Nhìn U19 Việt Nam, nhớ thế hệ Vàng không danh hiệu của Hồng Sơn

14/09/2014 07:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là trận Chung kết U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản kết thúc, chúng ta thất trận, như hai trận chung kết cách đây không xa.

Không phải thất bại nào cũng là mẹ của thành công, sau thất bại, có thể lại là thất bại. Nhưng sau trận thua này, chúng ta vẫn có quyền hân hoan trong niềm nuối tiếc, bởi chúng ta nhìn thấy hi vọng phía trước dựa trên những gì được xây dựng. Trong mắt người hâm mộ chúng tôi, các cầu thủ U19 là con cưng, các em đã tiến bộ qua từng giải đấu, từng trận đấu. Điều ấy không phải bàn.

Chưa bao giờ, sau thế hệ vàng, một lứa cầu thủ lại tạo được nhiều cảm xúc cho người hâm mộ như vậy.

Chúng tôi nhớ một “thế hệ vàng” những tên tuổi Công Minh, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Văn Cường, Mạnh Cường, Hữu Thắng... thời kỳ 1995 - 1999 từng làm say lòng người hâm mộ.

Lần đầu, họ giành ngôi Á quân tại SEA Games 18 năm 1995 dưới sự dẫn dắt của HLV người Đức K. Weigang, đến chiếc HCĐ ở SEA Games 19 tại Indonesia, rồi lại ngậm ngùi về nhì tại Tiger Cup 1998 ngay trên sân Hàng Đẫy sau cú “đánh lưng” của anh chàng cao to Sasi Kumar của Singapore.

Thế hệ những cầu thủ ấy chưa từng giành được tấm huy chương vàng nào. Những vinh quang thế hệ vàng theo đuổi nhưng vẫn ngoảnh mặt quay đi.

Nhưng họ được yêu mến gọi là thế hệ vàng và "trị vì" bao nhiêu năm trong trái tim người hâm mộ bởi chính họ là lứa cầu thủ đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đưa hình ảnh bóng đá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách ấn tượng và đầy xúc cảm. Chính họ là lứa cầu thủ đã đưa nền bóng đá Việt Nam trở thành một thế lực thực sự của khu vực Đông Nam Á. Chính họ đã đánh thức niềm đam mê bóng đá thực sự của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam.

Công Phượng và đồng đội sẽ phải chịu những áp lực vô cùng lớn.

Đông Nam Á là vùng trũng của bóng đá thế giới. Chúng ta đều biết rằng, trong vùng trũng thì cũng có những điểm cao nhất. Muốn trở thành một thế hệ vàng tiếp theo, lặp lại thành công chưa đủ, cần mang đến những điều đầu tiên, những đỉnh cao hơn trước.

Nhưng kỳ vọng cũng đồng nghĩa với những sứ mệnh lớn hơn. Các em không là những đứa trẻ chơi bóng mà là những người đàn ông đang làm nghĩa vụ quốc gia. Sức ép mà ngay cả thầy các em, HLV Guillaume Graechen cũng phải đối mặt khi người ta từng nói rằng, ông thích hợp với vai trò một người thầy dạy đá bóng hơn là một nhà cầm quân đi chinh chiến.

Công Phượng và đồng đội sẽ phải chịu những áp lực vô cùng lớn. Nhưng các em cần phải đối mặt với những lời khen ngợi hay chỉ trích. Đá dở 1, 2 trận, người hâm mộ thất vọng. Điều này có vẻ bất công nhưng đó là điều dù không muốn, các cầu thủ cần phải chấp nhận. Đặc biệt với Công Phượng khi em là niềm hy vọng lớn, là đội trưởng của đội bóng được đặt rất nhiều kỳ vọng.

Độc giả Hà Nam (Thanh Xuân – Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm