Sắc vàng vẫn đắm say

26/02/2011 06:48 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Lý giải sao đây khi nhân tài bóng đá Nghệ An, bất chấp bao bể dâu của Sông Lam cùng đủ thứ cám dỗ vây ráp xung quanh đại bản doanh và SVĐ Vinh, vẫn lớp lớp xuất hiện?

Có lần, trong chuyến xe đò từ Vinh về huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), tình cờ ngồi cạnh hai chú nhóc U13 SLNA. Quang và Khánh, hai em tóc vàng hoe trông cơ cực quá. “Đợt các thầy lên tuyển cả huyện chỉ có hai đứa em đỗ. Mỗi tháng chúng em được 270 nghìn tiền trợ cấp. Khổ nhưng mà vui, về  quê cả làng đều tự hào”.

13 tuổi, tự bắt xe cả trăm km về thăm nhà quãng thời gian ít ỏi được nghỉ phép, rồi xuôi về Vinh, thật đáng khâm phục. Sống tự lập từ nhỏ, nếu nay mai có tí thành tựu, liệu các em có giữ được mình không? Xung quanh SVĐ Vinh, có về ngồi lê la mới hiểu được sự phức tạp mà môi trường bóng đá xứ Nghệ đang phải hàng ngày đối diện. Thực tế, đã không ít ngôi sao nhí của SLNA đã tự mình bôi đen sự nghiệp.

Thế mới biết, đường đến đội 1 của các em còn xa lắm. Để trụ được đội 1, khoác sắc vàng truyền thống là cả một chặng đường gian khổ. Đơn giản, bởi sự sàng lọc quá khắt khe, khi nhân tài bóng đá ở xứ Nghệ được ví  đông như “quân Nguyên”.

Nhiều lần rảo bước vào tận nơi ở của lò đào tạo bóng đá SLNA, thấy lạ bởi tại sao cơ sở vật chất hạn chế như thế, lại sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá nổi tiếng cả nước. Ngay cả nơi ăn ở của đội một cũng nhếch nhác, so với một tên tuổi danh giá như SLNA.

Trở thành những cầu thủ như Công Vinh là ước mơ của rất nhiều tài năng nhí của bóng đá Nghệ An

Chợt nghĩ, lâu nay, dường như người ta quên mất công lao của những người làm công tác đào tạo trẻ của bóng đá xứ Nghệ, quên mất cái Ban đào tạo trẻ thời chưa chuyển giao đầy màng nhện nhưng đã làm nên bao công trạng âm thầm. 6 lần liên tiếp đăng quang ngôi vô địch U17, chỉ có SLNA mới làm được điều đó.

Người ta bảo đất nghèo nuôi những anh hùng, cầu thủ xứ Nghệ chỉ lên đội một mới đỡ vất vả. Còn lại, các tuyến U vẫn còn khổ lắm. Ông Nguyễn Hồng Thanh vẫn thừa nhận: “Đến 85% cầu thủ SLNA xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, nên có những phẩm chất và tính cách đặc biệt”. Đúng vậy, Như Văn Quyến, Công Vinh, Huy Hoàng, Hồng Sơn, hay mang danh là dân thành phố như Lâm Tấn, Quốc Vượng thì thuở hàn vi cũng đâu no đủ gì.

Thế nên, những Khánh, Quang quen chịu đựng để chờ ngày mai tươi sáng là điều dễ hiểu. Thực ra, cách Nghệ An làm bóng đá trẻ chẳng có gì cao siêu. Hệ thống phát hiện từ cơ sở theo cả hai cách dọc và ngang, được chú trọng đặc biệt. Dọc là từ cơ sở, xã, phường, trường học. Các chú nhóc từ 9 đến 12 tuổi đã phải được phát hiện để đào tạo nghiệp dư, rồi dự bị năng khiếu, đến năng khiếu... Nguyên tắc đưa ra, càng đào tạo từ nhỏ càng tốt. Ngang là thu nạp cầu thủ từ nhiều kênh thông tin. HLV Nguyễn Văn Thịnh bảo rằng, chỉ cần nghe thấy cầu thủ trẻ ở đâu tốt, các HLV lập tức phải phi xe đến xem xét và tuyển ngay. Có lần lên Nghĩa Đàn xem quân, ông Thịnh đã phải dắc bộ xe máy 6 km leo dốc vì đường đất đỏ ba-zan gặp mưa lầy lội. “Lúc đó, vừa mệt vừa tủi thân phát khóc”- ông Thịnh “đen” nói.

Trong những buổi nhập môn, các lứa cầu thủ nhí SLNA thường được các thầy ôn cho ôn lại truyền thống hào hùng của SLNA. Sau đó, câu chuyện thường kết thúc bằng hình ảnh những ngôi sao như Huy Hoàng, Công Vinh, Văn Quyến…để gieo ước mơ cho “măng”.

Tất nhiên, lúc đó các cầu thủ nhí SLNA khát vọng một ngày nào đó sẽ sung túc như các đàn anh đội 1. Nhưng, có lẽ với họ, được khoác bộ trang phục màu vàng truyền thống vẫn thường trực trong giấc mơ. Con người ta, đức tin cực kỳ quan trọng, bởi nó tạo nghị lực để vượt lên bao khó khăn trước mắt. Trong trái tim người dân Nghệ An, thì SLNA vẫn ngự trị, dù không ít lần cầu thủ làm họ giận phát điên lên. Cầu thủ xứ Nghệ không phải ai cũng rời áo vàng để tìm bến đỗ mới có tiền hơn. Huy Hoàng là số đó, hoặc bô đôi Hồng Thanh - Hữu Thắng cũng đã “lá rụng về cội”.

Rất may là sau bao giông bão của bóng đá chuyên nghiệp, Sông Lam Nghệ An vẫn giữ được cái tên truyền thống, vẫn tạo được đức tin trong lòng bao thế hệ cầu thủ xứ Nghệ về một ngày được trở thành cầu thủ SLNA.

Đấy là tài sản vô giá, là điểm tựa để SLNA nuôi hy vọng chấn hưng lại tên tuổi lẫy lừng trong tương lai không xa.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm