Thể Công luôn bổ sung nhân tài

28/12/2016 12:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 22 cầu thủ ban đầu đã hình thành, đó là nòng cốt của đội dự bị bóng đá  Thể Công.  Bằng những nỗ lực tìm kiếm nhân tài khắp nơi và lắng nghe nhiều nguồn giới thiệu, trẻ Thể Công đã tiếp tục bổ sung thêm nhiều cầu thủ có chất lượng.

Vài tháng sau, trung vệ Nguyễn Trọng Giáp người Quảng Ninh, từ Trường Đại học TDTT Từ Sơn, và 4 cầu thủ trẻ Hà Nội từ “lò” đào tạo của 2 cựu danh thủ Hà Nội lừng danh là bác Thưởng và bác Luyến “hói” từ sân Quần Ngựa của Thanh niên Hà Nội đã chính thức gia nhập đội.

Đó là tiền đạo trái Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn) có đôi chân vòng kiềng độc đáo;  tiền đạo Bùi Ngọc Chi biệt danh Chi “cố” một cầu thủ thi đấu thông minh, khôn khéo, có khả năng “đánh hơi” tìm cơ hội để ghi bàn.

Đó là hậu vệ Nguyễn Duy Phú mà giới bóng đá phủi thường gọi là Phú “mèo”. Chàng trai Hà Nội này sinh ra để đá hậu vệ vì anh ta có động tác tranh bóng mặt đối mặt cực “rắn”, đầy tiểu xảo khiến các tiền đạo đối phương thường “tắt điện”!

Đó là Trần Khánh Hưng, một tiền vệ tấn công khôn ngoan, khéo léo có biệt danh Hưng “già” hay Hưng “cụ Chùa” vì cậu ta chín chắn, khôn ngoan trước tuổi. Nguyễn Văn Nhật cũng đến với chúng tôi thời gian này, đây là một trong những cầu thủ có tốc độ cao nhất đội bóng.

Anh chơi bóng bằng thái độ đầy trách nhiệm và kiên cường. Anh cũng là người sẵn sàng giúp đỡ đồng đội bất cứ việc gì. Biệt danh của anh là Nhật “híp” bởi anh có đôi mắt một mí như người Triều Tiên.

Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'

Thể Công trong trái tim tôi: Đồng đội của tôi - Thể Công 'lớp 65'

Có 4 cầu thủ từ Hải Dương đã đến chiều ấy gồm có 3 tiền đạo và 1 trung vệ. Đó là Lê Trung Hiếu có biệt danh Hiếu “mào” do có bộ tóc rất dày và xù lên như con chào mào và Nguyễn Như Tòng với biệt danh Tòng “khỉ”...

Và người cuối cùng từ thành phố hoa phượng đỏ bổ sung Thể Công thời điểm ấy là Hoàng Gia, có biệt danh Gia “sồ” bởi cậu ta sở hữu cái mũi khá to. Hoàng Gia ít hơn chúng tôi 2 tuổi, sau này anh nổi danh trong màu áo TC Đường sắt…Và khi chuẩn bị lên đường tập huấn dài hạn ở CHDCND Triều Tiên, 5 cầu thủ hay nhất của lớp bóng đá Năng khiếu Trường Đại học TDTT Từ Sơn được bổ sung cuối cùng, đó là Nguyễn Văn Sắc, tiền vệ quê ở Phú Thọ có biệt danh Sắc “hủi”, Trịnh Minh Bình, tiền vệ người Thanh Hóa với biệt danh Bình “lòi”, trung vệ Nguyễn Đức Minh tức Minh “hề” người Hải Phòng và thủ môn Dương Văn Thái tức Thái “trộm” quê ở Phú Thọ.

Cũng trong năm 1966, 1967, bóng đá Thể Công có thêm 4 thủ môn: Trần Văn Khoan, Đặng Đình Mộc, Trần Quốc Nghị và Huỳnh Bá Cung. Trần Văn Khoan từ đơn vị chiến đấu về. Nhìn chung, lớp Thể Công 1965 không có duyên với việc đào tạo thủ môn, do đó, năm 1970, khi Trường HLKTTW giải thể Trần Văn Khánh được bổ sung và anh như một mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện của một Thể Công mới mẻ đầy sức sống từ CHDCND Triều Tiên về nước!

Vậy là, từ sự nỗ lực của ban chỉ huy đoàn TDTT quân đội, sự ủng hộ và quyết tâm của tướng Bằng Giang, trong chiến tranh chống Mỹ, Thể Công tiếp tục duy trì, ổn định và phát triển. Tôi là một người may mắn khi đã hiện thực hóa giấc mơ của cuộc đời!

Hạnh phúc hơn, tôi đã phấn đấu cật lực, khổ luyện, vượt qua bao nhiêu gian khó, trưởng thành để có một vị trí chắc chắn trong đội hình chính thức của Thể Công. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, đến được với đội bóng mình yêu đã khó, giành được vị trí chính thức và có chỗ đứng trong trái tim người hâm mộ còn khó bội phần!

VMH
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm