Thổi giá bóng đá dễ hơn... thổi bóng bay

10/12/2015 16:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ đề của ông chủ quán cà phê tuần này đặt ra để luận bàn với nhà báo Phạm Tấn là về giá trị chuyển nhượng cầu thủ của Bóng đá Việt Nam và thế giới.

+ Ông chủ quán: Hoàng Anh Gia Lai cho biết họ có thể bán cầu thủ Lương Xuân Trường cho một CLB của Hàn Quốc với giá 300 ngàn USD. Trước đấy là Công Phượng sang một CLB Nhật Bản với giá 100 ngàn USD. Vụ của Công Phượng thì ngã ngũ từ lâu. Còn vụ của Xuân Trường mới được bầu Đức tiết lộ, và nó xảy ra sau khi giải U21 báo Thanh Niên kết thúc.

+ Nhà báo Phạm Tấn: Nhưng không thể nói rằng nhờ cái giải đấu đó mà Xuân Trường được định giá 300 ngàn USD, tương đương khoảng 7,5 tỉ đồng, chỉ cho một mùa giải. Chức vô địch giải  U21 có vẻ chỉ đủ để cho bầu Đức chọn làm thời điểm để "đàm phán" với các phe còn lại trong VFF quanh việc có nên lấy HAGL làm nòng cốt đá SEA Games hay không mà thôi, bởi chỉ có Việt Nam mới lấy một giải đấu giao hữu làm tham chiếu, trong khi thế giới người ta chỉ coi các giải chính thức mới là thước đo chuẩn mực.

Thật khó để tin các con số liên quan tới chuyển nhượng cầu thủ ở Việt Nam là chuẩn xác. Nó cũng giống như mức thưởng cho mỗi trận thắng ở V-League vậy, là mỗi giai đoạn người ta lại có cách dùng các con số để làm thương hiệu. Trước kia, thì cứ đưa giá các cầu thủ lên thật cao, nói là thưởng hàng tỉ đồng là người ta tin anh là đại gia, thì giờ đây, nói một con số thật thấp lại là thể hiện khả năng làm bóng đá chuẩn mực, chuyên nghiệp và CLB hút nhân tài là nhờ danh tiếng và tham vọng.


Phí chuyển nhượng và mức lương mà Tuấn Anh được nhận tại Yokohama FC không được tiết lộ. Ảnh: Genji Vo

Bầu Kiên cách nay mấy năm giật Công Vinh từ tay Bầu Hiển về không nói rằng phí lót tay là xấp xỉ chục tỉ đồng. Còn với các cầu thủ HAGL, giá trị chuyển nhượng của họ nếu càng cao thì càng có vẻ giá trị chuyên môn, danh tiếng của sản phẩm học viện mà họ vận hành càng lớn. Cần biết là với 1 triệu USD, người ta có thể sở hữu tiền đạo trẻ xuất sắc nhất Nhật Bản Minamino, người sang một CLB của Áo với giá 1 triệu USD cho hơn ba mùa. Cũng khoảng tiền đó có thể mua tiền đạo Wilson của Man Utd.  

+ Vậy thì giá trị của một cầu thủ Việt Nam được căn cứ như thế nào?

+ Ngày trước, Viettel còn chơi ở giải V-League có đưa ra một hệ thống tính giá trị lót tay cho các cầu thủ với một quy định duy nhất: Nếu như anh được gọi lên đội tuyển thì anh sẽ có thêm 500 triệu đồng mỗi mùa so với các cầu thủ còn lại. Đây không phải là tham chiếu tiêu chuẩn nhất, nhưng nó cho thấy, khoác áo đội tuyển quốc gia là một trong các yếu tố làm nên giá trị cầu thủ mà quốc tế cũng căn cứ.

Xét ở góc độ này thì cả Tuấn Anh và Xuân Trường đều chưa đạt, mà chỉ có Công Phượng. Khoác áo đội tuyển trẻ thì mới chỉ được coi là dạng tiềm năng. Tiêu chí thứ hai là năng lực do các chuyên gia tuyển chọn của mỗi CLB đánh giá. Liệu các chuyên gia của các đội bóng Nhật, Hàn Quốc có xếp các cầu thủ của Tuấn Anh, Xuân Trường ngang với các tài năng trẻ của Nhật (vì giá ngang nhau) trong khi những tài năng hàng đầu của họ đều có thể ra châu Âu chơi bóng nếu không thì cũng đá chính ở các giải quốc nội cao nhất?

Rồi tới giá trị thương mại mà cầu thủ đó có thể mang về thông qua quảng bá tên tuổi của CLB, quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó ở thị trường mục tiêu, và bán các đồ vật lưu niệm mang số áo, tên tuổi của cầu thủ đó. Bên cạnh đó là các yếu tố vị trí, sự khan hiếm, thời điểm và cả yếu tố quốc tịch...

Xuân Trường được Incheon chào giá gấp 3 Công Phượng

Xuân Trường được Incheon chào giá gấp 3 Công Phượng

Đại diện của K-League Incheon United đang đặt vấn đề với CLB HAGL về việc chuyển nhượng tiền vệ Lương Xuân Trường. Đây là tiết lộ của bầu Đức tại Hội nghị BCH VFF hôm nay 4/12 tại TP.HCM.


+ Liệu có đáng tin những con số mà phía HAGL đưa ra không?

Chỉ có các công ty kiểm toán mới biết được thực sự giá trị của các bản hợp đồng. Các công ty kiểm toán vì nguyên tắc bảo mật nghề nghiệp cũng không thể công bố. Vì thế chúng ta phải chờ đợi là xem các CLB Hàn Quốc, Nhật Bản sau đây có mang tới Việt Nam một nhãn hàng nào đó không.

Công Vinh cách đây hai mùa sang Nhật chơi bóng sáu tháng với giá 60 ngàn USD thì sau đó Việt Nam đón nhận một loại bia mang tên của CLB mà anh chơi bóng ở đó. Và từ căn cứ này, chúng ta có thể tin là phía Nhật trả tiền cho Công Vinh sang chơi bóng chứ không phải như trước kia, tiền đạo này sang Bồ Đào Nha là nhờ bầu Hiển với HLV Calisto lo đủ mọi thứ cho anh sang du học ở CLB Leixoes SC.

+ Ai sẽ được lợi trong những thương vụ này?

Nếu HAGL có thể đưa cả 11 cầu thủ hay đánh chính của họ của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc du học, và nếu có trả phí cho họ thì đó cũng có thể là một bước đi hứa hẹn những kết quả tích cực. Công Vinh trở về từ Bồ Đào Nha và Nhật thì từ đó tới nay anh càng trở nên hoàn thiện cả ở phẩm chất chuyên môn lẫn phong cách chuyên nghiệp.

Khi không đủ khả năng khoác áo đội hình chính thì được tập luyện hàng ngày với những cầu thủ đẳng cấp hơn, được trực tiếp huấn luyện bởi những HLV có thể có trình độ cao hơn các HLV đang hành nghề ở V-League cũng sẽ giúp họ, những cầu thủ đang ở độ tuổi dưới 23 phát triển. Khi ấy, có trả tiền cũng đáng!   

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm