U19 Việt Nam 2015 khác U19 Việt Nam 2013 là lẽ thường

27/08/2015 11:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Màn ra mắt của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trước U19 Timor Leste đã cho thấy có nhiều sự khác biệt giữa U19 Việt Nam năm 2015 và U19 Việt Nam 2 năm về trước.

Sau 90 phút tranh tài với đối thủ được đánh giá yếu hơn là U19 Timor Leste, U19 Việt Nam nhận được những ý kiến chê nhiều hơn khen của dư luận. Đại loại như: U19 Việt Nam đá gì mà rối rắm, phối hợp không sắc nét, xem chán hơn U19 lứa Công Phượng rất nhiều…

Đa dạng nguồn cầu thủ

Công bằng mà nói, lối đá mà HLV Hoàng Anh Tuấn xây dựng cho U19 Việt Nam năm nay không hoa mỹ, không tạo cảm giác sướng mắt cho khán giả. Điều này với dân chuyên môn rất dễ lý giải bởi triết lý bóng đá của HLV Hoàng Anh Tuấn là đề cao tính hiệu quả thay vì xây dựng một lối đá đẹp, thiên về cống hiến.

Thực tế, nếu ông Tuấn có muốn xây dựng U19 Việt Nam hiện nay đá đẹp, đá nhuyễn và cống hiến cũng rất khó khăn bởi các tuyển thủ đến từ 5, 7 lò đào tạo. Trong khi đó, U19 Việt Nam của 2 năm về trước có nòng cốt là lứa cầu thủ HAGL được đào tạo và chơi bóng cùng nhau 7 năm nên họ quá hiểu nhau.

Với HLV trưởng của ĐTQG, việc xây dựng lối chơi mang tính bản sắc cho đội bóng dễ dàng hơn nhiều so với một HLV của đội U. Lý do là bởi ĐTQG gồm các cầu thủ đã có nhiều kinh nghiệm trận mạc nên họ rất dễ thích nghi, còn các cầu thủ U19 đang trong giai đoạn phát triển kỹ năng chơi bóng nên việc tập hợp họ là một vấn đề.

Sự khác biệt nữa có thể nhận ra giữa 2 ĐT U19 Việt Nam là nền tảng thể hình. Cựu HLV trưởng ĐTQG Hoàng Văn Phúc nhận xét: “Các em U19 Việt Nam hiện nay có nền tảng thể hình tốt hơn lứa Công Phượng của 2 năm về trước. Đây có thể xem là một ưu điểm”.

Rõ ràng, nhìn vào đội hình U19 Việt Nam hiện nay có thể thấy đa số các em có thể hình khá lý tưởng. Chính điều này đã giúp cho HLV Hoàng Anh Tuấn dễ dàng hơn trong việc xây dựng lối chơi giàu “chất thép” cho U19 Việt Nam.  

2 năm về trước, U19 Việt Nam với lứa Công Phượng không có nhiều cầu thủ sở hữu thể hình, thể lực lý tưởng. Hạn chế này đã được bộc lộ trong một số trận đấu của họ.

Chưa phải là thần tượng

Một sự khác biệt rõ ràng nhất giữa U19 Việt Nam năm nay và U19 lứa Công Phượng chính là sự quan tâm của người hâm mộ, thậm chí cả  giới truyền thông và VFF.

2 năm trước, U19 Việt Nam nhận được sự quan tâm và chờ đợi rất lớn của dư luận bởi đó là đội bóng với nòng cốt các cầu thủ thuộc Học viện HAGL. Người ta chờ đợi ngày lứa “gà nòi” của bầu Đức ra lò giống như ấp ủ một niềm hy vọng về tương lai bóng đá nước nhà. Trong khi đó, U19 Việt Nam hiện nay không có được may mắn đó. Đó là sự thiệt thòi!

Có thể nói U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn không thể tạo sức hút với người hâm mộ bằng U19 Việt Nam thời Guillaume Graechen. Ngoài lối chơi không hoa mĩ, khách quan mà nói thì U19 Việt Nam hiện nay không có những cầu thủ nổi bật và sớm được ca tụng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.

Tuy nhiên, mới một trận đấu ra quân thôi thì chưa thể nói lên điều gì bởi HLV Hoàng Anh Tuấn biết mình phải làm gì để giúp các học trò vượt qua “cái bóng” của lứa đàn anh Công Phượng.

Có thể đoán định, ông Tuấn đã “giấu bài” cho U19 Việt Nam ở trận gặp Timor Leste, bởi đối thủ chính của chúng ta ở vòng bảng là U19 Myanmar và U19 Malaysia đều rất mạnh.

Chúng ta cũng không nên so sánh nhiều giữa U19 Việt Nam hiện nay và U19 Việt Nam của lứa Công Phượng, bởi như lẽ tất yếu: Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Quan trọng nhất, sự khác biệt giữa 2 thế hệ tuyển U19 Việt Nam là đương nhiên.

Nói như lời HLV Hoàng Văn Phúc: “Mỗi HLV có triết lý riêng. Hoàng Anh Tuấn thiên về thực dụng nhưng điều quan trọng là U19 Việt Nam đã có trận ra quân thành công, ít nhất về mặt tỷ số. Còn về lối chơi, U19 Việt Nam hiện nay không thể đòi hỏi nhuần nhuyễn và ban bật đẹp mắt được vì cầu thủ tập hợp từ nhiều lò đào tạo”.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm