Từ đội tuyển quốc gia đến V-League...

18/10/2019 13:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - ... Dường như là hai gam màu rất khác nhau. Trong khi các trận đấu của ĐTQG được quan tâm rất lớn, thì các trận đấu ở giải đấu cao nhất xứ sở, lại hẩm hiu như chợ chiều. Lý là vì sao và vì đâu?!

Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á: Lịch bóng đá WC 2022 VN

Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á: Lịch bóng đá WC 2022 VN

Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022: Lịch bóng đá WC 2022 VN. Lịch thi đấu Việt Nam vs UAE, Việt Nam vs Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022 bảng G.

Về lý thuyết, V-League là bệ phóng lý tưởng - cung cấp nguồn lực chính cho các ĐTQG. Từ Hà Nội, đến Viettel, SLNA, SHB Đà Nẵng, TP.HCM, HAGL..., vẫn là những Quang Hải, Quế Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Văn Toàn... Nhưng, sự hứng khởi dường như giảm hẳn, khi các ngôi sao quay về chơi cho CLB. Vì tình cảm dành cho CLB không đủ lớn, hay vì niềm tin về một giải đấu minh bạch, sòng phẳng chưa được gầy dựng.

Trong rất nhiều các trận đấu của các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo, người hâm mộ lặn lội ra tận nước ngoài để sát cánh cùng đội bóng. Từ Thường Châu bão tuyết, đến Tây Java, Thái Lan, Indonesia..., rợp một màu đỏ. Nó nói lên tình cảm và tình yêu dành cho đội tuyển của ông Pảk lớn đến đâu.

Vậy tại sao các sân cỏ V-League ngay ở đầu ngõ, người hâm mộ lại không màng tới?! Những trận đấu 5-7 ngàn khán giả trở lên, đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ ngoài Hà Nội (sân Hàng Đẫy) và DNH Nam Định (sân Thiên Trường), một vài thời điểm là Lạch Tray, hay HAGL..., không một sân bóng cỡ trung bình nào được phủ kín, trong các trận đấu sân nhà. Nó thua xa so với thời bóng đá bao cấp, thậm chí thua khoảng thời gian 10 năm trước. Sức hút của V-League đã giảm thiểu đi rất nhiều và cái gì cũng có nguyên do của nó.

Giải đấu vẫn còn rất nhiều sạn, từ công tác điều hành đến trọng tài, bạo lực và cả tính minh bạch, khi những nghi ngại về việc dồn điểm, không phải không có cơ sở. Hà Nội FC một lần nữa trở thành nhà vô địch tuyệt đối trước mấy lượt trận, và liệu họ có đứng ngoài một cuộc chạy tiếp sức?

Chú thích ảnh
Thách thức còn rất lớn với bóng đá Việt Nam và một mình HLV Park Hang Seo không thể gánh vác nổi. Ảnh: VSI

Một giải VĐQG mạnh, không đồng nghĩa với một ĐTQG mạnh và ngược lại. Nhưng đấy là với các nền bóng đá mạnh về xuất khẩu hoặc ít nhất đã có thể tự cường. Còn sức mạnh của các ĐTQG Việt Nam, một nền bóng đá khiêm tốn về tầm vóc và không có truyền thống xuất khẩu, năng lực chinh phục của các ĐTQG phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống các giải quốc gia và đào tạo trẻ. V-League giảm sút, nhưng ĐTQG tiến bộ vượt bậc trong 10 năm qua, vậy công đầu chắc chắn phải thuộc về HLV Park Hang Seo.

Tất nhiên, điều này không bền. Bởi bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể mất ông Park. Bản thân thuyền trưởng người Hàn cũng chưa quyết định sẽ tiếp tục gắn bó với nền bóng đá xứ sở. Ông đã bóng gió về những bất ổn trong đào tạo trẻ, một chiến lược dài hơi còn thiếu và cả những đầu tư của chính phủ.

Cuối năm nay và đầu năm 2020, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ chinh phục 2 hạng mục giải đấu quan trọng: SEA Games 30 và VCK U23 châu Á 2020 tại Thái Lan. Cùng với đó, ĐTQG sẽ tiếp tục chiến dịch Vòng loại World Cup 2022. Sự thành bại sẽ quyết định tương lai của HLV Park Hang Seo. Thế nên, đôi ba bên vì thế vẫn còn mải miết “câu giờ”.

Tuần trăng mật không kéo dài mãi. Giờ là lúc chúng ta phải quay lại thực tại. Bắt đầu bằng việc nâng cấp hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Các giải đấu quốc nội phát triển, giàu tính cạnh tranh, đào tạo trẻ vừa rộng vừa sâu, tự khắc các ĐTQG sẽ được hưởng lợi, thay vì đánh cược với các bản “CV” của các HLV. Nên nhớ, khi HLV Riedl và Henrique Calisto thành công trong 3 năm (2007-2009), đấy là thời điểm cực thịnh của V-League. Còn lúc này?

Park Hang Seo là một, là duy nhất, không có phiên bản, với ngay cả ê-kíp trợ lý của ông cũng không thể làm việc thay. Nếu không tự lo cho mình, e rằng chẳng bao lâu "mèo lại hoàn mèo". Nên, vui thôi đừng vui quá.

Tuỳ Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm