Sân Hàng Đẫy 'giằng xé' giữa 2 lằn ranh

19/10/2018 07:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày vừa qua, dư luận lại nóng lên với chủ đề sân vận động Hàng Đẫy khi người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định rằng việc cải tạo và xây dựng sân Hàng Đẫy là cần thiết, trong khi vẫn có không ít ý kiến phản đối dự án này và thậm chí còn đề xuất dời sân đấu khỏi khu vực trung tâm của Hà Nội. Nhưng với những người yêu thể thao Thủ đô và cả nước, sẽ chẳng thể tưởng tượng có 1 ngày không có sân Hàng Đẫy.

Cụ thể, vào chiều ngày 16/10/2018, tại cuộc họp báo 9 tháng đầu năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trả lời báo chí về đề xuất của Hà Nội dự kiến đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng xây tổ hợp thể thao Hàng Đẫy phục vụ SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng và đồng thời là người phát ngôn của Bộ cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31.

Công tác chuẩn bị đang được Bộ nỗ lực thực hiện. Dự kiến ban đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định huy động các địa phương khác cùng tham gia tổ chức. Tuy nhiên, với phương châm tiết kiệm chi phí, Bộ đề xuất tận dụng các cơ sở hạ tầng đã có sẵn tại Hà Nội và các vùng phụ cận, cải tạo lại để phục vụ sự kiện thể thao này. Đây được coi là phương án tối ưu.

Đối với sân Hàng Đẫy là điểm phục vụ SEA Games 31, thì “cơ sở hạ tầng hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần nhu cần tập thể thao và sinh hoạt văn hóa của người dân. Do đó, việc cải tạo, nâng cấp sân Hàng Đẫy thành điểm phục vụ nhu cầu vui chơi của người Hà Nội là cần thiết”, ông Bình cho biết thêm.

Về khả năng đảm bảo giao thông quanh sân Hàng Đẫy nếu được xây dựng thành tổ hợp thể thao giải trí, ông Bình cho rằng, khi xây dựng, thiết kế, Hà Nội cũng sẽ có phương án đảm bảo giao thông đáp ứng nhu cầu của CĐV, người hâm mộ khi đến sân.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, tập đoàn T&T và tập đoàn Buygues ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng sân Hàng Đẫy. Tổng giá trị đầu tư của dự án ước tính khoảng 250 triệu euro (tương đương hơn 6.000 tỷ đồng).

Theo đó, sân Hàng Đẫy sẽ được xây mới trở thành một tổ hợp thể thao trên chính vị trí hiện tại, riêng sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ 2, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hóa như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận. Bên cạnh sân vận động, quần thể dự án còn có cả khu nhà trung tâm điều hành, văn phòng.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm giao thông khi sân Hàng Đẫy được xây mới ở vị trí hiện tại cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho dư luận nảy sinh nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh dự án xây mới sân vận động này.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Trả lời báo chí, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, không nên xây tổ hợp sân Hàng Đẫy bởi khu vực này quá gần trung tâm Ba Đình, sẽ gây ra ùn tắc giao thông. Thậm chí, ông Liêm còn kiến nghị nên xây dựng tổ hợp sân Hàng Đẫy mới ở một vị trí khác, xa khu vực trung tâm.

Tương tự ý kiến ông Liêm, một chuyên gia khác là ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, cũng nhận định rằng không nên xây dựng một tổ hợp thể thao đồ sộ ở khu vực vốn đã chịu quá tải về hạ tầng giao thông.

Trả lời phỏng vấn VNExpress ngày 14/10/2018, ông Thông cho hay: "Quan điểm của tôi trong nội thành nên giảm bớt chức năng, tăng không gian trống, không gian cho cộng đồng hơn là làm công trình lớn như thế. Nếu được thì bỏ cả cái sân vận động hiện có, chính nó gây ra ùn tắc mỗi khi diễn ra các sự kiện thể thao".

Cả bên phản đối lẫn bên đồng tình với dự án xây mới sân Hàng Đẫy đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng có một thực tế mà không ai có thể chối cãi được rằng sau 60 năm hiện diện ở Thủ đô, kể từ ngày bãi đất trống rộng 3ha của Hội Thể dục Bắc Kỳ (SEPTO) trở thành sân vận động Hàng Đẫy như hiện nay, sân Hàng Đẫy đã trở thành cái tên quen thuộc của người hâm mộ thể thao Thủ đô.

Ngay cả có thời kỳ sân Hàng Đẫy được đổi tên thành sân Hà Nội (giai đoạn 2000-2005) thì người ta cũng vẫn gọi tên sân bóng này bằng cái tên cũ. Điều đó cho thấy Hàng Đẫy đã là một phần không thể thiếu với đời sống người dân Thủ đô, và thật khó tưởng tượng một ngày ở phố Trịnh Hoài Đức không còn sự tồn tại của sân Hàng Đẫy.

Tất nhiên, những người phản đối dự án xây mới sân Hàng Đẫy trở thành tổ hợp thể thao giải trí có lý do để lo ngại về vấn đề giao thông, bởi ngay từ hiện tại thì sân Hàng Đẫy cũng luôn rơi vào trạng thái tắc nghẽn khi có trận đấu thu hút đông đảo khán giả, và khi Hàng Đẫy được nâng cấp thành khu tổ hợp thể thao giải trí thì lượng người đổ về đây sẽ không ở tần suất hàng tuần mà sẽ trở thành hàng ngày.

Thế nhưng, còn có một thực tế khác không thể phủ nhận là sân Hàng Đẫy bây giờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đến mức ở mùa bóng 2017, Liên đoàn bóng đá châu Á AFC đã cấm CLB Hà Nội thi đấu các trận sân nhà tại vòng bảng AFC Cup tại đây vì trên khán đài sân Hàng Đẫy xuất hiện nhiều vết nứt gãy, gây nguy hiểm cho khán giả tới sân.

V-League 2018: Khi 'chùa Bà Đanh' thành 'chảo lửa'

V-League 2018: Khi 'chùa Bà Đanh' thành 'chảo lửa'

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Nuti Cafe V-League 2018 có lẽ là sự “lên đời” của sân Hàng Đẫy, từ sân bóng bị gán biệt danh là “vắng như chùa Bà Đanh” của V-League qua nhiều năm nay bỗng nhiên lột xác trở thành một trong 2 SVĐ thu hút đông đảo khán giả nhất của giải VĐQG 2018.

Năm ngoái, sân Hàng Đẫy đã trải qua một tu sửa quy mô trị giá hơn 10 tỷ đồng và hiện tại mặt cỏ sân Hàng Đẫy được đánh giá là một trong những mặt sân tốt nhất Việt Nam, song hệ thống cơ sở vật chất tại đây đã ở mức không thể tiếp tục phục vụ các trận cầu bóng đá đỉnh cao trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nên xây mới hay nên di dời sân Hàng Đẫy, và nếu làm thì nên chọn phương án như thế nào lại là bài toán không dễ tìm lời giải, trong khi thời gian chuẩn bị cho SEA Games 2021 tại Hà Nội đã không còn nhiều.

Dự kiến chi phí xây dựng tổ hợp dịch vụ - giải trí sân Hàng Đẫy là 250 triệu euro. Trong đó, sân vận động đạt tiêu chuẩn FIFA, không có đường piste và có sức chứa hơn 20.000 người. Ngoài ra là một loạt công trình dịch vụ, văn hoá như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận.

***

122.500 Theo thống kê của VPF, SVĐ Hàng Đẫy đứng thứ hai trong danh sách những sân bóng thu hút nhiều khán giả đến sân tại V-League 2018 với 122.500 khán giả đến sân sau 13 trận đấu. Trung bình cứ mỗi trận Hà Nội FC đá tại Hàng Đẫy thì có 9.423 khán giả tới sân theo dõi.

Huy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm