Góc Hồng Ngọc: U23 Việt Nam giờ nhìn đối thủ nào cũng thấy khó!

16/11/2013 13:53 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển U23 Việt Nam và người hâm mộ mừng rỡ khi U23 Philippines rút lui không dự SEA Games 2013, vì bớt đi một đối thủ tiềm tàng. Đã đến thời mà các đội tuyển bóng đá nam nước nhà nhìn đối thủ nào trong khu vực cũng thấy khó chơi. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Anh có cảm giác vui mừng cho đội tuyển U23 Việt Nam khi Philippines rút lui, không tham gia môn bóng đá nam ở SEA Games tới không, thưa anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Chắc cũng như mọi người, tôi nhận ra U23 Việt Nam sẽ có thêm cơ hội lọt vào vòng bán kết SEA Games. Nhưng rồi lại thấy rầu lòng.

Tại sao vậy?

Có hai lý do. Thứ nhất, chúng ta vẫn cứ mong mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Nếu việc dễ với chúng ta thì cũng dễ với người khác, trong khi đây là một cuộc cạnh tranh để tìm ra đội bóng giỏi nhất. Nếu chúng ta không tiến bộ trong việc chinh phục khó khăn tốt hơn, thì chúng ta chỉ có thể chiến thắng khi các đối thủ tồi đi.

Thứ hai, bóng đá Việt Nam đã tụt lùi so với khu vực. Trong suốt hơn 10 năm, từ 1996 – 2009, dù là đội tuyển quốc gia hay U23, dù tại VFF Cup hay SEA Games, các đội tuyển Việt Nam gần như được mặc định là sẽ có mặt ở bán kết. Ở vòng bảng thường chỉ có 2 trận đấu thật sự, một trận tranh vé vào bán kết, và một trận tranh ngôi đầu bảng. Nhóm các đội đua tranh được với chúng ta chỉ gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar, thậm chí ở nhiều thời điểm, có những trận đấu với một số đối thủ trong nhóm trên chúng ta chắc thắng. Với các đối thủ khác thì vấn đề chỉ là thắng bao nhiêu bàn cách biệt thôi. Nhưng giờ thì chúng ta bất an kể cả khi đá với Philippines, Lào, và Đông Timor.



Malaysia (phải) chính là đối thủ lớn nhất của U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 27

Anh có vẻ tự mâu thuẫn. Vế trên anh buồn vì chúng ta mong mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Vế dưới anh lại buồn vì việc vượt qua vòng bảng đã trở nên khó khăn hơn?

Không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Chúng ta không vui mừng với việc một cuộc cạnh tranh trở nên dễ dàng hơn, vì nó chỉ xảy ra khi các đối thủ đều tụt lùi, và chúng ta cũng mất cơ hội tiến bộ nhờ cạnh tranh. Nhưng cũng không ai vui mừng khi một việc trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng là chúng ta sẵn sàng cả về tâm lý, phương pháp, và kỹ năng để đối diện và vượt qua những khó khăn mới.

Tại sao anh không hiểu khó khăn hơn là vì các đối thủ khác đã tiến bộ, thay vì hiểu rằng chúng ta đã tụt lùi.

Dựa vào đâu để chúng ta nói các đội bóng như Lào, Đông Timor và Philippines tiến bộ?

Philippines thậm chí còn thờ ơ với bóng đá đến mức không dự SEA Games này, vậy thì họ tiến bộ bằng cách nào? Lào gần đây mới có giải vô địch quốc gia thật sự, do… các nhà tài trợ Việt Nam giúp sức. Nhưng họ vẫn ở trình độ mà những cầu thủ thải loại ở V-League vẫn trở thành ngôi sao ở đó. Và số trận đấu, thời gian diễn ra giải ngắn hơn nhiều so với V-League. Vậy thì họ tiến bộ bằng cách nào? Đó là chưa kể quy mô dân số, trình độ phát triển, và mức đầu tư cho bóng đá của họ. Đông Timor mới giành độc lập năm 2002, có dân số chỉ hơn 1 triệu người, mức thu nhập bình quân thuộc hàng thấp nhất thế giới, đội tuyển của họ vẫn gồm những cầu thủ nghiệp dư, còn kiếm sống bằng nghề khác. Vậy thì họ tiến bộ bằng cách nào?

Nếu như chúng ta đối đầu với các đội tuyển của những nền bóng đá có điều kiện phát triển còn khó khăn và hạn chế như thế mà vất vả hơn, thì đơn giản là chúng ta tụt lùi, chứ không thể khẳng định rằng họ tiến bộ. Cho dù họ có tiến bộ thật, thì không thể đạt tới mức có thể cạnh tranh với một nền bóng đá được đầu tư, được quan tâm hơn nhiều như của chúng ta.

Họ thiếu nền móng, nhưng lại “đi tắt đón đầu” bằng việc nhập tịch các cầu thủ ngoại. Đó phải chăng là một cách làm không công bằng?

Công bằng hay không đã có luật chơi. Mỗi người, mỗi quốc gia có một lựa chọn. Một khi còn đúng luật chơi, không gian lận thì đó đều là cách làm đáng tôn trọng. Chúng ta có quyền lựa chọn theo cách họ hoặc không. Và chọn rồi thì hãy tôn trọng sự lựa chọn của mình, và cũng tôn trọng sự lựa chọn của người khác, thay vì ngồi mà than vãn là không công bằng.

Vậy thì chúng ta hãy tranh luận về cách làm. Chúng ta có nên sử dụng cầu thủ nhập tịch để giúp đội tuyển mạnh hơn?

Trong một thế giới mở thì đó là câu hỏi không cần đặt ra. Đội tuyển Pháp vô địch thế giới năm 1998 và EURO 2000 với thành phần chính đa số là những cầu thủ có nguồn gốc nhập cư. Câu hỏi tương tự nên đặt ra là chúng ta có tôn trọng và gìn giữ bản sắc hay không. Đội tuyển Pháp

gồm đa phần là các trụ cột nhập cư, nhưng vẫn giữ đúng bản sắc lối chơi của bóng đá Pháp. Bản sắc không phải là vấn đề màu da hay màu mắt, mà thể hiện ở sản phẩm anh làm và cách anh tạo ra sản phẩm đó.

Đáng tiếc là chúng ta không có thứ bản sắc tôi vừa nói. Chúng ta không định hình được bản sắc bóng đá Việt. Ngay cả việc sử dụng cầu thủ ngoại, nhập tịch cho họ đều là việc đối phó với tình huống, thậm chí làm phai nhạt đi thứ bóng đá mà trước đây chúng ta vẫn tự nhận là bản sắc: đề cao sự khéo léo và phối hợp nhỏ. Vì thế, bản sắc đối với chúng ta chỉ còn là màu da. Nên chúng ta tự từ chối các cơ hội làm mình mạnh hơn bằng con đường ngắn hơn và phù hợp với thế giới mở.

Nhưng đào tạo sẽ cung cấp một nền tảng vững vàng cho sự phát triển tự thân. Còn nhập khẩu chỉ là biện pháp đối phó tạm thời?

Anh đúng ở vế thứ nhất, nhưng không đúng ở vế thứ hai. Nước Mỹ có hệ thống giáo dục đào tạo tốt nhất thế giới. Nhưng nó cũng là đất nước thu hút nhân tài lớn nhất thế giới. Cả hai con đường đó đều làm họ mạnh hơn, và đều góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Mỹ.

Hơn 1 thập kỷ trước là Pháp, gần đây là Tây Ban Nha và mới đây là Đức là những nền bóng đá có hệ thống đào tạo chuẩn mực bậc nhất thế giới. Nhưng họ vẫn nhập tịch cho các cầu thủ ngoại giúp đội tuyển của mình mạnh hơn.

Ngay cả việc muốn đào tạo cũng không dễ dàng. Nó phụ thuộc vào văn hóa bóng đá bản địa, và thể thao học đường. Nếu một nền giáo dục phổ thông loại bỏ cơ hội chơi và tập luyện thể thao thường xuyên của trẻ em, đó là nền thể thao mất gốc. Chỉ còn lại cách là nuôi gà chọi, nhưng đó là rủi ro lớn cả với người đào tạo và gia đình cầu thủ trẻ được đào tạo. Các nền giáo dục chịu ảnh hưởng Nho giáo gặp vấn đề này, như Trung Quốc, Việt Nam, và cả Singapore. Nhật Bản và Hàn Quốc thì đã thay đổi nhiều nhờ chịu ảnh hưởng của mô hình giáo dục Mỹ.

Được rồi, anh hãy nói về cơ hội của đội tuyển U23 Việt Nam tại bảng A?

Như tôi vừa nói, Singapore cũng không thuận lợi gì hơn chúng ta về mô hình đào tạo thể thao, vì hạn chế văn hóa. Nhưng họ lại có quy mô dân số nhỏ hơn, và con người có nhiều cơ hội phát triển hơn ngoài con đường thể thao chuyên nghiệp. Nên họ chỉ có cơ hội làm mạnh đội tuyển bằng chính sách nhập khẩu, điều khó thực hiện với các đội tuyển trẻ như U23. Lào cũng không có điều kiện phát triển bóng đá chúng ta, dù cả hai đội bóng này đều có khả năng gây khó khăn.

Chỉ có Malaysia là đối thủ trong bảng, nên nếu U23 Việt Nam không vượt qua vòng bảng thì đó là thảm họa.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm