Tài trợ V-League khó lòng thu lãi

24/09/2015 05:11 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua 15 năm tồn tại, giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam (V-League) đã có 7 nhà tài trợ khác nhau. Quá nửa trong số họ đều chỉ gắn bó với giải đấu đúng 1 năm.

Mùa giải 2000-2001, mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam, Công ty Tiếp thị thể thao Strata là nhà tài trợ chính thức đầu tiên của giải đấu. Trước đó, Strata đã góp phần quan trọng vào việc cải tổ hệ thống giải chuyên nghiệp ở Việt Nam, đặt nền móng cho sự ra đời V-League. Nhưng đơn vị này chỉ gắn bó với V-League tới hết mùa giải thứ 2.

Điều đáng nói: Strata nói lời từ biệt V-League không phải vì vấn đề tài chính, bởi sau này, họ vẫn tham gia trong nhiều thương vụ lớn của bóng đá Việt Nam. Năm 2014, Strata có vai trò chủ chốt trong việc đưa U19 AS Roma và U19 Tottenham tới Việt Nam dự giải U19 quốc tế ở TP. HCM. Trước đó 1 năm, họ suýt nữa đã đưa được AS Roma tới Mỹ Đình. Strata đã đánh giá chính xác khả năng sinh lời của V-League trước khi nói lời từ biệt.


Tìm tài trợ cho V-League luôn là thử thách với VPF. Ảnh: Quang Nhựt

Sau sự ra đi của Strata, V-League trải qua 4 năm khủng hoảng tài trợ. Lần lượt PepsiCo, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát và Eurowindow đã đến và đi. Trong số đó, Kinh Đô từng hứa độc quyền tài trợ V-League trong 3 năm liền nhưng chỉ chịu được “nhiệt” đúng 1 mùa bóng. Năm 2003, tài chính của giải đấu ở vào tình trạng đáng báo động khi nhà vô địch HAGL chỉ được nhận 500 triệu đồng tiền thưởng.

Phải tới V-League 2007, câu chuyện tài trợ mới tạm ổn định khi Tổng Công ty khí thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam Gas) nhảy vào cuộc. Trong 4 năm, họ đã cung cấp gói tài trợ ổn định nhất cho giải đấu. Đây cũng là thời kỳ vàng son của bóng đá nội với hàng loạt bản hợp đồng bom tấn.

Cầu thủ đắt giá nhất thế giới Denilson, ngôi sao Việt kiều Lee Nguyễn, đội trưởng ĐT Thái Lan Datsakorn Thonglao, siêu sao Đông Nam Á Kiatisuk Senamuang (vai trò HLV) đều tới Việt Nam ở giai đoạn này. Cũng trong thời kỳ này, ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup lần duy nhất, lọt vào tứ kết Asian Cup 2007.

Nhưng đỉnh cao không kéo dài được lâu. Eximbank trở thành nhà tài trợ chính thức của V-League kể từ năm 2011. Nhưng hợp đồng này được cho là có dấu ấn cá nhân đậm nét của ông Lê Hùng Dũng - người sau này đã trở thành Chủ tịch VFF. Trong giai đoạn này, mỗi mùa V-League nhận được khoảng 30 tỷ tiền tài trợ từ Eximbank.

Bước sang mùa bóng 2015, câu chuyện tài trợ ở V-League có bước tiến mới khi Eximbank rút lui, Toyota thế chỗ. Tập đoàn Nhật Bản trở thành nhà tài trợ nước ngoài 100 % đầu tiên trong lịch sử giải đấu. Một lần nữa, yếu tố giá trị thương mại của V-League bị nghi ngờ khi hợp đồng này được ký trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản có nhiều bước phát triển.

Xuyên suốt lịch sử phát triển 15 năm của V-League, thời gian trụ lại trung bình của một doanh nghiệp chỉ là hơn 2 năm. Hầu hết các doanh nghiệp đến và đi rất nhanh. Nếu không có các thống kê lịch sử, không ai còn nhớ rằng Kinh Đô hay Tân Hiệp Phát từng là nhà tài trợ chính thức của giải đấu.

Quyền lợi nhà tài trợ thu được từ V-League có lẽ rất hạn chế. Không có các thống kê cụ thể nào tiết lộ số tiền họ thu được nhờ ảnh hưởng của V-League. Nhưng con số ấy, nếu có, cũng không quá cao. Bằng chứng là các nhà tài trợ thường quay lưng bỏ đi sau mỗi mùa giải. Vài năm trở lại đây, chúng ta cũng đã quen chứng kiến cảnh lãnh đạo VPF chạy đôn chạy đáo đi tìm tài trợ sau mỗi mùa bóng.

Trước mùa 2015, VPF thậm chí từng phải tính tới khả năng mời đồng tài trợ cho V-League. Sự xuất hiện của Toyota chính là cứu cánh cho ban tổ chức giải. Ở thời điểm ấy, giải đấu chỉ còn cách vài tuần là khởi tranh.

Nhìn cái cách giới đầu tư quay lưng với V-League, chúng ta có thể đánh giá sức hấp dẫn của giải đấu đang dừng lại ở đâu.

Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm