Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi

23/12/2016 05:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ban lãnh đạo Thể Công rất phấn chấn, hồi hộp và chờ tin của tướng Bằng Giang từng ngày. Cuối tuần, ông xuất hiện tại phòng làm việc của Ban chỉ huy một cách bất ngờ, triệu tập cuộc họp gấp.

1. Sau khi thông báo về việc Bộ đã biết và đang nghiên cứu về việc tiếp tục duy trì đoàn Thể Công, ông kể thêm với vẻ hồ hởi, rằng đã gặp ông Vương Thừa Vũ tại nhà riêng ngay sau khi gặp mọi người và trình bày ý kiến đề xuất của Ban chỉ huy về những lập luận tiếp tục duy trì và xây dựng, không nên giải thể Thể Công.

Ông Vương Thừa Vũ nghe xong có băn khoăn và hỏi: “Nếu không giải thể thì đoàn đóng quân ở đâu? Với tình hình máy bay Mỹ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ném bom khi thấy có tập họp đông người thì rất nguy hiểm, Thể Công không thể ở Hà Nội được nữa, phải sơ tán thôi.

Hay là đưa lên Việt Bắc, Tây Bắc? Đây là vấn đề Bộ đang cân nhắc vì nếu tiếp tục duy trì Đoàn thì phải chọn nơi đóng quân phù hợp với hoạt động TDTT, tối thiểu phải có sân bãi cho bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền”.

Lúc đó, tướng Bằng Giang nói luôn: "Đề nghị cho Thể Công lên Sơn Tây, về với Trường Sỹ quan Lục quân (SQLQ), nơi có đủ điều kiện cho anh em tập luyện và thi đấu".

Một tuần lễ sau khi tạm biệt nhau ở sân vận động Cột cờ, trợ lý của tướng Bằng Giang được lệnh chuyển gấp văn thư của ông tới Đoàn trưởng Hồ Quang Quới. Bức văn thư vắn tắt: “Chính ủy Lê Tự Đồng và toàn thể Hiệu ủy đã ủng hộ phương án tiếp nhận đoàn Thể Công. Tôi sẽ lên báo cáo và xin ý kiến Phó Tổng TM trưởng Vương Thừa Vũ lần cuối. Các đồng chí chuẩn bị các bước tiếp theo”.

2. Đầu tháng 5 năm 1964, Thượng tá Hồ Quang Hóa, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, thay mặt Bộ Tổng tham mưu phổ biến mệnh lệnh: “Toàn thể Đoàn TDTT Quân đội chuẩn bị hành quân lên Công trường 50 (Trường SQLQVN) sau 5 ngày nữa chỉ để lại một bộ phận nhỏ trông nom sân Cột Cờ và doanh trại”.

Đúng thời gian quy định, toàn thể cán bộ, chiến sỹ của đoàn Thể Công tổ chức thành từng đội, xếp hàng hành quân bộ vượt 50 km đường ruộng, lối mòn để đến địa phận thôn Triều Đông xã Cổ Đông huyện Tùng Thiện, cách thị xã Sơn Tây 10km theo đường chim bay, bắt đầu một giai đoạn mới: Trưởng thành vượt bậc trong chiến tranh!

Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi

Kỳ 2 phần tiếp theo: Thể Công trong trái tim tôi

Hôm nay, đúng 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016). Tôi viết bài báo này trong tâm trạng vô cùng xúc động bởi mình cũng từng là người lính đang hồi ức về cảnh tượng Thể Công suýt bị giải tán từ 52 năm trước…

Cuối tháng 6 năm 1964, Thượng tá Hồ Quang Hóa mang Quyết định chính thức của Bộ chuyển giao Thể Công về Trường SQLQVN. Về tổ chức, Bộ đồng ý đề xuất của lãnh đạo đoàn thu gọn lực lượng, theo đó các đội điền kinh, xe đạp, bắn súng, khung cán bộ tập huấn giải thể. Biên chế của Thể Công chỉ còn các đội bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền và thể dục dụng cụ.  Một số cán bộ, vận động viên được điều chuyển đi học, đi chiến đấu theo nguyện vọng. Ban chỉ huy đoàn Thể Công được kiện toàn gồm: Đoàn trưởng Đại úy Hồ Quang Quới (người Nam Bộ), Phó đoàn Thượng úy Phạm Tất Thắng và Phó đoàn Chính trị viên Trung úy Ngô Xuân Quýnh.

Trong buổi lễ chính thức công bố quyết định, thay mặt Cục Quân huấn, Thượng tá Hồ Quang Hóa phát biểu: “Từ nay, đoàn Thể Công sẽ trực thuộc Trường Sỹ quan lục quân Việt Nam nhưng Cục Quân huấn luôn luôn coi đoàn như máu thịt của mình. Chúc các đồng chí yên tâm xây dựng đơn vị tiến lên! Hẹn gặp lại!”.

Kể từ đó, Thể Công mang phiên hiệu “Đoàn TDTT Trường SQLQVN” trên mọi giấy tờ giao dịch. Toàn thể cán bộ, chiến sỹ được bố trí ăn ở tập luyện trong khu vực doanh trại trong sự đón tiếp chu đáo, đầy ngưỡng mộ của lãnh đạo cùng toàn thể giáo viên, học viên, công nhân viên nhà trường.

Nhờ có quyết định trên, cùng với các đội bóng chuyền, bóng rổ và thể dục dụng cụ, đội bóng đá Thể Công đã hồi sinh và phát triển rực rỡ.

(Còn nữa)

Phòng ngự chặt, tấn công nhanh trên bàn làm việc

Sau cuộc làm việc với ông Vương Thừa Vũ về vấn đề duy trì đội Thể Công, ông Bằng Giang kể: “Chúng tôi xin tiếp nhận và tạo điều kiện tốt nhất để Thể Công hoạt động. Các cậu biết rồi đấy, ông Vũ cực kỳ nghiêm khắc và chu đáo. Ông hỏi sân vận động của Trường ở đâu, có trồng cây xanh xung quanh không? Học viên có hay ra đó chơi không? Có đủ kích thước cho bóng đá không?

Ông ấy có cười bao giờ đâu mà hôm ấy đã cười, ông ấy nheo nheo đôi mắt như cười và nói: "Tôi biết rồi, chẳng ai mê bóng đá như ông. Tôi sẽ suy nghĩ thêm và xin ý kiến cấp trên đã".

Tớ liền tấn công ngay: "Tôi với anh hồi cùng trong Bộ Tư lệnh chưa bao giờ có ý kiến khác nhau. Anh cứ tin tôi đi, tôi đã suy nghĩ kỹ và đã trao đổi sơ bộ với Hiệu ủy Trường SQLQVN rồi, các anh ấy nhất trí với suy nghĩ của tôi. Nếu lãnh đạo Bộ có hỏi về vấn đề này, nhờ anh nói giúp là Bằng Giang xin nhận trách nhiệm trước bộ về việc tiếp nhận Thể Công và xin hứa sau khi đánh thắng Mỹ, Trường SQLQVN sẽ nộp trả lại Bộ một Thể Công ở tầm cao mới, mạnh hơn sau thắng Pháp.

Đã sống, chiến đấu và làm việc cùng nhau từ lâu, mình hiểu Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ rất ủng hộ bản đề xuất của các cậu. Mình có cảm giác, là người chịu trách nhiệm chỉ đạo Thể Công, anh Vũ cũng không muốn giải thể đoàn nhưng chưa tìm được giải pháp hợp lý.

Nay đã có giải pháp nên anh ấy có vẻ vui lắm. Thôi bây giờ là việc nội bộ. Mình về Lục quân trao đổi với Hiệu ủy, Đại tá Chính ủy Lê Tự Đồng đang chờ. Trước tình hình mới, Nhà trường cũng nhận nhiều nhiệm vụ lắm, nhưng có lẽ việc đón Thể Công đang rất cần. Thôi chào, mình đi đây!”.


VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm