Lợi ích của nền bóng đá

29/12/2017 12:51 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, trước đợt bão thông tin về nội bộ bất ổn và những tồn tại của VFF khóa VII, đã có người ví rằng, những kẻ "chủ mưu" chủ ý đánh từ "thắt lưng trở xuống". Ví như chuyện bới móc những tiểu tiết tưởng chừng không mấy liên quan, rồi kết nối chúng lại với nhau, hòng hạ bệ đối thủ. Không dừng ở việc "đánh đấm", thậm chí nó còn hơi hướng chiến lược đàng hoàng và diễn ra ngay trước thềm Đại hội VFF khóa VIII vốn đang nóng.

Trên thực tế, những chuyện "xì tin" hành lang bới móc lẫn nhau hay các chiêu trò hạ bệ nhau, chẳng xa lạ gì trước thềm mỗi kỳ Đại hội Liên đoàn. Bằng cách nào đó, kể cả việc dùng thủ đoạn lẫn vận động hành lang, đánh vỗ mặt hay vu hồi... mà đơn giản chỉ là để "hạ" bằng được đối thủ dưới cái mác "thay đổi", "đổi mới"

Chuyện những chiếc xe biển xanh ở trụ sở VFF đường Lê Quang Đạo lan trên mặt báo mà theo giải trình của VFF là để "thuận lợi cho công việc đưa đón khách VIP và khách quốc tế" là minh chứng. Nhưng nó có thể sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Chủ tịch VFF: Doanh nghiệp, chính khách hay nhà chuyên môn?

Chủ tịch VFF: Doanh nghiệp, chính khách hay nhà chuyên môn?

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đi tìm "minh chủ" cho bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ mới (khoá VIII), trong đó những phát biểu với báo giới của nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, Hà Quang Dự, mang nhiều giá trị tham khảo.

VFF dù đã và đang chịu sự quản lý Nhà nước từ Tổng cục TDTT và Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, thì về cấu trúc, nó là tổ chức xã hội nghề nghiệp, với tiêu chí hướng tới là phát triển nền bóng đá cũng như các giải đấu. Nhưng bao năm qua, vắt qua rất nhiều kỳ Đại hội, nhiều đời Chủ tịch, tiếng thơm thì ít mà tai tiếng thì nhiều. Lý là bởi tổ chức này chưa thể tập hợp được đầy đủ nguồn lực, với những người bước vào đó làm bóng đá không vì lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích.

Thế nên, chuyện sắp xếp - quy hoạch các cái ghế còn lại, là có thật. Ở phạm vi nhỏ hơn, có thể lấy cấu trúc hoạt động của Ban Trọng tài thuộc VFF và các Liên đoàn bóng đá thành viên ở địa phương làm viện dẫn. Ban Trọng tài quy hoạch, bồi dưỡng và "sắp tài" cho người của mình, theo quy trình là thế. Nhưng để được cất nhắc đôn hạng, được phân công nhiệm vụ, là một quá trình rất nhiêu khê.

Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'

Ứng viên cho chức Chủ tịch VFF: Chưa ai 'xung phong'

Thông điệp tìm người thay thế ông Lê Hùng Dũng ở vị trí Chủ tịch đã được phát đi trước khi Đại hội thường niên VFF năm 2017 diễn ra. Tuy nhiên, vẫn chưa xuất hiện một ứng viên cụ thể nào cho vị trí quyền lực nhất tại Liên đoàn...

Ở đâu có quyền lợi, ở đó có... lobby (chạy hành lang), chuyện đã quá quen ở xã hội hiện tại chứ chẳng riêng gì bóng đá. Nghề trọng tài, với thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/tháng, chế độ rõ là cao hơn nhiều mặt bằng xã hội. Đấy là chưa tính đến những phết, phẩy và chưa kể lương cứng từ các cơ quan chủ quản của "vua áo đen". Gắn mác trọng tài quốc gia cũng oách lắm và giải quyết được khối việc ở cấp cơ sở, chứ không đùa. Theo rồi thì phải đeo, dù chưa chắc nó là cái nghiệp.

Trở lại với vấn đề mà chúng ta bàn tới ở đầu bài viết. Cho đến lúc này, có thể phân loại luôn những ai trong và ngoài tổ chức VFF bảo lưu quan điểm cách tân, đổi mới bằng mọi giá, những ai chủ trương giữ ghế. Điều mà người hâm mộ bóng đá quan tâm, không phải nhóm nào, cá nhân ai sẽ giành chiến thắng, mà là lợi ích cuối cùng cho nền bóng đá.

Lịch sử cho thấy, VFF vốn mang thuộc tính đồng hoá rất cao. Nếu không có cuộc cách mạng triệt để, không bao giờ giải quyết hết tồn tại, đấy là điều chắc chắn.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm