ chưa từng phải mua vào, ngoại trừ trường hợp cá biệt như Võ Văn Hạnh năm 2001, thời điểm mà thủ môn Nguyễn Đức Thắng, HLV trưởng SLNA lúc này, chưa thể cáng đáng công việc trong khung gỗ, còn lứa Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Hồng Sơn còn non và được cho Hà Nội ACB mượn.

Trở lại với câu chuyện của HAGL, CLB Hà Nội và Viettel. Rõ ràng chân rết đào tạo của họ có sâu và rộng đến đâu, thì vẫn cứ phải mua vào, không chỉ với đội ngũ cầu thủ ngoại. Không việc gì phải xấu hổ hay cảm thấy mất mặt cả, bởi bóng đá chuyên nghiệp là thế. Việc tham gia tích cực trên thị trường chuyển nhượng, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các CLB và sau đó là phát triển giải đấu. Mạnh cỡ Barcelona hay Real Madrid vẫn còn mua nữa là Hà Nội hay HAGL.

Viettel đang tràn ngập các cầu thủ xứ Nghệ và họ đều là những hạt nhân. Tất nhiên, các bản hợp đồng với Hải Quế, Trọng Hoàng, Nguyên Mạnh hay Hồ Khắc Ngọc…, không giống với các trường hợp của Anh Đức hay Tấn Trường. Từ niềm tự hào về đào tạo trẻ, với thành công đặc biệt của bóng đá trẻ trong khoảng 3-4 năm qua, cơ sở để VFF định hướng nhà tổ chức bóp lại các suất đăng ký ngoại binh/CLB, giờ V-League lại đang "lão hóa" khi mới vắt qua tuổi 20.

Và đó sẽ là một câu chuyện rất buồn!

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm