'Thiên sứ' bóng đá

27/03/2018 06:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với một nền thể thao còn đang phát triển, dễ hiểu khi bóng đá và thành tích của bóng đá luôn là chỗ dựa để cất cánh. Nhưng cũng chính bóng đá với những góc tối của mình còn khiến khuôn mặt thể thao trở nên méo mó. Đó cũng là câu chuyện của bóng đá và thể thao Việt Nam ngay lúc này.

Hôm nay (27/3), Thể thao Việt Nam tròn 72 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm với đời người, nhưng vẫn là chưa đủ để nền thể thao quốc gia thực sự mạnh và phát triển một cách đồng đều như kỳ vọng khi mà mặt bằng xã hội đã tiến quá nhanh. Bởi thế, bóng đá với vị thế “vua” của mình nhận được sự quan tâm lớn bất chấp mặt bằng chuyên môn của đội tuyển quốc gia còn chưa vượt khỏi tầm khu vực.

Và nếu cần thước đo chuẩn cho năng lực cũng như vị thế của Thể thao Việt Nam thì đó phải là bóng đá. Từ ngôi á quân SEA Games 1995, đến chức vô địch AFF Cup 2008 và gần nhất là kỳ tích mang tên U23 Việt Nam, chính bóng đá tạo nên nguồn cảm hứng cho nền thể thao bước tiếp, chứ chưa hẳn là chuyện của bắn súng - võ - cờ..., những môn đã vươn tới mặt bằng thế giới hay Olympic.

Rồi vượt qua khuôn khổ của bóng đá, những kỳ tích trên sân cỏ thắp lửa cho hàng triệu trái tim hâm mộ được kết nối bằng lòng tự tôn dân tộc, trở thành biểu tượng khát vọng và nỗ lực vươn lên, điều mà có lẽ khó có lĩnh vực nào làm nổi. Thể thao Việt Nam cũng được đặt vào vị thế mới trong xã hội thông qua thành công của bóng đá mà hiệu ứng từ ngôi á quân châu lục của đội tuyển U23 quốc gia vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Đó là chưa kể với sức hấp dẫn riêng của mình, bóng đá cũng là môn thể thao đầu tiên tiên phong trên lộ trình chuyên nghiệp hóa bằng nhiều nguồn lực được xã hội hóa, mở đường cho các môn thể thao khác, thay vì mãi phụ thuộc vào ngân sách vốn đã quá hạn hẹp.

Nhưng tất cả những ánh hào quang ấy cũng chẳng che lấp nổi một nền bóng đá còn quá nhiều bất cập lẫn những góc khuất trong công tác quản lý điều hành. Những gì đang diễn ra tại ngôi nhà VFF - tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam đã nói lên tất cả.

Lý ra, sau hàng loạt thành công của bóng đá trẻ, từ suất tham dự vòng chung kết FIFA U20 World Cup đầu tiên đến kỳ tích tại giải U23 châu Á đang tạo ra hiệu ứng rõ rệt trên sân cỏ nội, bóng đá Việt đã có sẵn cho mình một đường băng để cất cánh, thì thay vào đó lại là những màn đấu khẩu, thậm chí là "đánh nguội" lẫn nhau của chính những người làm bóng đá trước thềm Đại hội Liên đoàn khóa VIII, một kỳ Đại hội được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Cựu tiền đạo U23 Việt Nam tỏa sáng tại Hàn Quốc

Cựu tiền đạo U23 Việt Nam tỏa sáng tại Hàn Quốc

Cựu tiền đạo U23 Việt Nam Nguyễn Hữu Khôi lập công ngay trong lần đầu tiên ra sân cho CLB Hàn Quốc Siheung City.

Những căn bệnh cũ của bóng đá Việt lại tái phát và nó chỉ ra sự yếu kém trong công tác quản lý điều hành ở nhiều cấp. Khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp đã gần 20 năm, nhưng thực chất đó chỉ là cuộc chơi của các ông bầu mà thích thì chơi, thích thì bỏ và tệ hơn cả là tình trạng mất đoàn kết kéo dài ngay trong nội bộ. Những gì đang diễn ra tại VFF không chỉ làm xấu mặt bóng đá, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế nền thể thao mới vừa khởi sắc.

Có lẽ không cần phải bàn nhiều đến tính quan trọng của VFF trong bước phát triển chung của bóng đá và sự quan trọng của bóng đá với nền thể thao quốc gia. Mong muốn lớn nhất trong Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 là những người làm bóng đá - Hãy cùng nhìn về một hướng!

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm