Người Úc chấn hưng bóng đá

06/09/2021 19:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận gặp Saudi Arabia, đội tuyển Việt Nam về nước tiếp đối thủ Australia vào ngày mai 7/9. Nhà báo Nguyên Nguyên, CTV của TT&VH hiện đang ở Australia, với 6 năm cũng đủ để anh có những trải nghiệm về đất nước cũng như nền bóng đá nước này. Trân trọng giới thiệu loạt ghi chép thú vị của anh, ngõ hầu gợi mở mệnh đề: “Làm cách nào để bóng đá Việt Nam đánh bại Úc?”.

TRỰC TIẾP bóng đá VTV6 VTV5: Việt Nam vs Úc, vòng loại World Cup 2022 (19h00, 7/9)

TRỰC TIẾP bóng đá VTV6 VTV5: Việt Nam vs Úc, vòng loại World Cup 2022 (19h00, 7/9)

TRỰC TIẾP bóng đá VTV6 VTV5: Việt Nam vs Úc, vòng loại World Cup 2022 (19h00, 7/9). Xem trực tiếp Việt Nam vs Úc trên kênh VTV5, VTV6. Trực tiếp bóng đá hôm nay.

Chấn hưng

Australia có nền thể thao khá chuyên nghiệp và phát triển. Tại các kỳ Olympic, họ luôn nằm trong tốp đầu các quốc gia giành nhiều huy chương nhất. Nhưng bóng đá là một ngoại lệ khi 50 năm kể từ khi Liên đoàn bóng đá nước này được hình thành (1961), họ gần như mang trên mình chiếc áo nghiệp dư khiến bóng đá xứ này không phát triển xứng tầm với vị thế của họ...

Trước năm 2000, Australia trên bản đồ bóng đá thế giới vẫn chỉ là cái tên khá khiêm nhường. Họ có thể làm mưa làm gió ở châu Đại dương nhưng bước ra khỏi khu vực ấy, đội bóng xứ sở chuột túi không thể bắt nạt được ai, liên tục thất bại trước những đối thủ được xem là đồng cân đồng lạng như một thói quen. Hành trình của Australia tại đấu trường World Cup ít nhiều mình chứng cho sự... “tầm thường" của bóng đá xứ này.

Với việc châu Đại dương chỉ được FIFA dành cho nửa vé đến VCK World Cup, Australia đang là đội bóng giữ kỷ lục về số lần tham dự trận đấu play-off tranh chiếc vé cuối cùng đến VCK: 8 lần cho đến thời điểm này và là 7 cho đến trước khi họ gia nhập AFC (và để thua 6/7 lần đó). Mà đối thủ của họ là ai? Triều Tiên (1966), Israel (1970), Scotland (1986), Argentina (1994), Iran (1998) và Uruguay (2002, 2006), trong số này, trừ 2 đội bóng Nam Mỹ thì thực lực của 4 đối thủ còn lại không phải là quá tầm để Australia nâng số lần tham dự VCK World Cup, ví như cuộc đối đầu với Iran năm 1998.

Chú thích ảnh

Thất bại 2 hay 3 lần thì có thể là không may nhưng 6 lần liên tiếp mất vé thì là chuyện khác. Thế nên sau thất bại trước Uruguay ở trận play-off tranh vé đến VCK World Cup 2002, thượng tầng bóng đá Australia đã xảy ra biến cố lớn - Một cuộc chấn hưng bùng nổ với những chỉ trích, cáo buộc nhằm vào liên đoàn bóng đá Australia: Quản lý yếu kém, tham nhũng. Theo cáo buộc, tình trạng của bóng đá Australia tồi tệ đến mức Liên đoàn bóng đá nợ nần, không... đủ tiền để đưa các cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu về tập trung, thi đấu giao hữu trước các giải đấu quan trọng; rồi tình trạng xung đột lợi ích trong nội bộ Liên đoàn, hệ thống tổ chức thi đấu nghiệp dư, yếu kém...

Trước làn sóng chấn hưng ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh World Cup 2002 diễn ra tưng bừng cùng thành công rực rỡ của 2 đội bóng châu Á: Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi ở Astralia tình trạng là gần như phá sản ở các đội bóng khắp nơi, chính phủ Úc đã phải vào cuộc khi để dọa cắt tiền tài trợ hằng năm cho Liên đoàn. Một cuộc điều tra được khẩn trương tiến hành và không lâu sau, một báo cáo độc lập đánh giá bóng đá Australia (báo cáo Crawford) được Bộ trưởng Thể thao Australia Rob Kemp công bố tại Quốc hội Australia vào năm 2003 cho thấy những yếu kém của Liên đoàn bóng đá Australia và yêu cầu tái thiết Liên đoàn bóng đá là cấp bách.

Dấu ấn nhà Lowy

Biến cố này khiến hàng loạt quan chức Liên đoàn phải từ chức và Frank Lowy, một doanh nhân nổi tiếng của Australia, Chủ tịch tập đoàn Westfield, được đưa lên làm lãnh đạo. Không lâu sau khi lên nắm quyền, Frank Lowy quyết định thành lập Hiệp hội bóng đá Australia (ASA) thay thế cho Liên đoàn bóng đá cũ mà theo ông Lowy là nó đã ở tình trạng “không thể sữa chữa và không còn phù hợp và có ích cho bóng đá Australia".

Đây là cuộc cải cách mang tính đột phá cho bóng đá xứ sở chuột túi, giúp họ vứt bỏ chiếc áo nghiệp dư để khoác lên chiếc áo chuyên nghiệp. Hiệp hội bóng đá mới mặc dù vẫn nhận viện trợ 15 triệu đô Úc từ chính phủ ở thời gian đầu nhưng họ đã tự chủ và ổn định về tài chính. Đặc biệt, lần đầu tiên họ có được những nhà tài trợ đúng nghĩa với các bản hợp đồng lớn đến từ Foxtel hay Hyundai. Các giải đấu chuyên nghiệp tái khởi động và lần lượt ra đời: Sau A.League mùa đầu tiên khởi tranh vào năm 2005 với 8 đội chuyên nghiệp, W.League (giải chuyên nghiệp nữ) ra mắt năm 2008 cũng với 8 CLB, rồi Cúp Quốc gia (2014)...

Chú thích ảnh
Cựu chủ tịch Frank Lowy ngã khỏi sân khấu khi chuẩn bị trao Cúp vô địch A-League mùa giải 2005. Ảnh: Nguyên Nguyên

Dũng cảm hơn, những người chấn hưng đã mạnh dạn thay từ soccer bằng football khi đổi tên liên đoàn vào năm 2005: Football Federation Australia ( năm 2020 được rút gọn còn Football Australia). Mục đích là để phục hợp với cách sử dụng chung của thế giới và đồng thời để... tránh xa những thất bại của Liên đoàn cũ (Soccer Federation), cụm từ “old soccer new football" cũng ra đời từ đây. Dũng cảm bởi ở Australia, football là từ dùng để chỉ bóng bầu dục và bóng đá kiểu Úc, những môn thể thao có vị trí cao hơn bóng đá.

Nhưng sự thay đổi này đã đem lại điềm may cho bóng đá xứ sở chuột túi. Một năm sau, ở lần thứ 7 đá play-off tranh vé đi VCK World Cup, họ đã đòi nợ thành công Uruguay để từ đó trở thành cái tên quen thuộc của World Cup với 4 lần tham dự liên tiếp, năm 2018, một lần nữa Australia phải tranh vé play-off và lại thắng. Liên đoàn thời điểm này cũng đã dư dả tiền của để có thể thuê những HLV tầm cỡ về dẫn dắt ĐTQG như Guus Hiddink (World Cup 2006), Pim Verbeck (2007-2010) hay Bert van Marwijk (2018)... thay vì chỉ sử dụng HLV nội địa như thời kỳ trước. Ngoài ra, hăng năm họ còn chi ra hằng triệu đô để hỗ trợ các CLB A.League trả lương các ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới về thì đấu ở A.League như Del Piero, Honda... Số lượng các CLB chuyên nghiệp cũng dần tăng lên và bên cạnh các ông lớn như Sydney FC, Melbourne City thì cũng có thêm các đại gia mới nổi như Western Sydney Wanderer hay Mc Marcathur... Australia cũng trở thành điểm đến quên thuộc của các CLB hàng đầu châu Âu và Premier League trong các tour du đấu mùa hè...

Dưới sự điều hành của Frank Lowy, Australia cũng tham gia tranh quyền đăng cai World Cup 2022 với sự hỗ trợ hơn 40 triệu đô từ Chính phủ nhưng thất bại trước Qatar trong một cuộc đua có quá nhiều tranh cãi. Có thể nói Liên đoàn bóng đá Australia dưới thời Frank Lowy khá thành công. Frank Lowy là tỷ phú địa ốc được Forbes xếp vào tốp 5 tỷ phú giàu nhất Australia với khối tài sản hơn 5 tỷ usd. Nên không bất ngờ khi dưới sự lèo lái của một người biết kiếm tiền như thế, Liên đoàn bóng đá Australia “ăn nên làm ra" suốt quãng thời gian này. Việc Australia quyết định rời khỏi Liên đoàn bóng đá châu Đại dương để gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á trong thời điểm này cũng được xem là hành động sáng suốt của Frank Lowy và Liên đoàn bóng để Australia. Bởi với việc làm này, Australia đã tiến đến gần hơn chiếc vé tham dự VCK World Cup và với 3 lần liên tiếp dự VCK World Cup với vai trò đại diện châu Á đã minh chứng cho sự đúng đắn đó.

Frank Lowy giữ chức Chủ tịch FFA suốt 12 năm cho đến khi bất ngờ gục ngã trên sân khấu trao chiếc cúp vô địch A.League 2015, khi đó ông đã 85 tuổi. Sau sự cố này, Frank Lowy buộc lòng phải rời khỏi Liên đoàn, chiếc ghế Chủ tịch FFA sau đó được trao lại cho con trai ông, Steven Lowy. Dấu ấn của gia đình Lowy lên bóng đá Australia tiếp tục được thể hiện khi dưới sự lãnh đạo của Lowy con, Liên đoàn bóng đá Australia kiếm được những bản hợp đồng tài trợ béo bở để mang về số tiền cao nhất trong lịch sử. Steven cũng là người phát động chiến dịch tranh quyền đăng cai World Cup nữ 2023 cho Australia và đã thành công (đồng đăng cai với New Zealand).

Tuy nhiên chỉ 3 năm sau, Steven đã tuyên bố rời bỏ chiếc ghế này tại một cuộc họp thường niên của Liên đoàn để phản đối những thay đổi của các thành viên khác trong liên đoàn về việc thay đổi nhân sự cũng như cơ cấu tổ chức Liên đoàn. Lực lượng cải tổ mong muốn tăng chất bóng đá cho Liên đoàn bằng việc đưa thêm người của giới bóng đá (cựu cầu thủ, huấn luyện viên, thành viên các CLB...) vào bộ máy quản lý của Liên đoàn và giảm đi nhân lực là những doanh nhân mặc suit. Trong ngày ra đi, Steven mỉa mai “đó là một lập luận vô nghĩa, hời hợt và... ngây thơ bởi những người không có kinh nghiệm về... quản lý". Steven cũng cho biết, nhóm cải tổ trước đó đã tổ chức cho ông bữa tối theo phong cách “bữa tối cuối cùng". Trước khi rời ghế, Lowy con cũng đã mượn lời cựu thủ tướng Australia trong thư chào mừng tổng thống My Obama đắc cử vào năm 2008 để nhắn gởi những người kế nhiệm: “đồ khốn, trông chờ vô hạn, nguồn lực có hạn" (nguyên văn: “ Kevin wrote, 'Dear Mr President. You poor bastard ... infinite expectations. Finite resources'.”).

Nguyên Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm