Nghi vấn tiêu cực ở trận đấu Việt Nam - Malaysia: Tin mà không đủ....

29/12/2014 14:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cho nên nếu trong bóng đá, có chuyện ngờ vực, rồi thì thành nghi vấn, thậm chí "nghi án" cũng là chuyện bình thường. Trong chúng ta, ai thực sự "đủ đức tin" rằng bóng đá không có tiêu cực?

1. "Tin mà không đủ, nên mới không tin" – một nhà triết học thời cổ đại (Lão Tử) đã viết như thế. Và chẳng cứ trong cuộc sống, mà các tôn giáo từ suốt mấy nghìn năm nay cũng luôn khổ sở vì chuyện các tín đồ có đủ đức tin hay không. Còn trong lĩnh vực khoa học thì nghi ngờ được coi là một "thao tác" của tư duy để nhận biết, khám phá thế giới.

Nghi vấn của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau trận thua mất mặt của đội tuyển Việt Nam trước Malaysia tại bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014 đã gặp phải cơn bão của dư luận, nhất là khi càng ngày càng có nhiều thông tin chứng tỏ không có dấu hiệu tiêu cực. Từ các chứng cứ mang tính khoa học của tổ chức nghiên cứu dữ liệu bóng đá Sportradar đến công bố mới đây nhất của lãnh đạo Cơ quan CSĐT, Bộ Công an (là không có dấu hiệu tiêu cực để công an phải vào cuộc điều tra). Sự việc dường như đã sáng tỏ... Trước đòi hỏi của dư luận về việc "phải xin lỗi các tuyển thủ", ông Dũng cho rằng người chống tiêu cực đang... trở thành nạn nhân.

2. Ở đây chúng ta hãy phân tích mối quan hệ giữa sự tin tưởng và sự nghi ngờ. Nếu như sự nghi ngờ là một thao tác của tư duy để nhận biết sự thật thì việc người hâm mộ đặt dấu hỏi về nghi vấn tiêu cực trước trận Việt Nam-Malaysia là chính đáng. Công chúng có quyền đặt ra nghi vấn ấy khi bằng nhận thức trực giác, cảm tính của mình họ thấy ở đó một trận thua sốc, có nhiều yếu tố bất thường. Công chúng hoàn toàn không có lỗi gì. Nhưng các nhà chuyên môn có thể hóa giải nghi vấn này bằng cách chứng minh các yếu tố mà người hâm mộ tưởng rằng "bất thường" đó lại rất... bình thường trong bóng đá.

Nhưng việc Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng công khai nêu ra nghi vấn đó trên báo chí thì lại là một chuyện khác, bởi ông Dũng không chỉ là người hâm mộ, quan sát trận đấu từ trên khán đài. Ông là lãnh đạo cao nhất trong tổ chức nghề nghiệp của bóng đá Việt Nam, tổ chức có đủ năng lực, thẩm quyền để đánh giá, nhận định về các vấn đề liên quan đến bóng đá. Như vậy phát ngôn của ông Dũng, nếu không có đủ cơ sở, có thể bị coi là "vu khống", xúc phạm đến các cầu thủ. Có thể ngờ vực là một thao tác của tư duy để tìm ra sự thật như đã nói, nhưng không ai có quyền công khai nói người khác vi phạm pháp luật và đạo đức mà không có cơ sở.

Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là nghi vấn của ông Dũng có cơ sở hay không? Cơ sở để nghi vấn có thể bị bác bỏ (sau khi điều tra, nghiên cứu) hoặc có thể được khẳng định bằng kết luận của cơ quan hữu quan. Nhưng điều đó chờ hạ hồi phân giải. Quan trọng là cơ sở để đặt ra nghi vấn phải khách quan, trung thực và có độ tin cậy nhất định. Liên đoàn bóng đá Lào cũng đang đặt ra nghi vấn tiêu cực đối với 2 trận đấu của đội tuyển nước họ ở AFF Suzuki Cup 2014, trong đó có 1 trận đấu với đội tuyển Việt Nam. Không hiểu họ có cơ sở đáng tin cậy hay không?

3. Diễn biến mới nhất mà ông Dũng phát biểu trên báo Thể thao & Văn hóa số ra ngày 28/12 đó là: "Chúng tôi đang nắm trong tay một số thông tin mà báo chí và cơ quan chức năng chưa biết". Nếu thực sự ông Dũng và VFF có trong tay những chứng cứ ban đầu (chưa nói đúng sai, miễn là chứng cứ trung thực, khách quan) thì việc nghi vấn của ông Dũng là việc bình thường. Ông không phải xin lỗi các cầu thủ.

Còn ngược lại, thì sao? Cho đến nay chưa ai biết những thông tin mà ông Dũng tuyên bố đã có trong tay gồm những gì? Cơ quan chức năng đã được cung cấp các thông tin đó chưa?  Đó là là những tình tiết quan trọng, lật ngược tình thế, hay chỉ là... nói vậy để mọi việc dần chìm xuồng?

Người ta có đủ đức tin để "tin" vào chuyện tiêu cực và cả chuyện chống tiêu cực này không? Và nếu không đủ, đương nhiên người ta lại có quyền ngờ cả hai bên.

Xem ra chuyện hay còn ở hồi sau...

Phương Trinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm